ĐẶC ĐIỂM, Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
3.1.1. Cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ hậu phương Hà Tĩnh diễn ra hết sức quyết liệt
sức quyết liệt
Để cứu vãn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã tập trung, huy động hết mọi khả năng, tiềm lực quân sự với các phương tiện kỹ thuật chiến tranh hiện đại, tối tân, tăng cường chiến tranh ở miền Nam và leo thang bằng việc chiến tranh phá hoại miền Bắc một cách ác liệt. Không nằm ngoài kế hoạch đó, Hà Tĩnh cùng với Quảng Bình và Vĩnh Linh là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương của chiến trường miền Nam và Lào nên Mỹ đã tập trung đánh phá một cách tàn khốc hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của miền Bắc đối với miền Nam.
Đế quốc Mỹ đã tập trung các loại máy bay hiện đại: máy bay ném bom chiến lược B.52, máy bay cường kích phản lực F.100D, F.100F, F.105D, F.105F, F.111A (cánh cụp cánh xòe),... cùng với đại bác trên Hạm đội 07 đánh phá liên tục, trút hàng vạn tấn bom đạn các loại, các cỡ như bom tạ, bom sát thương, bom nổ chậm, bom na-pan, bom từ trường, đạn rốc-két xuống dọc bờ biển, các mục tiêu giao thông vận chuyển và mục tiêu dân cư ở Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh,... Mỹ đã ném hàng vạn quả thủy lôi từ tính, thủy lôi định giờ, định lượt,... Mỹ còn tập trung các loại phương tiện trinh sát, do thám hiện đại như máy bay không người lái, máy bay chụp ảnh ban đêm, cây nhiệt đới,... Theo tài liệu của Ủy ban hành chính Hà Tĩnh thì “thời kỳ bắt đầu đánh phá ác liệt 26/03/1965, kết
thúc ngày 01/11/1968. Tổng số lần máy bay đánh phá 32.280 với 296.300 quả bom các loại. Số tàu chiến, pháo kích 4.900 lần với 149.000 quả đại bác từ 120m/m trở lên” [71, tr.1] (trước đó ngày 05/08/1964 chúng đã đánh vào một số nơi thuộc
huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh, ngày 26/03/1965 bắt đầu mang tính chất ác liệt)
Có thể nói Hà Tĩnh cùng với Quảng Bình và Vĩnh Linh là những vùng phải chịu sự tàn phá, hủy diệt tàn khốc nhất của đế quốc Mỹ. Trong chiến tranh phá hoại
lần thứ nhất, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 100% số xã bị đánh phá. Có những địa phương trong tỉnh bị đánh phá ác liệt nhất như xã Đồng Lộc với 80% đến100% nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng, hoa màu, trường học, trạm xá,... bị phá hủy; xã Đức Tân, Đức Trường (Đức Thọ) trong năm 1968 chúng đã đánh phá dồn dập gây thương vong hàng trăm người, hàng trăm ngôi nhà bị phá hoại. Riêng xã Đức Trường trên 1.000 ngôi nhà đã bị đánh phá. Xã Cẩm Nhượng bị máy bay đánh phá 505 lần, 140 lần bị pháo kích, 1.500ngôi nhà bị phá hủy, riêng tháng 05/1968 máy bay Mỹ đã đánh vào Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) suốt 28 ngày liền, chúng đã giết chết 211 người và làm bị thương 135 người dân trong xã. Xã Thạch Kim (Thạch Hà) bị đánh phá trên 300 lần, trên 80% nhà cửa bị đổ nát,chúng đã đánh hỏng và đánh chìm 134 thuyền đánh cá của ngư dân [71, tr.3].
Riêng trong 07 tháng ném bom hạn chế (từ tháng 04 đến tháng 10/1968), địch đã đánh vào Đồng Lộc (Can Lộc) hơn 2.057 trận bom, với trên 42.990 quả bom các loại (bình quân 1m2 đất ở khu vưc Ngã ba Đồng Lộc phải chịu từ 03 đến 05 quả bom các loại). Tổng số lần bom đạn Mỹ đánh vào Đồng Lộc thời gian này bằng tổng số lần đánh vào toàn tỉnh năm 1965, bình quân một tháng đánh 25 ngày, ngày đánh nhiều nhất (15/07/1968) là 103 lần với 800 quả bom.
Trong 04 năm chiến tranh phá hoại, bom đạn của đế quốc Mỹ đã giết chết 10.468 người và làm bị thương 11.371 người, đánh bằng không quân 32.289 lần (25% số lần đánh vào ban đêm). Riêng 07 tháng ném bom hạn chế (từ tháng 04 đến tháng 10/1968), địch đã đánh 20.030 lần bằng 71% tổng số của cả thời kì chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (55% lần đánh vào ban đêm), tổng số là 296.369 quả bom đạn các loại; đánh bằng hải quân, tổng số lần đánh 4.974 lần, tổng số là 149.200 đạn pháo các cỡ, chúng đã đốt cháy 29.650 ngôi nhà, 28.427 trâu bò bị chết, phá hàng trăm chiếc cầu, bến phà, chiếc thuyền và máy móc các loại.
Có thể khẳng định rằng đế quốc Mỹ không từ một thủ đoạn, âm mưu nào nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam qua địa bàn Hà Tĩnh, song mục tiêu cuối cùng mà Mỹ đề ra đã không thực hiện được, trái lại còn bị thất bại nặng nề.
hình thức. Khẩu hiệu đầy khí thế tiến công: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của anh hùng Nguyễn Viết Xuân, đã trở thành hành động phổ biến. Quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 221 máy bay, 13 chiếc tàu chiến, tàu biệt kích. Trong bom đạn ác liệt của kẻ thù, quân và dân Hà Tĩnh đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua gian khổ, hiểm nguy, thậm chí cả hi sinh mất mát để bảo vệ quê hương. Để thông đường, thông xe ra tiền tuyến dù biết trước được là sẽ hi sinh nhưng quân dân Hà Tĩnh vẫn hiên ngang thực hiện. Khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất tại Ngã ba Đồng Lộc, một tổ quan sát bom gồm 03 người do La Thị Tám làm tổ trưởng, trong suốt 24 giờ phải thay nhau theo dõi, đếm số bom rơi và quan sát vị trí, cắm tiêu để báo hiệu cho xe biết và phá gỡ. Làm việc dưới mưa bom, bão đạn, La Thị Tám đã chạy đua cùng thần chết, cùng tổ cắm tiêu hơn hơn 500 quả bom tại Ngã ba Đồng Lộc và 203 quả bom tại Thượng Già – Cổ Ngựa, chị đã 23 lần bị bom nổ vùi dập nhưng quyết cùng đồng đội không lùi bước. Ngã ba Đồng Lộc còn nổi danh với tổ phá bom Vương Đình Nhỏ, với sự táo bạo, sáng tạo, ý chí một mình anh đã tháo gỡ và phá gần 200 quả bom nổ chậm trong khi không qua một trường lớp đào tạo nào về kỹ thuật phá bom. Dưới mưa bom, bão đạn của Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh không run sợ, không lùi bước quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ, đồng thời xây dựng hậu phương vững chắc góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.