Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chiến lược Đại hội III của Đảng, từ ngày 26/02 đến ngày 07/03/1961, Đảng bộ Hà Tĩnh đã tiến hành đại hội vòng 02 đề ra nhiệm vụ của kế hoạch 05 năm lần thứ nhất của tỉnh là: “Ra sức đẩy mạnh sản
xuất nông nghiệp và công nghiệp, đi đôi với việc đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là đối với nông nghiệp,... Chú trọng các mặt sản xuất khác, lấy sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc làm cơ sở cho công nghiệp, thủ công nghiệp và toàn bộ về kinh tế quốc dân phát triển. Tăng cường lực lượng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, kiến thức cơ bản, văn hóa, khoa học kỹ thuật, y tế và thể dục thể thao. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, tăng cường vai trò chuyên chính vô sản trên cơ sở khối công nông liên minh vững chắc, làm tốt công tác trị an quốc phòng” [12, tr.45].
Sau Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa diễn ra sôi nổi khắp các vùng: nông thôn, công trường, nông trường, xí nghiệp và các đơn vị quân đội. Nông dân tập thể thi đua “đuổi kịp và
vượt Đại Phong”, công nhân thi đua “đuổi kịp và vượt Duyên Hải”. Phong trào thi
đua “ba nhất” trong các lực lượng vũ trang Hà Tĩnh được cụ thể hóa bằng phong trào thi đua học tập xã Xuân Hải (Nghi Xuân – Hà Tĩnh).
Nhiều điển hình tiên tiến lần lượt xuất hiện như hợp tác xã Đồng Hải (Nghi Xuân), Trần Phú (Cẩm Xuyên) đánh cá năng suất cao, xưởng cưa Đức Tân (Đức Thọ) có năng suất tăng 120 lần [3, tr.78-79]. Hợp tác xã đúc lưỡi cày từ chỗ đúc được 08 cái lên 400 trong một ngày, hợp tác xã đánh cá Hải Phong, Tân Giang (Nghi Xuân), hợp tác xã muối Trúc Linh (Cẩm Xuyên), ngoài ra còn có các tổ chức, các đơn vị thanh niên, phụ nữ, thiếu niên điển hình với nhiều thành tích trên nhiều lĩnh vực góp phần quan trọng vào mục tiêu: xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm tốt công tác hậu phương chi viện cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.
Năm 1961, cả tỉnh có 1.259 hợp tác xã bậc thấp và 375 hợp tác xã bậc cao, vào những năm tiếp theo thì số lượng hợp tác xã bậc thấp giảm xuống, hợp tác xã bậc cao tăng lên. Đến cuối năm 1964, chỉ còn 401 hợp tác xã bậc thấp, hợp tác xã bậc cao lên đến 704 cơ sở, bao gồm 66,22% tổng số hộ nông dân trong tỉnh. Năm 1964, đã có 05 cơ sở hợp tác xã liên hợp toàn xã.
Về công tác thủy lợi, năm 1961 về cơ bản tỉnh đã xây dựng xong đập Thượng Tuy (Cẩm Xuyên), năm 1963 khởi công xây dựng trạm bơm điện Linh Cảm đến năm 1965 thì hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngoài những công trình thủy lợi lớn trên còn có 20 công trình thủy lợi vừa và nhỏ được xây dựng và hoàn thành từ năm 1961 đến năm 1965. Cơ khí hóa cũng bắt đầu đưa vào sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, ngày 19/05/1960 trạm máy kéo tỉnh được thành lập, diện tích ruộng đất trồng trọt ngày càng tăng. Nhờ làm tốt công tác thủy lợi, chăm sóc cây trồng mà nhiều hợp tác xã nổi lên thành những lá cờ đầu trong huyện, trong tỉnh về năng suất lúa. Đặc biệt có xã Đông Hà (Sơn Hà – Hương Sơn), Vĩnh Hòa (Đức Vĩnh – Đức Thọ) đạt năng suất
trên 30 tạ/ha. Năm 1962, toàn tỉnh thu hoạch lúa đạt 170.055 tấn so với năm 1960, tăng hơn 02 vạn tấn. Nghề biển đạt 11.000 tấn cá (1962).
Phát huy những thành tựu đạt được trong thời kì thực hiện kế hoạch 03 năm (1958 – 1960), trên lĩnh vực giao thông vận tải ở Hà Tĩnh đã phát triển vượt bậc trong giai đoạn thực hiện kế hoạch 05 năm (1960 - 1965). Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh họp vào tháng 03/1961 chỉ rõ: “Tăng cường công tác giao thông, phục vụ
tốt cho sản suất, thương nghiệp và quốc phòng, chủ trương mở rộng thêm một số đường tỉnh lộ, dành ưu tiên cho các tuyến lên miền Tây, tích cực sửa đường dân sinh kinh tế” [12, tr.46].
