hệ thống ngân hàng và các TCTD trên địa bàn Tây Nguyên
Hiện tại, Hệ thống các TCTD ở Việt Nam hiện nay gồm có 05 NHTM nhà nước và Ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa nhưng vốn nhà nước vẫn chi phối; 37 Ngân hàng thương mại cổ phần; 4 Ngân hàng liên doanh; 54 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 18 Công ty Tài chính; 12 công ty cho thuê tài chính; 01 tổ chức tài chính quy mô nhỏ; QTDND Trung ương, khoảng gần 1.100 QTDND cơ sở và 50 văn phòng đại diện của các TCTD nước ngoài tại Việt Nam (Ngoài ra còn một hệ thống ngân hàng chính sách bao gồm ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam với các chi nhánh tại các tỉnh và các phòng giao dịch tại các huyện [20].
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, ngoài các QTDND cơ sở thì không có NHTM và TCTD có trụ sở chính, chỉ có chi nhánh của các Ngân hàng chính sách, NHTM với hệ thống các chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc, ngoài ra còn một số phòng giao dịch của các NHTM có trụ sở chi nhánh tại các tỉnh khác nhưng có phòng giao dịch tại một số tỉnh Tây Nguyên, cụ thể như sau:
- Số chi nhánh NHTM nhà nước: 47
- Số chi nhánh NHTM cổ phần nhà nước: 10
- Số chi nhánh NHTM cổ phần ngoài nhà nước: 17
- Số chi nhánh NHCSXH: 05
- Số chi nhánh ngân hàng Phát Triển: 04
- Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở: 45
- Số chi nhánh Quỹ tín dụng trung ương: 02
Trong đó có mặt họat động của các chi nhánh của cả 5 NHTM nhà nước và cổ phần do nhà nước chi phối là các ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đầu tư
và Phát triển, Công Thương, Ngoại Thương và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của hầu hết các NHTM cổ phần ngoài nhà nước lớn như NHTMCP Á Châu, NHTMCP Xuất nhập khẩu, NHTMCP Đông Á, NHTMCP Quốc tế, NHTMCP Quân đội, NHTMCP Sài Gòn Thương tín, NHTMCP Sài gòn, NHTMCP Sài gòn công thương, NHTMCP Sài Gòn Hà Nội,… Ngoài ra còn có sự hiện diện của một hệ thống TCTD thuộc thành phần kinh tế hợp tác bao gồm 45 QTDND cở sở và 02 chi nhánh QTD trung ương, trong đó có tới khoảng 6 QTDND cơ sở có quy mô hoạt động thuộc loại lớn nhất n ước (quy mô huy động và sử dụng vốn trên 250 tỷ đồng) [20].
Cùng với sự phát triển nhanh chóng và cạnh tranh khá gay gắt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ngân hàng, việc phát triển mạng lưới giao dịch đã được chú trọng đẩy mạnh. Trong vài năm gần đây, các NHTM (bao gồm cả các NHTM cổ phần) đã mở thêm hàng loạt chi nhánh và nhiều phòng, điểm giao dịch, hàng trăm ATM và POS trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Do trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa (là các cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã được đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. -Nghị định số 90/12001 NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa này cùng với đối tượng khách hàng cá nhân chính là mục tiêu mà các Ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần hướng tới.
Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới các chi nhánh, điểm giao dịch của các NHTM (đặc biệt là các NHTM cổ phần) được mở chủ yếu tập trung ở các thành phố, thị xã, thị trấn và các khu cụm công nghiệp, nơi tập trung dân cư, … khách hàng tại những vùng khác khó có nhiều điều kiện để tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Đa số các chi nhánh TCTD, các điểm, phòng giao dịch và các ATM nói trên đều có trụ sở hoạt động hoặc được lắp đặt tại các vùng đô thị hoặc những nơi tập trung dân cư. Do đặc điểm địa lý, dân cư và nhiều yếu tố khác nên nhiều địa bàn nông thôn hiện nay (chủ yếu là địa bàn xã, thôn ở những vùng xa trung tâm, xa các khu đô thị hoặc ở những vùng mà đường sá, kết cấu hạ tầng và các giao dịch kinh tế kém phát triển) chưa có phòng giao dịch, điểm giao dịch, thậm chí chỉ có hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp . Các
thống kê cho thấy vẫn còn có tới 5% số huyện và 15% số xã chưa có điểm hoặc phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại (chỉ có điểm giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội đặt tại 100% các xã – tại UBND xã). Chính vì thế có thể nhận định hoạt động tiền tệ, ngân hàng tại các tỉnh Tây Nguyên một mặt chưa được phủ rộng khắp, người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu cơ hội tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các dịch vụ ngân hàng hiện đại khác.
Tuy nhiên nếu như xét về khía cạnh tích cực thì cả vùng Tây Nguyên nói chung chính là mảnh đất màu mỡ mà các ngân hàng đều đã và đang dự kiến chiến lược khai phá và chiếm lĩnh. Chỉ tính riêng từ những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay, số lượng các chi nhánh, phòng giao dịch của các NHTM được khai trương hoạt động trên địa bàn vùng Tây Nguyên đã tăng gấp hơn hai lần. Có thể nói Tây Nguyên chính là một thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng do thu nhập kinh tế qua các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ngày càng tăng lên vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt trong một vài năm trở lại đây do sản lượng và giá cả một số loại nông sản và cây hàng hóa có giá trị cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, chè tăng nhanh chóng, nhu cầu của thế giới cũng tăng, tình hình giao thương cũng như các cơ hội đầu tư tăng lên đáng kể . Mặt khác dù còn nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng hầu hết các NHTM hiện nay đều quan tâm đến mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ đối với cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là các đối tượng khách hàng chủ yếu trên địa bàn vùng Tây Nguyên nên nhiều ngân hàng, phổ biến là chi nhánh của các ngân hàng trong nước thuộc các thành phần kinh tế (trừ các ngân hàng liên doanh và các ngân hàng có yếu tố nước ngoài) đã nhanh chóng có mặt, tham gia họat động với một hệ thống dịch vụ nhiều tiện ích và ngày càng phát triển, thị trường dịch vụ ngân hàng đang hứa hẹn sẽ rất sôi động.