HẬU PHƯƠNG HÀ TĨNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1964 1968)
2.2.2.3. Về văn hóa, giáo dục, y tế
Từ tháng 03/1965 trở đi các hoạt động về giáo dục, y tế, văn hóa cũng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Tỉnh ủy đã chỉ đạo: “Phải phòng không sơ
tán,...nhiệm vụ chuyển hướng xây dựng kinh tế và các mặt hoạt động của quân dân trong tỉnh sang thời chiến. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện,...đi dần ổn định, tiếp tục sản xuất, công tác, học tập thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện mới có chiến tranh” [3, tr.130].
Mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng Tỉnh ủy Hà Tĩnh vẫn quan tâm chú ý đến công tác giáo dục – đào tạo đối với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trong 04 năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, giáo dục Hà Tĩnh không ngừng phát triển và đạt
được chất lượng tốt. Với khẩu hiệu: “lúa tốt đồng, đông lớp học”, “Đầu tư cho bổ
túc văn hóa là đầu tư cho sản xuất”, “Học cho bông lúa thêm dài, cho ngô thêm bắp, cho khoai củ nhiều” các tầng lớp nhân dân đều tham gia học tập với những kết
quả được ghi nhận.
Phong trào bổ túc văn hóa trong toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trên mọi địa bàn từ nông thôn đến thị xã, các cơ quan, xí nghiệp,... người tham gia theo học ngày càng đông: năm học 1964 – 1965 cả tỉnh có trên 33.000 người đi học, kể cả cấp I cấp, II, cấp III. Các năm sau số người đi học tăng lên, năm 1966 – 1967, có đến 66.893 người, tăng hơn năm 1965, 13.000 người và hơn năm 1964, trên 33.000 người. Đặc biệt, năm học 1967 – 1968, năm chiến tranh ác liệt nhất, số người đi học bổ túc văn hóa lên tới 72.160 người, chiếm hơn 10% dân số trong tỉnh.
Giáo dục mầm non trong năm học 1967 – 1968, toàn tỉnh có 48.900 cháu, nhiều hơn năm 1965 - 1966 là 9000 cháu.
Về giáo dục tiểu học, sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, số trường cấp I phát triển đến 267 trường, số học sinh lên đến 114.546 em trong năm học 1968 – 1969.
Giáo dục trung học cơ sở đã có 195 trường với 30.113 em năm 1965 và năm 1968 là 40.898 em.
Giáo dục trung học phổ thông trong năm 1968, Hà Tĩnh đã có 12 trường với số học sinh là 5.664 em, tăng 145% so với năm 1965.
Trong 04 năm chiến tranh phá hoại ngành sư phạm Hà Tĩnh đã có 09 trường sư phạm chính quy của tất cả các ngành học. Đào tạo thêm được 4.188 giáo viên các cấp [58, tr.294].
Sỡ dĩ giáo dục Hà Tĩnh đạt được thành tích nói trên là vì trong cuộc chiến tranh ác liệt, nhân dân vẫn cố gắng xây dựng trường lớp, đào hầm hào cho con em đi học. Trong 04 năm (1965 - 1968), nhân dân đã góp trên 08 triệu đồng tính cả nguyên liệu và tiền mặt cùng với 600.000 ngày công, xây dựng được 3.557 phòng học ở các nơi sơ tán và tu sửa 1.904 phòng học khác phục vụ con em. Đóng và sửa chữa gần 20.000 bộ bàn ghế học sinh cho con em theo học. Ngoài ra, nhân dân còn bỏ ra 01 triệu 20 vạn ngày công để đào hàng chục triệu mét đường hào và làm trên 01 triệu hầm trú ẩn phục vụ cho dạy và học [13, tr.241].
Phong trào học tập thư Bác, phong trào thi đua “hai tốt” (học tập tốt, lao động tốt) được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1961 lại được phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh. Có thể nói giáo dục Hà Tĩnh trong những năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất vẫn được đảm bảo và phục vụ tốt cho chiến đấu và sản xuất.
Về y tế, nhằm phục vụ tốt cho cuộc kháng chiến, tỉnh chủ trương củng cố và xây dựng thêm các bệnh viện, bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm cứu thương theo tinh thần kết hợp quân – dân y, đông – tây y vừa bảo đảm câp cứu kịp thời tại chổ, vừa xây dựng các cấp, các tuyến liên hoàn hỗ trợ nhau. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng xí nghiệp dược phẩm để sản xuất, điều chế các thứ thuốc cần thiết cung cấp cho các cơ sở y tế từ tỉnh đến thôn, xã.
