HẬU PHƯƠNG HÀ TĨNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1964 1968)
2.2.2.2. Về quốc phòng – an ninh
Nhằm tăng cường lực lượng phòng thủ bảo vệ địa bàn, đánh thắng chiến tranh phá hoại, bảo vệ giao thông vận tải, bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ Hà Tĩnh ra sức tranh thủ sự chi viện của Quân khu và của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, tìm cách nâng cao số lượng và chất lượng của bộ đội địa phương, công an vũ trang, công an nhân dân và dân quân tự vệ. Toàn dân Hà Tĩnh được thu hút vào nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Để xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã triệt để thực hiện hướng tăng cường quốc phòng ở Hà Tĩnh theo Nghị quyết 11 của Trung ương Đảng và thực hiện tốt ba nhiệm vụ lớn về quốc phòng trong tỉnh: “Đánh bại được chiến tranh phá hoại của địch; chống đánh có hiệu quả khi địch
gây chiến tranh cục bộ; góp phần xây dựng quân đội, chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam, cách mạng Lào” [42, tr.1]. Để thực hiện được ba nhiệm vụ nói
trên cần tiến hành theo các phương châm: “Vừa chiến đấu, vừa xây dựng; vừa bảo
vệ địa phương vừa phục vụ tiền tuyến; vừa trước mắt, vừa lâu dài; vừa chính quy, vừa du kích,...” [42, tr.1].
Để chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, việc xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh có ý nghĩa quyết định. Vì thế hướng xây dựng lực lượng vũ trang
trong tỉnh là: “Ra sức xây dựng bộ đội chủ lực về các mặt, đặc biệt trước mắt là
mặt quân số - tổ chức” [42, tr.6].
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ khắp các cơ sở. Đầu năm 1965, toàn tỉnh đã có 71.181 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, chiếm 10,4% dân số toàn tỉnh bao gồm từ già đến trẻ kể cả các cụ phụ lão, các em thiếu nhi cũng đã tham gia công tác phục vụ chiến đấu như chuẩn bị công sự, trồng cây ngụy trang, tham gia vận chuyển hàng hóa, lương thực thậm chí các cụ phụ lão cùng tham gia đánh địch. Bên cạnh những tổ trực chiến của nam nữ dân quân là thanh niên, đã xuất hiện nhiều tổ trực chiến của phụ lão.Hàng ngàn khẩu súng trường, trung liên được cấp phát để trang bị cho dân quân tự vệ, ở những địa bàn xung yếu còn được trang bị súng máy cao xạ 12,7 ly. Lực lượng dân quân tự vệ: “Phải được huấn luyện thành thạo, sử dụng từ những vũ khí thô sơ đến cả
những trợ chiến bộ binh kể cả một số loại pháo mặt đất và cao pháo ở những nơi cần thiết [42, tr.7]. Dân quân tự vệ ở nhiều địa phương và đơn vị đã phát huy tốt tác
dụng trong đánh máy bay, tàu thủy, trong đảm bảo giao thông vận tải, làm nòng cốt trong sản xuất, thủy lợi như dân quân tự vệ ở Hương Trạch, Hương Thủy, Sơn Bằng, Kỳ Phương, Kỳ Tân,...
Về bộ đội địa phương: “Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, số lượng sẽ
nhiều hơn, thành phần sẽ có các binh chủng như pháo binh, cao pháo, trình độ tác chiến sẽ cao hơn” [42, tr.7]. Trước yêu cầu mới Tỉnh ủy chủ trương xây dựng bộ
đội địa phương và bộ đội chủ lực với số lượng lớn và chất lượng cao hơn.
Lực lượng bộ đội phòng không của tỉnh từ 01 đại đội 12,7 ly (02/1965) đã phát triển thành 01 tiểu đoàn (Tiểu đoàn Bình Hà) với trang bị súng cao xạ 37 ly (04/1965). Tháng 07/1965, tỉnh đã thành lập Tiểu đoàn 48 bộ binh, tháng 08/1965 thành lập Tiểu đoàn 71 súng máy 12,7 ly và tiếp đó các đại đội như; công binh, thông tin, trinh sát, trung đội vận tải được thành lập. Từ tháng 09 đến tháng 12/1965, các đại đội bộ đội địa phương các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà, Can Lộc lần lượt được thành lập. Lực lượng pháo mặt đất từ một đại đội cuối năm 1965 đến đầu năm 1966 đã có thêm 04 đại đội pháo 75 – 85 ly và một tiểu đoàn pháo 105 ly do Quân khu tăng cường.
Tính đến tháng 10 năm 1967 tính theo đơn vị đại đội đã tăng gấp lần so với năm 1963, có đầy đủ các binh chủng như cao xạ, pháo binh, công binh, trinh sát.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy ngày 08/10/1965, Tỉnh ủy đã đưa ra chủ trương về công tác quân sự địa phương: “Phải kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, sản xuất và
chiến đấu, vừa chú trọng các yêu cầu trước mắt,...kiên quyết chuẩn bị và chủ động đánh thắng mọi âm mưu của địch, vừa đánh tốt vừa phòng tránh tốt, đảm bảo giao thông vận tải chi viện cao nhất cho chiến trường B - C” [3, tr.140].
Được rèn luyện qua thử thách, qua các cuộc chiến đấu ác liệt, các lực lượng vũ trang và công an nhân dân Hà Tĩnh đã được xây dựng ngày càng vững mạnh không những về số lượng mà cả phát triển về chất lượng. Hà Tĩnh cũng đã phát triển thêm nhiều tiểu đội dân quân gái, dân quân phụ lão, phát triển thêm nhiều binh chủng mới cả trong bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Cả bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đều được huấn luyện cả về chiến thuật, kỹ thuật đánh bộ binh phục vụ cho công tác chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Nhờ đó, ngay trong những tháng đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, lực lượng dân quân tự vệ kết hợp với bộ đội địa phương đã bắn rơi được các máy may phản lực, cánh quạt và trực thăng của Mỹ, bắt sống giặc lái như: xã Sơn Bằng (Hương Sơn), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Xuân Viên (Nghi Xuân). Riêng ở Hương Khê, ngày 20/09/1965, quân dân các xã Hương Vĩnh, Hương Xuân và tự vệ nông trường 20 – 04, đã bắn rơi trực thăng đến cứu giặc lái.