Kinh nghiệm của các tỉnh bạn

Một phần của tài liệu Việc làm trong quá trình đô thị hóa tại thành phố việt trì, tỉnh phú thọ (Trang 35)

5. Bố cục của luận văn

1.5.1.Kinh nghiệm của các tỉnh bạn

1.5.1.1. Thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Thị xã Phúc Yên có 10 đơn vị hành chính (6 phường: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hùng Vương, Phúc Thắng, Xuân Hoà, Đồng Xuân và 4 xã: Ngọc Thanh, Cao Minh, Nam Viêm, Tiền Châu). Thị xã Phúc Yên có 116.898 nhân khẩu (tính đến năm 2013), mật độ dân số trung bình là 772 người/km2

; Phúc Yên có nguồn lao động dồi dào, lao động trong độ tuổi chiếm trên 60% tổng dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp không cao so với tổng số lao động.

Với mục tiêu phát triển thị xã Phúc Yên thành đô thị vệ tinh của Hà Nội, quá trình phát triển công nghiệp và ĐTH có xu hướng lan toả về phía Tây có tác động mạnh mẽ đến phát triển đô thị của Phúc Yên. Thị xã Phúc

Yên đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ các khu đô thị để thu hút dân cư các vùng phụ cận của Hà Nội.

Ở Phúc Yên, các chương trình quốc gia giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả. Thị xã Phúc Yên đã quan tâm triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ cho lao động vùng dành đất nông nghiệp cho công nghiệp và đô thị. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện và nâng cao. Mỗi năm bình quân có 2.500 - 3.000 lao động được giải quyết việc làm. Những kinh nghiệm về giải quyết việc làm cho người lao động có hiệu quả đã được áp dụng thời gian qua tại Thị xã Phúc Yên chủ yếu như sau:

- Hoàn thiện việc quy hoạch đất đai và quản lý tốt kinh phí trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như các khu đô thị mới cần được thông qua một cách công khai sớm trước mọi người dân và cần chỉ rõ thời gian cần thu hồi, quy mô cần thu hồi để người dân có kế hoạch chủ động trong tìm kiếm việc làm, chuyển đổi ngành nghề cũng như có kế hoạch sản xuất phù hợp.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế: việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh kinh tế công nghiệp, dịch vụ để tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và phát triển du lịch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại cũng đã giải quyết việc làm cho người lao động một cách có hiệu quả và tương đối bền vững vì thu nhập của người lao động ở các ngành trên cao hơn thu nhập của người lao động hoạt động nông nghiệp thuần tuý.

- Tổ chức đào tạo nghề cho nông dân: nhìn chung, nông dân Phúc Yên nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung đều có chất lượng thấp: trình độ chuyên môn chưa sâu, tay nghề còn hạn chế, còn tuỳ tiện trong sản xuất kinh doanh,… nên chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại, công nghiệp. Chính vì vậy, sau khi thu hồi đất, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận lại những lao động trong vùng giải toả làm công nhân của doanh nghiệp. Tuy

nhiên do trình độ thấp không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nên một bộ phận công nhân bị loại thải hoặc tự rút lui do không đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, đào tạo nghề cho bà con nông dân là một việc không thể thiếu. Để việc đào tạo nghề thực sự hữu hiệu cần rà soát lại hệ thống các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, xem xét nhu cầu về lao động của họ để đào tạo, ngoài ra, cần làm tốt công tác tư vấn để người lao động có thể chọn nghề phù hợp với khả năng và sức khoẻ của họ.

- Tăng cường các hoạt động hỗ trợ để khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và phát triển sản xuất. Trong điều kiện hiện nay, nếu người nông dân không được sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó khăn, vì vậy bất cứ sự trợ giúp nào cũng sẽ là tác động quan trọng giúp người nông dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thu hồi đất. Các biện pháp hỗ trợ đã được thực hiện có hiệu quả như: trợ giúp về vốn, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các hộ bị mất đất trong quá trình ĐTH, các tổ chức đoàn thể cũng có thể có những hỗ trợ khác trợ giúp cho bà con nông dân thông qua các hoạt động phong trào giúp nhau làm kinh tế, làm trung gian tìm kiếm thông tin về việc làm để cung cấp cho những người có nhu cầu tìm việc làm. Ngoài ra, cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người lao động biết lượng sức mình chọn những ngành nghề phù hợp tham gia đào tạo.

- Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, tăng cơ hội việc làm ngoài nước cho người lao động. Đây được coi là một trong những biện pháp tạo việc làm hiệu quả và thiết thực được nhắc tới rất nhiều trong những năm gần đây. Các cơ quan chức năng cần có sự liên kết với nhau trong việc tổ chức thực hiện, sao cho những người bị thu hồi đất sẽ được ưu tiên đi trước, số còn lại mới dành cho các đối tượng khác. Tuy nhiên, để việc xuất khẩu lao động được thuận lợi, người lao động cũng cần được đào tạo cả về ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỉ luật và chuyên môn kỹ thuật.

- Phát triển thông tin thị trường lao động, tổ chức hiệu quả sàn giao dịch việc làm vệ tinh.

