Đội ngũ GV và HĐGD, nghiên cứu khoa học của GV luôn luôn được Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc coi là những nhân tố có vai trò hết sức quan trọng quyết định chất lượng đào tạo và thương hiệu của Nhà trường.
Đánh giá GV nói chung và đánh giá chất lượng HĐGD của GV nói riêng luôn được Nhà trường quan tâm đúng mức. Trước đây, khi chưa có hình thức đánh giá GV thông qua SV, việc đánh giá HĐGD của GV đã được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như dự giờ của đồng nghiệp trên lớp; kiểm tra hồ sơ giáo án, sổ ghi đầu bài; tổ chức thao giảng cấp khoa, cấp trường; tự kiểm điểm của GV,... Những hoạt động đánh giá này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc nâng cao chất lượng HĐGD của GV thông qua việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các GV với nhau, giữa các GV và các nhà quản lý,... Tuy nhiên, việc đánh giá
HĐGD của GV như trên không thu hút được lực lượng SV tham gia vào quá trình đánh giá. SV là đối tượng được hưởng thụ trực tiếp, là trung tâm và là sản phẩm của quá trình đào tạo. Chính vì vậy, đánh giá chất lượng HĐGD của GV theo quan điểm của SV chắc chắn là một thước đo quan trọng.
Tự đánh giá của GV, đánh giá của đồng nghiệp và đánh giá của SV về chất lượng HĐGD là những việc làm không có gì mới mẻ trong GDĐH ở Hoa Kỳ, ở châu Âu, và các nước có nền giáo dục tiên tiến ở châu Á như Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Ở Việt Nam, đánh giá HĐGD của GV thông qua ý kiến phản hồi của SV đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo cụ thể hoá bằng văn bản và thực hiện trong các trường đại học, cao đẳng từ năm 2008. Tuy nhiên, một số trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tự thực hiện việc đánh giá HĐGD của GV thông qua ý kiến phản hồi của SV từ những năm học 2004 – 2005. Kết quả đạt được và những kinh nghiệm trong đánh giá HĐGD của GV từ các trường này là cơ sở để các trường đại học và cao đẳng trong cả nước thực hiện có hiệu quả công tác đánh giá chất lượng HĐGD của GV.
Thực hiện Công văn số: 1276/BGDĐT-NG ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ SV về HĐGD của GV” [5], một số trường đại học và đại học đã triển khai khá tốt việc lấy ý kiến phản hồi của SV về HĐGD của GV. Căn cứ vào bộ tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng trường đại học và cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và tính đến thực tế hoạt động đào tạo và công tác giảng dạy của mỗi cơ sở đào tạo mà mỗi trường đại học và cao đẳng tự thiết kế, xây dựng cho đơn vị mình một bộ phiếu hỏi riêng sao cho phù hợp nhất để đánh giá HĐGD của GV thông qua SV.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đã tổ chức triển khai công tác đánh giá HĐGD của GV từ ý kiến phản hồi của SV bắt đầu từ năm học 2009 - 2010. Phiếu lấy ý kiến phản hồi của người học về HĐGD của GV đã được thiết kế, xây dựng và triển khai khảo sát đến một số lớp SV. Nội dung của Phiếu lấy ý kiến phản hồi của người học về HĐGD của GV bao hàm 4 nội dung cơ bản liên quan đến HĐGD của
GV như: Việc thực hiện quy chế giảng dạy và tác phong sư phạm; nội dung giảng dạy; phương pháp giảng dạy và tổ chức giảng dạy; và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của SV.
Mục đích của việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về HĐGD của GV là nhằm nắm bắt thông tin từ phía người học giúp GV thể tự điều chỉnh HĐGD của mình cho phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng nhu cầu người học; đồng thời Nhà trường cũng có được những thông tin về người học và đội ngũ cán bộ giảng dạy để đưa ra những quyết sách hợp lý để phục vụ người học tốt hơn và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng dạy. Mặt khác, việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về chất lượng HĐGD của GV cũng góp phần làm tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học đối với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân SV; từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung của Nhà trường.
Mặc dù vậy, công tác đánh giá chất lượng HĐGD của GV từ ý kiến phản hồi của SV cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả do công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Việc lấy ý kiến phản hồi của SV về chất lượng HĐGD của GV chỉ được thực hiện ở một số môn học khi GV của môn học đó có đăng ký các danh hiệu của năm học như GV dạy giỏi, Chiến sỹ thi đua. Kết quả lấy ý kiến phản hồi của SV về HĐGD của GV cũng chỉ mang tính chất tham khảo và chưa được coi là tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá, phân loại GV hàng năm. Cho đến nay, việc lấy ý kiến phản hồi của SV về chất lượng HĐGD của GV khi các môn học kết thúc không phải là điều bắt buộc. Chính vì vậy, cả GV và SV vẫn chưa thực sự quan tâm nhiều đến hình thức đánh giá chất lượng HĐGD của GV từ sự phản hồi của SV.
Tự đánh giá của GV và đánh giá đồng nghiệp trong đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc thông thường chỉ được thực hiện vào mỗi cuối năm học. Tự đánh giá ở đây thực chất là tự kiểm điểm cá nhân để xem trong một năm GV đã thực hiện khối lượng công việc như thế nào, chấp hành đường lối, chủ trưởng, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội quy của Nhà trường, Khoa ra sao. GV tự nhận thức những ưu điểm, khuyết điểm của mình trong công tác
giảng dạy, nghiên cứu khoa học,… GV tự đọc bản kiểm điểm trước tập thể để các thành viên khác góp ý, nhận xét và đánh giá. Hoạt động tự đánh giá của GV và đánh giá đồng nghiệp ở đây được sử dụng để bình xét các danh hiệu thi đua cuối năm cho GV chứ không phải là hoạt động để cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy của GV. Chính vì vậy, để hoạt động tự đánh giá của GV và đánh giá đồng nghiệp về chất lượng HĐGD của GV thực sự hiệu quả và ý nghĩa cần có cách tiếp cận phù hợp và cần phải xây dựng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và công cụ đánh giá rõ ràng và mang tính khoa học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà tác giả của đề tài đã nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng HĐGD của GV chính là các phiếu đánh giá chất lượng HĐGD của GV thông qua SV và GV tự đánh giá. Điều này có ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn đối với một trường mà công tác đánh giá chất lượng giáo dục nói chung và đánh giá chất lượng HĐGD của GV nói riêng còn hết sức mới mẻ như Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc.