HẬU PHƯƠNG HÀ TĨNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1964 1968)
2.1. Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở Hà Tĩnh
Trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã hiểu ra rằng nguyên nhân của sự thất bại, chính là sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam, ngoài sức mạnh tại chỗ của quân và dân miền Nam là sự chi viện “khổng lồ”, “không ngừng” của hậu phương miền Bắc đối với miền Nam. Nắm bắt được miền Bắc là căn cứ địa chính của cách mạng Việt Nam, là nơi mà cách mạng nước ta có thể làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia. Thế nên, trong khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã không ngừng tiến hành các hoạt động phá hoại miền Bắc. Để có được những cơ sở ban đầu trước khi tiến hành ném bom đánh phá Hà Tĩnh, đầu tháng 12/1962, một toán biệt kích do tên Trần Hồng chỉ huy đã dùng thuyền cao su xâm nhập vùng biển bắc Đèo Ngang. Ba tuần sau lại một nhóm biệt kích khác do Lê Khoái cầm đầu đã đổ bộ vào Khe Lũy thuộc địa phận xã Kỳ Phương (Kỳ Anh). Từ đó, biệt kích của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đổ bộ vào Hà Tĩnh ngày càng nhiều. Chỉ riêng 06 tháng cuối năm 1963, đã có 03 toán biệt kích từ máy bay nhảy dù xuống đất Hà Tĩnh. Cho đến tháng 06/1964, Mỹ đã 09 lần tung biệt kích từ đường biển, đường không và từ biên giới Việt – Lào vào đất Hà Tĩnh.
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc được tiến hành theo từng giai đoạn, từng cấp độ và được các cố vấn quân sự Mỹ tính toán và lên kế hoạch chi tiết. Từ năm 1954 đến năm 1961, các nhà chiến lược Mỹ như Lansdale (Cục tình báo TW Mỹ - CIA), Staley – Taylor đã vạch ra các kế hoạch tiến hành chiến tranh gián điệp phá hoại miền Bắc. Năm 1961, Rostow đã cho rằng: “Một cuộc cách mạng có thể bị
tiêu diệt bằng cách cắt đứt những nguồn ủng hộ và cung cấp từ bên ngoài” [45,
tr.403], miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được coi là “gốc rễ của mọi vấn đề”
của chiến tranh Việt Nam và Rostow khẳng định “Cuộc mém bom vào những cơ sở kĩ nghệ miền Bắc đã cố gắng tái thiết từ những tàn tích của cuộc chiến tranh Đông
Dương có thể đủ để đe dọa những nhà lãnh đạo miền Bắc, ngõ hầu đình chỉ những hoạt động ở miền Nam” [45, tr.403].
Năm 1964, trước thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, để cứu vãn sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã vạch ra kế hoạch tấn công Bắc Việt Nam dưới hình thức một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân. Từ tháng 02/1964 đến tháng 08/1964, Mỹ đã tiến hành một cuộc “chiến tranh không công khai” chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Ngày 12/06/1964, biệt kích ngụy phá Cầu Hang (Thanh Hóa);
ngày 30/06/1964, chúng phá nhà máy nước Đồng Hới; ngày 30/07/1964, tàu chiến Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc, bắn phá đảo Hòn Ngư (Nghệ An) và Hòn Mê (Thanh Hóa); ngày 31/07/1964, tàu khu trục Maddox xâm phạm khu vực nam đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) do thám và uy hiếp dọc bờ biển của ta; ngày 31/07/1964 và 01/08/1964 máy bay AD-6 và T-28 của Mỹ từ Lào đến bắn phá đồn biên phòng Năm Căn và Nọong Dẻ (Nghệ Tĩnh),...” [45, tr.403].
Trước tình hình đó, chủ trương của Đảng là phải đánh trả và trừng trị đích đáng việc tàu Mỹ xâm phạm vùng biển của Tổ quốc. Trưa ngày 02/08/1964, ba tàu phóng ngư lôi của ta xuất kích tiến công chặn tàu Maddox đang tiến sâu vào phía sau hải phận của ta ở Hòn Mê và Lạch Trường (Thanh Hóa). Địch dùng đại bác bắn trả và cho máy bay đến yểm trợ cho tàu rút chạy. Chính quyền Johnson lấy cớ này dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vào đêm 04/08/1964, cho rằng tàu chiến Mỹ bị hải quân Việt Nam tấn công ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ thuộc hải phận quốc tế, ngày 05/08/1964, Nhà Trắng ra lệnh cho không quân Mỹ ném bom bắn phá một số nơi trên miền Bắc: Lạch Trường, Thị xã Hòn Gai, Vinh - Bến Thủy, một số nơi thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cửa sông Gianh,...
