Hệ thống khung pháp luật do nhà nước thiết lập nhằm quy định các nguyên tắc hoạt động cơ bản của thị trường dịch vụ tài chính nói chung và thị trường dịch vụ ngân hàng nói riêng. Đây là căn cứ pháp lý cơ bản để các đối tượng tham gia vào thị trường dịch vụ ngân hàng tiến hành cung ứng, trao đổi, mua bán các loại dịch vụ. Chính phủ và các cơ quan trực thuộc tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động, xử lý tranh chấp xảy ra giữa các bên phát sinh trong quá trình hoạt động. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt đ ộng tiền tệ và ngân hàng của Việt Nam cao nhất là Hiến pháp và Bộ luật dân sự, tiếp sau đó là Luật Ngân hàng nhà nước , Luật các Tổ chức tín dụng; các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; Các chỉ thị, quy ết định của Thủ tướng Chính phủ và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Yêu cầu cơ bản đối với hệ thống khung pháp luật là phải có sự thống nhất, ổn định, rõ ràng và minh bạch, có sự kết hợp và vận dụng các tiêu chuẩn chung đã được thừa nhận trên phạm vi quốc tế.
Tính thống nhất: Các văn bản quy phạm pháp luật từ mức độ cao nhất là Bộ luật và Luật tới các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành… phải phù hợp nhau, cùng theo một chuẩn mực nhất định, đồng thời phải có thống nhất giữa các văn bản pháp luật khác nhau nhưng cùng điều chỉnh một đối tượng nhất định và phải thống nhất trong cùng một hệ thống pháp luật của quốc gia.
Tính ổn định: Hệ thống văn bản pháp luật phải có tính ổn định tương đối, tức là trong công tác xây dựng pháp luật phải tính toán được sự phát triển của nền kinh tế ở mức độ nhất định nhằm đảm bảo giữ cho hệ thống pháp luật không phải thay đổi trong một thời gian dài, đảm bảo quyền lợi và lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường.
Tính minh bạch: Hệ thống pháp luật phải rõ ràng, dễ hiểu, tránh hiện tượng vận dụng tuỳ tiện, vận dụng sai của cơ quan quản lý Nhà nước, hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn tránh, vi phạm pháp luật của các chủ thể chấp hành luật.
Vận dụng các tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận: Trong điều kiện quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ và sự tham gia của mỗi quốc gia vào quá trình này là một yếu tố khách quan, do đó việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động vận dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận để tham gia vào quá trình này là hoàn toàn đúng đắn.