ĐẶC ĐIỂM, Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
3.1.3. Công tác hậu phương ở Hà Tĩnh thể hiện tính nhân dân sâu sắc
Nhắc đến hậu phương là nghĩ ngay đến vai trò của quần chúng nhân dân với tư cách vừa là chủ thể trong việc xây dựng hậu phương, vừa là đối tượng phục vụ kháng chiến, đó chính là thế trận lòng dân. Chính quần chúng nhân dân đã làm nên sức mạnh của hậu phương và vì thế họ làm ra lịch sử.
Trong giai đoạn từ 1964 – 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh cùng với việc chiến đấu anh dũng, đánh hàng ngàn trận, bắn rơi hàng trăm máy bay, bắn cháy hàng chục lần tàu chiến Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ hậu phương một cách an toàn, nhân dân Hà Tĩnh còn tổ chức tốt mọi mặt sản xuất và đời sống, góp phần chi viện cho tiền tuyến miền Nam và Lào.
Tuy công nghiệp địa phương của tỉnh còn đang ở trình độ kỹ thuật thấp và lạc hậu nhưng sản phẩm của hàng chục xí nghiếp quốc doanh và nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của nhân dân trong chiến tranh.
Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là mặt trận sản xuất nông lương thực luôn nóng bỏng và đầy thử thách cam go. Dù có nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh, các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh vẫn hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, bất chấp mọi hi sinh gian khổ, xã viên các hợp tác xã trong toàn tỉnh đều dấy lên các phong trào thi đua “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi). Phong trào thi đua “Hai giỏi” đã được phát động trong toàn tỉnh và các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên,... là những huyện có phong trào phát triển mạnh và có hiệu quả nhất, các hợp tác xã như Đại Thanh (Đức Thanh – Đức Thọ), Thanh Hòa, Mật Thiết (Kim Lộc – Can
Lộc),... mặc dù trong điều kiện hạn hán và bom đạn vẫn đạt 05 tấn thóc/ha. Khẩu hiệu “Tay cày tay súng, tay búa tay súng” cùng với những quyết tâm “Chắc tay súng, vững
tay cày”, “Hà Tĩnh tự túc được lương thực là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,... đã
được nhân dân trong toàn tỉnh hưởng ứng. Với tinh thần đó, nhân dân Hà Tĩnh đã tranh chấp với máy bay đánh phá của địch, tranh thủ mọi thời gian, mọi khoảnh khắc không có bom đạn để sản xuất với những mục tiêu đã đề ra. Tiếp tục truyền thống đấu tranh của cha ông, cả Hà Tĩnh trở thành một mặt trận thống nhất.
Song biểu hiện sinh động nhất về hình thái chiến tranh nhân dân của hậu phương Hà Tĩnh là việc tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc. Ở các địa phương, được Đảng bộ và chính quyền hướng dẫn, nhân dân đã hăng hái tham gia bàn bạc và thực hiện mọi công tác kháng chiến. Phong trào “Cả xã bàn việc nước” sôi nổi và rộng khắp trong toàn tỉnh. Mọi tầng lớp nhân dân đều suy nghĩ, góp phần suy nghĩ, góp phần trí tuệ của mình vào sự nghiệp chung. Lực lượng dân quân tự vệ Hà Tĩnh ngoài lứa tuổi từ 18 đến 45 mà còn thu hút những người trên và dưới lứa tuổi đó, có những đội lão dân quân tự vệ còn bắn rơi máy bay địch như đội lão dân quân tự vệ xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh). Trong những năm tháng này, hình thái chiến tranh nhân dân diễn biến sinh động làm cho đế quốc Mỹ không lường trước được để đối phó. Trong giao thông vận tải nếu địch đánh sập cầu này nhân dân làm cầu khác như Cầu Nghen ở Can Lộc, địch phá đường chính thì ta làm đường xế, đường tránh, có những nơi như làng Hạ Lôi (Tiến Lộc – Can Lộc) trong 01 đêm hơn 100 gia đình đã tự nguyện sơ tán để nhường làng cho một con đường mới đi qua.
Tuy nhiên, hoạt động chiến tranh nhân dân lại có nhiều tầng, lớp xen kẽ nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Bất cứ một lực lượng nào của đế quốc Mỹ xâm nhập đánh phá Hà Tĩnh đều phải đương đầu với nhiều lực lượng đánh trả, bao gồm cả các phương tiện hiện đại, tầm cao, tầm xa, lẫn phương tiện đơn giản, tầm thấp, tầm gần. Mỹ không chỉ phải đối mặt với các lực lượng chính quy hùng mạnh như các đơn vị phòng không không quân có trang bị khí tài hiện đại mà còn phải đương đầu với cả một mạng lưới của nhân dân, trong đó có sự góp công của đầy đủ các tầng lớp từ các lão dân quân, nữ dân quân, các cháu thiếu niên đến các lực lượng thanh niên trai tráng. Một hình ảnh phong trào toàn dân đánh giặc là minh chứng sinh động nhất
Thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc và chính mặt trận toàn dân này đã hạn chế tối đa sức mạnh vật chất của Mỹ. Biết rõ đế quốc Mỹ không thể cùng một lúc đánh phá tất cả các địa bàn, Hà Tĩnh đã chủ trương hình thành nên những con đường dọc ngang, len lõi trong bom đạn, chịu bao nhiêu hi sinh vất vả để đưa lực lượng chi viện của miền Bắc ra tiền tuyến an toàn. Trong thời gian chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhấtHà Tĩnh có thêm 259 km trục đường, 121 km đường tránh, 121 km đường xế, 4.274 km đường nông thôn, làm thêm 26 bến phà [61, tr.11-12].
Ngược lại, đế quốc Mỹ đánh bất cứ nơi nào, bằng những loại phương tiện chiến tranh nào cũng đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng chiến tranh nhân dân. Thế trận chiến tranh nhân dân còn được biểu hiện rõ nét trong công tác phòng tránh, đảm bảo an toàn sản xuất. Mọi người, dù ở nông thôn hay cơ quan, xí nghiệp, tùy theo khả năng và điều kiện được phân công vào từng tổ chức như tiếp tế, tải thương, chống cháy, cấp cứu,... mỗi khi có máy bay địch đánh phá, toàn bộ guồng máy phòng chống và giải quyết hậu quả đều hoạt động khẩn trương.
Những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ là thực tiễn sinh động của cuộc chiến tranh nhân dân trên địa bàn Hà Tĩnh, là biểu hiện sức mạnh của hơn 80 vạn nhân dân Hà Tĩnh gắn bó chặt chẽ với Đảng, biết đánh, biết thắng địch trong những điều kiện hết sức gay go, gian khổ.
3.2. Ý nghĩa