Về giao thông vận tả

Một phần của tài liệu hậu phương hà tĩnh trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước giai đoạn 1964 – 1968 (Trang 54 - 58)

HẬU PHƯƠNG HÀ TĨNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1964 1968)

2.2.2.4. Về giao thông vận tả

Là tỉnh có chiều dài hơn 100km, nằm trên đường hành lang vận tải chiến lược Bắc – Nam, không quân Mỹ đánh phá Hà Tĩnh, chủ yếu tập trung đánh phá vào giao thông vận tải bao gồm cả đường bộ, đường thủy, đường sắt. Sau khi đánh hỏng toàn bộ cầu cống lớn trên các tuyến đường chính ở Hà Tĩnh, địch dùng máy bay khống chế toàn tuyến, nhưng trọng điểm đánh phá là 03 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê và các đầu mối giao thông quan trọng như Địa Lợi, Linh Cảm,

Ngã ba Đồng Lộc, Nghèn,... gây cho ta nhiều khó khăn, cản trở phục vụ chiến đấu và phát triển kinh tế.

Trước tình hình đó, trong 02 ngày 17 và 18/05/1965 Hội nghị Ban chấp hành tỉnh ủy họp mở rộng bàn về công tác đảm bảo giao thông vận tải và ra Nghị quyết “Đảm bảo giao thông vận tải là nhiệm vụ trung tâm số một của Đảng bộ, quân và

dân toàn tỉnh, dù có hi sinh, đổ máu cũng phải đảm bảo được giao thông vận tải, tìm mọi biện pháp thông đường, thông xe”. Hội nghị quyết định thành lập Ban đảm

bảo giao thông vận tải, thành lập lực lượng thanh niên xung phong, các đội chủ lực giao thông các huyện. Giao thông vận tải trở thành mặt trận nóng bỏng được quân dân Hà Tĩnh thực hiện với khẩu hiệu hành động “xẻ núi mở đường”, “địch phá một

thì ta làm mười”, các lực lượng vũ trang được lệnh tập trung bảo vệ các trọng điểm

giao thông, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, nhân dân, học sinh vừa bảo vệ đường, sửa đường, vừa ra sức làm thêm các đường vòng tránh, các đường phụ, các điểm vượt sông, cầu phao, cầu dẫn, phà ghép,... Mọi khả năng vận tải thuộc đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt đều được huy động, làm cho lưu lượng hàng thông qua Hà Tĩnh từng bước tăng lên.

Ngày 25/11/1965, liên Bộ Quốc phòng và giao thông vận tải chủ trương quân sự hóa khâu vượt sông, Ban chỉ huy Tỉnh đội đã triển khai. Cuối tháng 11/1965, tiểu đoàn 57 công binh được thành lập, đảm nhiệm công tác vượt sông ở 07 bến phà: Nghèn (Can Lộc), Già, Cày (Thạch Hà), Phủ (Thị xã Hà Tĩnh), Họ (Cẩm Xuyên), Rác (Kỳ Anh) trên Quốc lộ 1A và Linh Cảm trên Quốc lộ 08. Phương án nối phà, làm thêm cầu dẫn được thực hiện. Tập thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 57 đã vượt lên mọi gian khổ hy sinh “bám bến, bám phà” và đạt được kết quả cao. Lưu lượng xe qua phà mỗi đêm ở mỗi bến từ 200 chiếc tăng lên 400 – 500 chiếc, thời gian một chuyến phà qua sông giảm đi 02 lần.

Kỳ Anh là huyện sớm trở thành lá cờ đầu của tỉnh, của miền Bắc về công tác đảm bảo giao thông vận tải, là huyện phía nam giáp Quảng Bình, Quốc lộ 1A chạy dọc huyện hơn 50 km, có 100 chiếc cầu cống, đoạn đường từ xã Kỳ Thịnh đến Đèo Ngang chạy song song với bờ biển bị địch khống chế cả ngày lẫn đêm bằng máy bay, tàu chiến nhưng nhân dân Kỳ Anh vẫn “Vượt bom mở lối” thông tuyến, thông

xe. Với khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mỗi gia đình ở xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh) thường xuyên tích trữ đất đá, vật liệu dự phòng sẵn sàng ứng cứu giao thông. Dân quân du kích thì chiến đấu bảo vệ giao thông, phụ lão thì lo trồng cây, thiếu nhi lo ngụy trang xe, chị em phụ nữ lo vật liệu đất đá dự phòng.