Công tác vệ sinh phòng dịch được đẩy mạnh, cán bộ y tế được gấp rút đào tạo để phục vụ nhân dân. Các bệnh viên quân y đóng trên địa bàn tỉnh được tạo mọi điều kiện để cứu chữa, điều dưỡng thương binh và cùng phối hợp cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương.
Có 100% xã đạt tiêu chuẩn y tế tiên tiến (có đủ các công trình: nhà tiêu, nhà tắm, giếng nước), tỉ lệ sinh đẻ giảm 2,6 %, có 152 vườn trẻ.Tính chung trong toàn tỉnh đến năm 1968: có 256 trạm xá xã, 09 bệnh viện với 580 giường bệnh, 48 bác sĩ, y sĩ cao cấp và 252 y sĩ trung cấp, nhiều xã có từ 03 đến 04 y sĩ điều trị. Ngoài ra, còn có gần 2.000 y tá xã, trên 1.000 y tá đội sản xuất và gần 1.000 nữ hộ sinh cùng với 3.900 vệ sinh ở các cơ sở [13, tr.248].
Công tác tiêm phòng lao, bại liệt, chủng đậu đã làm tốt, các dịch bệnh như kiết lị, ỉa chảy, sốt rét trong cả năm được kiểm soát, trong những năm chiến tranh không có những trận dịch lớn.
Ngành y tế trong những năm chiến tranh đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tận dụng nhiều nguyên liệu của địa phương để chế nhiều loại thuốc cung cấp cho dân, dám nghĩ, dám chữa nhiều loại bệnh nguy hiểm như làm phẫu thuật thận, cắt xén vết thương ở ngực, ở não, bàng quang hoặc mổ phổi,...
Về văn hóa – văn nghệ, công tác thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ đã đi sâu vào phục vụ nhiệm vụ giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức và tạo không khí vui tươi, lạc quan, tin tưởng cho nhân dân. Mặc dù chiến tranh ngày càng ác liệt song một cuộc sống mới lành mạnh về chính trị và tinh thần vẫn được xây dựng và
phát triển ở Hà Tĩnh. Mọi tin tức chiến thắng ở miền Nam, miền Bắc đều được chuyển đến nhân dân. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được phổ biến kịp thời đến các cơ sở. Các đội chiếu bóng, đội văn công, đội văn nghệ của tỉnh, huyện, các cơ quan, đơn vị vẫn tìm cách phục vụ bộ đội, nhân dân và được nhân dân hưởng ứng động viên, cổ vũ, giúp đỡ nhiệt tình. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” thực sự là một phong trào của toàn dân, góp phần cổ vũ động viên mọi
người thêm dũng cảm, hăng hái, lạc quan, ra sức lao động sản xuất, chiến đấu, công tác, học tập và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để làm tốt nhiệm vụ chiến đấu ở hậu phương và chi viện cho tiền tuyến.
Phong trào sáng tác văn nghệ thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, chiến thắng trên chiến trường chính là nguồn cảm hứng cho mọi sáng tác. Tạp chí “Văn nghệ Hà Tĩnh” (về sau chuyển thành tạp chí Sông La) đều đặn ra hàng tháng giới
thiệu các sáng tác mới. Những tập thơ “Đất trung tuyến”, “Quê hương”, “Yêu Bác
lòng ta trong sáng hơn”, ca dao chống Mỹ, truyện ký, vè,... nhất là các tập sách về
“Người tốt việc tốt”, vỡ kịch “Đốm lửa núi hồng” của tác giả Thế Kỷ.
Đặc biệt, phong trào thể dục thể thao quần chúng và thể thao quốc phòng phát triển mạnh. Qua đây, rèn luyện sức khỏe cho hàng vạn thanh niên tham gia vào nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể khẳng định rằng: “Hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng
phát triển mạnh mẽ. Lời ca tiếng hát luôn luôn vang lên khắp xóm làng, ruộng đồng, trận địa, công trường, ngay sau khi tiếng súng diệt thù vừa dứt, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ rất nhạy bén cho tinh thần sản xuất và chiến đấu của quần chúng,...” [13, tr.240].