1.5.1.2. Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Thành phố Bắc Ninh hiện nay bao gồm 19 đơn vị hành chính (16 phường, 3 xã) có diện tích tự nhiên 82,6 km2, dân số 272.634 người, mật độ dân số 3.301 người/km2

, dân số thành thị 160.036 người chiếm 58,7% dân số toàn thành phố. Trong quá trình CNH, HĐH và ĐTH các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm đến việc giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn vùng bị thu hồi đất với những chính sách cụ thể như sau:

- Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở những nơi chuyển đổi mục đích đất sử dụng. Những năm qua công tác đào tạo nghề đã được tỉnh quan tâm đúng mức, như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo. Tỉnh đã xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề giai đoạn 2010 - 2020 và bước đầu triển khai công tác dạy nghề cho nông dân trong tỉnh. Các cơ sở dạy nghề ngày càng được củng cố về quy mô, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên.

Ngoài ra, công tác dạy nghề của tỉnh và thành phố cũng được xã hội hóa với nhiều hình thức như đào tạo nghề dài hạn, ngắn hạn, tập huấn nghề, kèm cặp,… Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đào tạo nghề, tỉnh có chính sách như: hỗ trợ cho thuê mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp tự đào tạo nghề trước khi sử dụng lao động, khuyến khích việc truyền nghề trong các làng nghề,… Khi người lao động đã được đào tạo, vấn đề việc làm được mở rộng theo 3 kênh: người lao động tự lo việc làm, thông qua các trung tâm giải quyết việc làm và trung tâm dịch vụ việc làm thu xếp, bố trí.

Từ việc đào tạo nghề cho người lao động có tư vấn nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, làng nghề trước khi được đào tạo nên người lao động tích cực học tập để có tay nghề. Nguồn kinh phí dạy nghề

ở Bắc Ninh được phân bổ cho “ba nhà” cùng lo, đó là tỉnh trích một phần ngân sách, doanh nghiệp trích một phần quỹ phúc lợi và người lao động lo phần còn lại. Đối với những lao động không có khả năng tài chính thì ngân hàng sẽ cho vay hỗ trợ.

- Quy định các doanh nghiệp, các chủ dự án sử dụng đất thu hồi phải ưu tiên tạo việc làm cho lao động của những hộ bị thu hồi đất và lao động tại địa phương. Nhằm đảm bảo việc làm, ổn định cuộc sống của người dân tại các nơi thực hiện dự án thu hồi đất, tỉnh, thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp, các chủ đầu tư vào các trung tâm thương mại, dịch vụ phải ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương trước sau đó mới tới lao động các tỉnh khác dựa trên trình độ tay nghề, nhu cầu của các doanh nghiệp. Đối những lao động có tay nghề phù hợp được các doanh nghiệp sắp xếp đúng vị trí, đối với những lao động phổ thông một phần được các doanh nghiệp cho đi đào tạo kỹ thuật, một phần được bố trí làm bảo vệ. Tuy nhiên, về phía người lao động trước khi được tuyển dụng cũng đã được các ban, ngành có liên quan tư vấn việc học nghề, gặp gỡ nhà tuyển dụng và được tư vấn về những vấn đề có liên quan tới việc làm,… Do có sự kết hợp từ ba bên (địa phương, doanh nghiệp và người lao động) nên tỷ lệ lao động tại địa phương, trong đó có lao động nông nghiệp bị thu hồi đất được tuyển dụng vào các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, đô thị ngày càng tăng.

- Phát triển làng nghề truyền thống thu hút lao động, cấp đất dãn dân, đất khu dân cư dịch vụ để người nông dân “ly nông” nhưng không “ly hương”. Bắc Ninh có ưu thế là có rất nhiều làng nghề truyền thống. Làng nghề Bắc Ninh đã thu hút hàng ngàn lao động, phần lớn là nông dân. Bởi vì các ngành nghề truyền thống phần lớn chỉ yêu cầu lao động thủ công, chịu khó, khéo tay. Lao động ở những vùng thu hồi đất, đại đa số là nông dân chưa qua đào tạo. Vì vậy, đây là kênh giải quyết việc làm tương đối hiệu quả đối với nông dân vùng thu hồi đất.

Đối với cơ sở nghề truyền thống tham gia dạy nghề giải quyết việc làm cho con em bị thu hồi đất, tỉnh và thành phố có chính sách ưu đãi như hỗ trợ về vốn, mặt bằng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để các cơ sở yên tâm sản xuất.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp, tỉnh thực hiện cấp đất giãn dân và đất khu dân cư dịch vụ cho nông dân chuyển sang làm dịch vụ quanh khu vực công nghiệp, khu đô thị. Đây chính là phương thức tạo nguồn lực giải quyết việc làm và chuyển đổi ngành nghề lao động bằng quỹ đất.

- Đẩy mạnh xuất khẩu lao động: để khuyến khích và tạo điều kiện cho lao động trong các vùng thực hiện dự án thu hồi đất đi xuất khẩu lao động, HĐNH&UBND tỉnh đã có Nghị quyết về hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với các đối tượng chính sách, trong đó có lao động trong các khu dự án thu hồi đất thực hiện quá trình ĐTH của tỉnh. Sau khi phân loại những lao động có thể tham gia xuất khẩu lao động được tập trung học nghề, học tiếng, học luật nước đến lao động. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những lao động bị thu hồi đất tham gia xuất khẩu lao động, HĐNH tỉnh đã có Nghị quyết về hỗ trợ các khoản như sau:

Tiền hộ chiếu: 200.000 đồng;

Tiền khám sức khỏe: 500.000 đồng;

Hỗ trợ định hướng từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đối với những lao động không có điều kiện tài chính, tỉnh hỗ trợ bằng cách cho vay ngân hàng từ 25 đến 30 triệu đồng/một lao động.

Một phần của tài liệu Việc làm trong quá trình đô thị hóa tại thành phố việt trì, tỉnh phú thọ (Trang 35)