II. BẢNG BIỂU
3.3.6. Hoàn thiện tính giá thành sản phẩm
Hiện nay, tại các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm truyền thống, giá thành sản phẩm được tính dựa trên tổng giá thành của các sản phẩm hoàn thành trong kỳ và tổng giá bán của các sản phẩm này. Cách tính này không phản ánh được giá thành thực tế của sản phẩm vì giá bán là một yếu tố khách quan. Giá bán của các sản phẩm khác nhau không phụ thuộc hoàn toàn vào chi phí sản xuất ra chúng mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như quan hệ cung – cầu, tình hình thị trường, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng loại, …
Sản phẩm may mặc trải qua nhiều công đoạn như giác mẫu, cắt, may, hoàn thiện. Sản phẩm hỏng chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn may và giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, Thực tế tại Tổng công ty May 10 như trình bày ở chương 2, sản phẩm hỏng chưa được hạch toán phù hợp mà bị loại ra và coi như phế liệu thu hồi. Phế liệu thu hồi có giá trị sử dụng thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Để cải thiện thực trạng đó, Tổng công ty May 10 cần tiền hành các công việc cụ thể như:
Quy định rõ tỷ lệ sản phẩm hỏng trong định mức và ngoài định mức căn cứ vào điều kiện máy móc thiết bị sản xuất và trình độ, kỹ năng của người công nhân. Nếu sản phẩm hỏng vượt định mức, cần phải quy trách nhiệm vật chất, buộc bồi thường. Những thiệt hại về sản phẩm hỏng do nguyên nhân khách quan thì chi phí về sản phẩm hỏng được loại trừ khỏi giá thành của sản phẩm hoàn thành;
Chọn phương pháp xác định khoản thiệt hại về sản phẩm hỏng. Để đơn giản và thuận tiện, Tổng công ty May 10 có thể sử dụng giá thành kế hoạch hay chi phí định mức (do phòng kỹ thuật lập sẵn) ở từng giai đoạn gia công cụ thể;
Tập hợp toàn bộ thiệt hại về sản phẩm hỏng và tiến hành hạch toán cuối kỳ như sau: Sản phẩm hỏng trong định mức sẽ không tổ chức hạch toán theo dõi riêng, chi phí về sản phẩm hỏng coi như nằm trong giá thành sản phẩm hoàn thành; sản phẩm hỏng ngoài định mức thì căn cứ vào các biên bản xác nhận và chứng từ kế toán liên quan, kế toán tiến hành hạch toán thiệt hại về sản phẩm hỏng theo theo các định khoản cụ thể.
Lựa chọn kỳ tính giá thành phù hợp, phục vụ kịp thời thông tin cho quản trị doanh nghiệp
Kỳ tính giá thành của Tổng Công ty May 10 trùng với thời gian sản xuất mã hàng cho đơn đặt hàng. Quá trình gia công sản phẩm may mặc trải qua nhiều công đoạn, diễn ra liên tục với nhiều loại chi phí phát sinh. Việc xác định giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ phục vụ tính giá thành, trong điều kiện như vậy, là rất phức tạp.
Việc lựa chọn kỳ tính giá thành theo khoảng thời gian gia công đơn đặt hàng sẽ tiết kiệm được công sức và thời gian đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ; làm cho chỉ tiêu giá thành của mã hàng có tính chính xác cao. Nhưng ngược lại, thông tin chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm lại không được cung cấp kịp thời trong suốt quá trình gia công mã hàng; đặc biệt là những mã hàng có số lượng lớn, cần nhiều thời gian hoàn thành toàn bộ sản lượng yêu cầu. Trong điều kiện xây dựng hệ thống kế toán quản trị kết hợp với hệ thống kế toán tài chính, do kế toán tài chính không đòi hỏi phải lập các báo cáo về giá thành sản phẩm định kỳ. Tổng công ty May 10 chỉ cần đánh giá sản phẩm dở dang cuối quý, cuối năm để xác định các chỉ tiêu về hàng tồn kho, giá vốn hàng bán phục vụ cho việc lập Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, vì thế Công ty cần lựa chọn kỳ tính giá thành là hàng tháng vừa đảm bảo cho các báo cáo về chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm phục vụ cho quản trị doanh nghiệp vẫn được lập thường xuyên đồng thời vừa gắn kết, hỗ trợ nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính. Hơn nữa, kỳ tính giá thành hàng tháng giúp cho số liệu ở kế toán quản trị và kế toán tài chính có được sự tương đồng và thống nhất, có cơ sở để so sánh và điều chỉnh phương pháp tập hợp, phân bổ chi phí sản xuất, phương pháp xác định giá thành sản phẩm để đảm bảo sự chính xác, trung thực và phù hợp với tiêu chuẩn chung của các doanh nghiệp cùng ngành.