Ngày 24/12/1965 (nhân dịp Giáng Sinh), Mĩ tuyên bố ngừng mém bom miền Bắc trong vòng 36 ngày để thực hiện “thiện chí hòa bình”. Chớp thời cơ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát động “Chiến dịch Quang Trung”lần thứ nhất huy động quân dân toàn tỉnh sửa sang, củng cố các tuyến đường. Hơn 10 vạn lượt người từ tỉnh đến xã ra mặt đường vừa làm giao thông, vừa vui Tết đón xuân. Kết quả đã sửa chữa và nâng cấp 75km đường xế, đường tránh, củng cố và làm mới thêm các bến vượt sông, vận chuyển vào Quảng Bình 14 vạn tấn và tiếp nhận từ phía Bắc đưa về tỉnh 03 vạn tấn hàng hóa. Được sự giúp đỡ về lực lượng, phương tiện và vật tư của Bộ giao thông, các tuyến đường 18 (chạy bên kia núi Hồng Lĩnh), 20, 21, 22, 23, 24, (chạy song song với Quốc lộ 1A, từ Thạch Hà vượt qua vùng núi Cẩm Xuyên, Kỳ Anh vào Quảng Bình) lần lượt được thi công (07/1965). Lực lượng tham gia mở đường có tổng đội thanh niên xung phong 53, 52, 55 các đơn vị chủ lực của ngành giao thông vận tải tỉnh, một Tổng đội thanh niên xung phong Hà Nội, Hải Phòng, một đội xe máy, 02 Tiểu đoàn công binh của Quân khu IV và đoàn 559. Cuối năm 1966, các tuyến đường mới lần lượt được thông xe, tổng chiều dài đường mới mở xấp xỉ chiều dài của 02 tuyến đường chính (Quốc lộ 1A và 08) và các đường Tỉnh lộ mà Pháp làm trong vòng 100 năm. Đây là một kỳ tích to lớn của Hà Tĩnh, trong công cuộc mở đường này đã có hàng trăm cán bộ chiến sĩ, cán bộ công nhân viên, thanh niên xung phong đã hi sinh cho các tuyến đường mới ra đời.

Mặc dù mức độ đánh phá của không quân và hải quân Mỹ ngày càng tăng trong năm 1966, chúng đánh sập, ta sửa chữa xong chúng lại đánh. Song nhân dân Hà Tĩnh lại nổi bật lên trong khói lửa của chiến tranh ác liệt. Ba tháng cuối năm 1966, toàn tỉnh đã có 147 xã tổ chức được đội công binh dân quân, gồm 3.400 đội viên, có 88 trạm gác đèn phòng không trên các tuyến đường, đào đắp được 1,5 triệu km3 đất đá, lấp 2.867 hố bom, làm 97 đoạn đường xế, đường tránh, trồng 01 triệu cây xanh, cứu được 205 ô tô, 733 chiếc thuyền và 2.881 tấn hàng.

Thời gian từ lễ Giáng Sinh năm 1966 đến đầu năm 1967, tranh thủ thời cơ Mỹ ngừng ném bom, Hà Tĩnh đã tổ chức “Tết Quang Trung” lần thứ 2, đã có hơn 12 vạn lượt người tham gia công tác đảm bảo giao thông vận tải. Với những nỗ lực của quân dân Hà Tĩnh trên lĩnh vực giao thông vận tải, tại Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo giao thông vận tải toàn miền Bắc, Hà Tĩnh được công nhận là tỉnh dẫn đầu và vinh dự được nhận cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm

lược” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đầu xuân 1968, Hà Tĩnh lại mở chiến dịch “Tết Quang Trung” lần thứ 3 với tinh thần là “không nghỉ tết để cho miền Nam mau giải phóng”. Với 18 vạn lượt người ra mặt đường làm giao thông vận tải và kết quả khối lượng công việc đã làm được gấp 02 lần “Tết Quang Trung” lần thứ nhất. Như vậy, vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán mọi người dân đều phấn khởi vui “Tết Quang Trung” trên mặt đường. Chỉ với 3 chiến dịch: “Tết Quang Trung vui xuân mở đường ra tiền tuyến” trong các năm 1966, 1967, 1968 nhân dân trong tỉnh đã góp trên 40 vạn lượt người với trên 04 triệu ngày công đã tu sửa, hàn gắn mặt đường [13, tr.202].

Sang tháng 05/1968, đế quốc Mỹ đánh phá quyết liệt hơn vào giao thông vận tải, hàng hóa vận chuyển vào chiến trường giảm hẳn. Tháng 04 /1968 hàng vào Hà Tĩnh là 6.500 tấn, sang tháng 05 chỉ còn 1.600 tấn và tháng 06 giảm xuống còn 1.430 tấn [13, tr.257]. Trước tình hình đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban chỉ đạo giao thông ở Quân khu IV do đồng chí Lê Quang Hòa, Chính ủy Quân khu làm trưởng ban. Ngày 13/08/1968, trước yêu cầu cấp thiết chuyển xăng vào chiến trường, ban đảm bảo giao thông quyết định mở chiến dịch vận tải đột xuất trên Quốc lộ 1A, làm gấp đường xế từ quán Bánh Gai qua làng Hạ Lôi (Tiến Lộc) đến bờ sông Già và làm 01 bến phà giả chiến. Với tinh thần “Xe chưa qua nhà không tiếc”, hơn 100 gia đình làng Hạ Lôi trong một đêm đã tự nguyện sơ

tán ra vùng xung quanh, nhường làng cho một con đường mới đi qua. Kết quả đã có 130 xe chở xăng đi vào chiến trường một cách thuận tiện.

Trước tình hình ngày càng cấp thiết, ngày 28/08/1968, Bộ Chỉ huy đảm bảo giao thông Hà Tĩnh được thành lập (thay cho Ban đảm bảo giao thông trước đây). Bằng những nỗ lực vượt bậc, trong 02 tháng 09 và 10/1968, quân dân Hà Tĩnh đã

thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa chi viện cho tiền tuyến, làm thất bại âm mưu “chặn cổ họng” của địch trên đất Hà Tĩnh, góp phần tích cực vào những chiến thắng của quân dân miền Nam. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, giao thông vận tải Hà Tĩnh đã có những bước phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến tranh, trước chiến tranh Hà Tĩnh chỉ có 379 km đường, qua 04 năm chiến tranh Hà Tĩnh có thêm 259 km trục đường, 121 km đường tránh, 121 km đường xế, 4.274 km đường nông thôn, làm thêm 26 bến phà [61, tr.11-12].

Ngoài vận tải ô tô, tỉnh đã cho thành lập Công ty vận tải đường biển (06/1965) và công ty vận tải đường sông (đầu năm 1966). Các Công ty vận tải đường biển và đường sông, ngay sau khi mới thành lập, đã phát huy tác dụng tích cực, tận dụng điều kiện sông, nước của tỉnh, hoàn thành nhiệm vụ vận tải.

Qua 04 năm chiến tranh bảo vệ, đảm bảo giao thông vận tải với quyết tâm cao độ coi “Đứt đường như đứt ruột, gãy cầu như gãy xương”, Tỉnh ủy Hà Tĩnh chủ trương củng cố và phát triển mạng lưới đường để vận chuyển một khối lượng hàng hóa lớn vào miền Nam phục vụ cho chiến trường góp phần đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Một phần của tài liệu hậu phương hà tĩnh trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước giai đoạn 1964 – 1968 (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(124 trang)
w