Năm 1961, bắt đầu tu sửa đường tỉnh lộ 02 kéo dài từ Ba Giàng qua Ngã ba Đồng Lộc lên Linh Cảm và Hương Sơn. Mở thêm tuyến đường mới nối Đồng Lộc với Khe Giao, nâng cấp Quốc lộ 1A, đường 08, đường tỉnh lộ 03 (từ thành phố Hà Tĩnh đến Hương Khê). Cùng với đường bộ, các tuyến đường sông trong tỉnh cũng được sử dụng tích cực vào phục vụ giao thông vận tải như sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố.
Cùng với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh còn chú trọng lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển văn hóa, văn nghệ, giáo dục, y tế ở từng địa phương.
Về giáo dục, trên 98% dân số được thanh toán nạn mù chữ. Hệ thống các trường lớp bổ túc văn hóa và phổ thông phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh. Đầu năm học 1963 – 1964, toàn tỉnh đã có 304 trường cấp I (tiểu học), 110 trường cấp II (trung học cơ sở) và cấp III (trung học phổ thông) với 3.396 giáo viên.
Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Vì thế, công tác y tế - xã hội được đẩy mạnh, chăm lo phòng chống bệnh, giữ gìn vệ sinh, tăng cường sức khỏe cho nhân dân. Năm 1964, ngoài bệnh viện tỉnh còn có thêm 02 bệnh viện huyện và 06 bệnh xá, toàn tỉnh còn có thêm 258 trạm y tế dân lập, mỗi xã đều thành lập các trạm y tế xã. Ngoài ra, tỉnh còn có 06 đội y tế lưu động chuyên đi phòng dịch. Đội ngũ cán bộ y tế tính đến năm 1964 có 249 y, bác sĩ và dược sĩ trung cao cấp. Tổng số cán bộ trong ngành là 1.500 người, so với năm 1939 (năm cao nhất thời thuộc Pháp) tăng 23 lần.
Các phong trào văn hóa, văn nghệ và xây dựng nếp sống mới đã trở thành một phong trào quần chúng sôi nổi và rộng khắp trong tỉnh góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống và con người mới xã hội chủ nghĩa. Những cố gắng và thành tích đạt được của các ngành văn hóa, giáo dục, y tế trong những năm 1961 đến năm 1965 đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo thêm niềm tin tưởng, phấn khởi để đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh nhà, tạo tiềm lực để thực hiện tốt vai trò của hậu phương.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Đảng bộ và chính quyền các địa phương trong tỉnh rất coi trọng việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ ở các cơ sở.
Tháng 05/1961, Tổng thống Mỹ Kennedy tuyên bố: “Một trong những cách
chống du kích tốt nhất là cho người của ta luồn vào thánh địa của cộng sản mà phá” [21, tr.27]. Kể từ đây, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường hoạt động quấy
phá miền Bắc. Thủ đoạn chủ yếu của chúng là dùng máy bay trinh sát, do thám trên không, tàu biển hoạt động sâu vào vùng biển của nước ta. Trong tháng 04/1961, có 16 lần máy bay xâm phạm không phận, 10 thuyền lạ mặt vào cách bờ từ 10 đến 12 km. Chúng còn tung các toán gián điệp, biệt kích vào vùng rừng núi như Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh.
Để tăng cường công tác đối phó với tình hình trên, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy lực lượng vũ trang Hà Tĩnh triển khai chiến lược tác chiến phòng thủ chuẩn bị sẵn sàng đánh địch tập kích hoặc tung biệt kich từ ngoài biển vào đất liền. Ngày 18/07/1961, theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Hà Tĩnh huy động một tiểu đoàn quân dự bị gồm 518 người giao cho E107, F325 huấn luyện 18 ngày ở Đồng Hới. Sau đó trở về tiếp tục sản xuất và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh. Trước đó, tháng 02/1961, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh được quân khu giao nhiệm vụ giúp bạn chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường 08. Ban Chỉ huy tỉnh đội Hà Tĩnh đã điều tiểu đoàn 44 bộ đội địa phương cùng 2.000 dân công lên đường làm nhiệm vụ. Sự kiện bắt gọn toán biệt kích đầu tiên do Lê Khoái cầm đầu ở Kỳ Phương (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) ngày 29/12/1962 là một điển hình trong
công tác bảo mật, phòng gian ở Hà Tĩnh. Liên tiếp sau đó các toán biệt kịch được tung vào Hà Tĩnh đều bị lực lượng dân quân địa phương phát hiện và bắt gọn. Từ năm 1962 đến năm 1964, quần chúng dân Hà Tĩnh đã bắt gọn 08 toán gián điệp, biệt kích gồm 37 tên thu toàn bộ vũ khí trang bị, những tên ngoan cố bị tiêu diệt.