Nhưng qua hơn 04 tháng ném bom “bí mật” miền Bắc từ 05/08/1964, Mỹ đã không đe dọa được quân và dân ta, không ngăn chặn được nguồn chi viện rất lớn của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Ngay trong trận mở màn ngày 05/08/1964, quân và dân miền Bắc đã giáng cho đế quốc Mỹ những đòn đích đáng: 08 máy bay bị bắn rơi, một số giặc lái bị tiêu diệt. Trong lúc đó ở miền Nam, những cuộc tiến công của Quân giải phóng vào các căn cứ của Mỹ và quân đội của chính
quyền Sài Gòn có quy mô ngày càng lớn, chính quyền Sài Gòn ngày càng suy yếu. Tháng 12/1964, Tổng thống Johnson thông qua kế hoạch Mc. Namara – Bundy – Nowton, dự định giữa năm 1965 sẽ thực hiện ý đồ “đem chiến tranh ra miền Bắc”.
Ngày 07/02/1965, lấy cớ “trả đũa” vụ Quân giải phóng tiến công doanh trại Mỹ ở Pleiku (đêm 06/02/1965), Johnson đã ra lệnh cho không quân Mỹ mở chiến dịch “Mũi lao lửa I” đánh vào thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc. Tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Nhà trắng nhằm mục đích chính là: Ngăn chặn nguồn chi viện, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, uy hiếp tinh thần, làm lung lay ý chí của nhân dân ta.
Do vị trí địa bàn có tính chiến lược quan trọng, ngay từ đầu đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã dùng những thủ đoạn đánh phá Hà Tĩnh, hòng làm suy yếu lực lượng của ta, điều này đã được Nghị quyết 16/NQ/TU nêu rõ “Hà Tĩnh là một
tỉnh ở gần giới tuyến, có một vị trí quân sự, chính trị xung yếu. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, đế quốc Mỹ và tay sai sẽ tăng cường hoạt động thả biệt kích với quy mô lớn hơn, bắn phá và tập kích vùng bể rồi rút, phong tỏa ngoài khơi, chặn bắt thuyền đánh cá, cho phi cơ oanh tạc các căn cứ quân sự, cơ sở kinh tế” [39, tr.4)].
Trên địa bàn Hà Tĩnh, những tháng cuối năm 1964, máy bay của không quân, tàu chiến của hải quân Mỹ liên tục hoạt động do thám trên vùng trời và vùng biển (máy bay xâm phạm không phận Hà Tĩnh trong năm 1964 là 419 lần, tàu chiến xâm phạm hải phận Hà Tĩnh trong năm 1964 là 105 lần). Trong 03 tháng đầu năm 1965, 20 lần máy bay, 105 lần tàu chiến Mỹ xâm phạm không phận và hải phận Hà Tĩnh.
Do đặc điểm của địa bàn Hà Tĩnh, mục tiêu đánh phá của không quân và hải quân Mỹ trong giai đoạn từ cuối năm 1964 đến tháng 04/1965 tập trung chủ yếu các mục tiêu quân sự như: Ra đa, đài quan sát, doanh trại bộ đội với ý đồ gây tổn thất nặng nề cho lực lượng quân sự, phá hủy phương tiện trinh sát trên không, trên biển để bịt tai, che mắt ta.
Như Mc. Namara Bộ trưởng Quốc phòng thời chính quyền Jonhson (1965 - 1968), giải thích thì đánh vào miền Bắc Việt Nam trở thành: “Một biện pháp bổ
sung và không còn là biện pháp thay thế cho sự cố gắng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam nữa” [17, tr.119].
Cũng chính vì lẽ đó mà ngay từ đầu, đế quốc Mỹ đã chọn Hà Tĩnh là tâm điểm của mọi âm mưu thủ đoạn tàn bạo của Mỹ. Hà Tĩnh là một trong những địa bàn phải hứng chịu cuộc ném bom ác liệt của đế quốc Mỹ nhằm đạt mục đích cắt đứt con đường viện trợ của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
Với những kế hoạch đưa ra, đế quốc Mỹ tưởng rằng dùng bom đạn đánh phá, gieo chết chóc đau thương, dùng những thủ đoạn lừa bịp thì có thể uy hiếp và lung lay được tinh thần chiến đấu của nhân dân Hà Tĩnh. Chúng tưởng rằng ra sức phá hoại sản xuất, đời sống là ngăn cản nhân dân miền Bắc nói chung, nhân dân Hà Tĩnh nói riêng làm nghĩa vụ của mình đối với đồng bào miền Nam và anh em hai nước Lào, Campuchia. Nhưng bom đạn của Mỹ đã không uy hiệp nổi tinh thần của quân và dân Hà Tĩnh. Trái lại, với tinh thần đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc, của quê hương, với sức mạnh và tinh thần ưu việt của chế độ mới, càng làm cho quân và dân Hà Tĩnh tăng thêm lòng căm thù và quyết tâm đấu tranh chống lại những hành động phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương, hoàn thành nhiệm vụ lớn lao đối với tiền tuyến miền Nam, cách mạng Lào và Campuchia.