Khung pháp lý cho sự tham gia của người dân cho tới nay đã có rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên các hướng dẫn thực hiện lại có một loạt các hạn chế, đặc biệt về thời điểm và phạm vi của sự tham gia. Luật ban hành văn bản pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 2004 quy định 5-7 ngày cho cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng góp ý kiến cho văn bản ra ở cấp tỉnh thành, 3-5 ngày ở cấp quận là quá ít để người dân có thể nhận biết, nghiên cứu và góp ý kiến [5]. Cơ chế Giám sát Đầu tư Cộng đồng 2006 quy định cơ chế thành lập và vận hành các Ban Giám sát Đầu tư Cộng đồng khá cồng kềnh khó khuyến khích người dân tham gia cũng như có thể tạo ra mâu thuẫn về lợi ích do chính quyền địa phương phải cấp kinh phí cho các ban này giám sát lại chính mình.
Các phương tiện thông tin đại chúng được là kênh tích cực nhất trong việc truyền tải ý kiến của người dân đến chính quyền tại đây. Đây được coi là yếu tố tích cực trong việc đóng góp ý kiến cá nhân cũng như thông qua các tổ chức nghề nghiệp.
Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị là một bộ phận trong quản lý đô thị. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này không đề xuất đầy đủ việc người dân có thể giám sát các dự án liên quan đến quản lý không gian kiến trúc cảnh quan này như thế nào.
Các quy định về phổ biến thông tin để tạo điều kiện cho người dân tham gia đều đã có. Tuy nhiên, thông tin thường được cung cấp không đầy đủ, thiếu tính liên kết, thiếu các hướng dẫn tìm thông tin nào ở đâu và nhiều người dân không sử dụng internet là các cản trở để họ có thể nắm bắt được thông tin để tham gia một cách hiệu quả [14].
Mặc dù còn nhiều hạn chế đã nói ở trên, vai trò sự tham gia của người dân ngày được đánh giá cao. Đa số mọi người cho rằng phần lớn người dân, kể cả người nghèo và người có học thức thấp, đều có nhận thức ngày một tốt hơn về trách nhiệm xã hội và vai trò trong công tác quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, có khả năng và mong muốn tham gia vào quá trình ra quyết định.
Có một số nguyên nhân dẫn đến sự thiếu sự tham gia của các tầng lớp xã hội. Ngoài nhóm cán bộ nhà nước, các nhóm xã hội khác không được cập nhật về các quy định, nhất là người dân ở cấp cộng đồng thậm chí không nhận thức được hết quyền được tham gia của mình. Bên cạnh đó, các tổ chức quần chúng không phát huy hết được vai trò và nhất là phụ thuộc chính quyền về tài chính trong họat động của mình, nên đã không đảm đương được trách nhiệm làm cầu nối giữa chính quyền và người dân.