Trước những thất bại to lớn trên chiến trường miền Nam, đầu năm 1964, Tổng thống Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch Mácnamara: “tăng cường hoạt động khiêu
khích, đe dọa, gây sức ép đối với miền Bắc”. Vì thế, trên địa bàn Hà Tĩnh, số lần
máy bay, tàu chiến địch xâm phạm vùng trời, vùng biển ngày một tăng. Trong năm 1964, máy bay địch đã xâm phạm vùng trời Hà Tĩnh 457 lần, pháo kích từ biển vào 34 lần, thả chất hóa học ở Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ,... điều đó chứng tỏ Mỹ đang dần đưa chiến tranh vào trong lòng cộng sản.
Để chủ động và kịp thời đối phó với những âm mưu và hành động của địch, ngày 09/01/1964, Bộ Tổng tham mưu đã triệu tập hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất để bàn kế hoạch triển khai hệ thống phòng không ba thứ quân và các biện pháp phòng tránh, sơ tán. Chấp hành Chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, cuối tháng 02/1964, Ban Chỉ huy Tỉnh đội đã mở lớp tập huấn về chiến tranh du kích, kế hoạch công tác phòng tránh, đánh máy bay địch cho 210 cán bộ, chiến sĩ từ tỉnh đến xã.
Tháng 03/1964, Tổng thống Mỹ Johnson phê chuẩn kế hoạch Đêxôtơ dùng tàu khu trục Mỹ tuần tiểu khu vực Vịnh Bắc Bộ để khiêu khích, ngăn chặn tiếp tế đường biển của ta vào Nam, yểm trợ cho các tàu biệt kích của chính quyền Sài Gòn vây bắt nhân dân đánh cá ngoài biển để khai thác tin tức trong nội địa. Tiếp đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mĩ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc, thông qua 94 mục tiêu đánh phá khi được lệnh [11, tr.106]. Những quyết định trên của Mỹ làm cho tình hình hết sức căng thẳng, buộc ta phải có thái độ và hành động kiên quyết để duy trì hòa bình, giữ vững chủ quyền độc lập của mình. Ngày 27/03/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, tại đây Người khẳng định rằng: “Nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại”.
Ngày 02/05/1964, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ huy phòng không do đồng chí Nguyễn Lự - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban hành
chính làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Hữu Trinh – Tỉnh đội trưởng làm tham mưu trưởng. Chấp hành mệnh lệnh của Ban Chỉ huy phòng không tỉnh, các địa phương trong tỉnh từ tháng 04/1964, đã tổ chức diễn tập phương án phòng không sơ tán, đào hầm hào. Dân quân tự vệ trong toàn tỉnh hăng hái thi đua luyện tập, ghi tên lập công. Tất cả các ngành như bưu điện, thương nghiệp, lương thực, thực phẩm, y tế,... đều chuẩn bị các cơ số đảm bảo chiến đấu cho các lực lượng chủ lực và địa phương, dời các kế hoạch hoạt động từ thời bình sang thời chiến.
TIỂU KẾT
Hà Tĩnh có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Với truyền thống yêu nước và cách mạng, ở giai đoạn lịch sử nào Hà Tĩnh cũng có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của dân tộc.
Với truyền thống yêu nước và cách mạng đó, suốt chặng đường gần 10 năm (07/1954 – 02/1964) trong điều kiện hòa bình, nhân dân Hà Tĩnh với truyền thông anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đã tập trung hết mọi khả năng, mọi lực lượng để hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh, chống mọi âm mưu và hành động phá hoại của địch, xây dựng cuộc sống mới làm cho bộ mặt tỉnh nhà có bước phát triển. Những kết quả đạt được trong hơn 10 năm xây dựng hậu phương là toàn diện, đã tạo điều kiện cho Hà Tĩnh bước vào giai đoạn mới, hoàn thành nhiệm vụ mới là xây dựng, chiến đấu bảo vệ hậu phương và chi viện cho tiền tuyến miền Nam và Lào trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964 - 1968). Quyết tâm hoàn thanh nhiệm vụ lớn mà cách mạng giao phó là “tiền tuyến lớn của hậu phương lớn miền Bắc và hậu phương lớn của tiền tuyến lớn
Chương 2
HẬU PHƯƠNG HÀ TĨNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ,CỨU NƯỚC (1964 - 1968)