HẬU PHƯƠNG HÀ TĨNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1964 1968)
2.2.2.5. Công tác phòng tránh
Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều tuyến đường giao thông thủy bộ quan trọng đối với chiến trường miền Nam và Lào, đặc biệt đường lại có nhiều cầu. Dân cư phần lớn ở hai bên đường trục giao thông, bờ sông, bờ biển chính là những nơi địch thường bắn phá. Chính vì thế, phải xây dựng được thế trận toàn dân và thực hiện tốt công tác phòng tránh. Nhận thức được điều này nên từ tháng 05/1964 Ủy Ban hành chính Hà Tĩnh đã ra Chỉ thị về công tác phòng không nhân dân và nội quy về phòng không nhân dân.
Sau đợt tấn công ngày 23 đến ngày 31/03/1965, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đề ra nhiệm vụ cấp thiết cho Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh: “Đánh và phòng tránh là hai mặt không thể tách rời” [35, tr.35].
Nhận thức được nhiệm vụ trên, khắp nơi trong tỉnh, nhất là những vùng xung yếu, nơi công cộng đều có hầm trú ẩn. Ở những vùng trọng điểm, các đường giao
liên, liên thôn đều có hầm hào cho người qua đường trú ẩn. Ở vùng nông thôn, các xã, các gia đình đều có hầm trú ẩn, hầm cá nhân ở gần chỗ lao động. Ở những nơi địch thường xuyên đánh phá, nhân dân đã xây dựng thành những làng hầm, đưa mọi sinh hoạt của gia đình xuống lòng đất, thực hiện bám đất, bám làng để chiến đấu, sản xuất. Trong đó, các làng thuộc xã Đồng Lộc (Can Lộc) và các vùng lân cận các làng hầm đã phát triển ra ngày càng nhiều ở các địa phương khác nhất là các vùng gần trục đường giao thông, vùng xung yếu.
Việc xây dựng các công trình phòng tránh được triển khai tích cực thời gian đầu của cuộc chiến tranh phá hoại và ngày càng được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã đào đắp được hàng trăm ngàn hầm phòng tránh gia đình, hầm cá nhân và hàng ngàn km hào giao thông và chiến hào. Theo thống kê đến cuối năm 1965, cả tỉnh đã đào được 355.954 cái hầm ngoài vườn, 152.074 hầm trong nhà, 166.634 hầm công cộng, 2.000 cây số giao thông hào, 192.079 hầm dọc đường [35, tr.38].
Với khẩu hiệu “không sợ dân tốn công, tốn của chỉ sợ dân đổmáu” nên công tác phòng tránh ở Hà Tĩnh đã trở thành một nhiệm vụ trung tâm, đột xuất, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, dân quân du kích và tất cả mọi người dân. Hầm hào ở đây đã trở thành “một mạng lưới chi chít như mạch máu của cơ thể con
người. Hầm hào từ nhà ra vườn, nối xóm này với xóm khác, tỏa rộng ra cánh đồng, men lên trận địa bắn máy bay và đi vào các lán học, trạm xá, cửa hàng” [9, tr.21-
21]. Nhân dân đã xem hầm hào là nơi che xương, che thịt nên họ yêu quý, săn sóc, lo lắng bảo vệ hầm hào cẩn thận hơn cả nhà của mình.
Nhờ các biện pháp tích cực phòng tránh nên dù bị địch đánh phá ác liệt nhưng tỉ lệ thương vong thấp. Có những gia đình bị bom bi nổ ngay trên nóc hầm cũng không gây thương vong về người. Xóm Hồng Hải – Kỳ Phương trong 03 năm địch đánh vào cơ sở 50 lần với hàng ngàn bom đạn nhưng không ai bị thương vong. Xã Hương Trạch trong 02 năm 1965 và 1966 mỗi đầu người phải chịu 218 quả bom mà chỉ si sinh 01 người và bị thương 01 người.
Trong công tác phòng tránh cũng phải kể đến công tác sơ tán nhân dân ở các mục tiêu, thị xã, thị trấn và những nơi quan trọng ra ngoài, ổn định được một số cơ sở sản xuất.
Bước sang năm 1966, nhiều công sự hầm hào tiếp tục được nhân dân tu sửa và xây dựng thêm nhiều làng chiến đấu. Việc xây dựng các làng chiến đấu đã được Tỉnh ủy ra Chỉ thị vào ngày 22/07/1965 và tiếp tục được triển khai, thực hiện và mở rộng hơn trong năm 1966. Trong năm 1966, toàn tỉnh đã đào đắp được hàng ngàn km hào giao thông, hàng chục vạn hầm trú ẩn cho người và gia súc, tiếp tục khâu sơ tán nhân dân khỏi trọng điểm đánh phá.
Công tác phòng tránh ngày càng được Tỉnh ủy Hà Tĩnh chú trọng đẩy mạnh hơn vào năm 1967 – 1968. Nghị quyết của Tỉnh ủy nêu phải tăng cường hơn nữa công tác phòng không nhân dân, đẩy mạnh việc xây dựng làng chiến đấu, tăng cường hầm hào giao thông trú ẩn, công sự chiến đấu. Chấp hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, công tác xây dựng hầm hào được các cấp ủy chính quyền chú trọng hơn nữa. Nhiều hầm hào ở vùng trọng điểm đánh phá được xây dựng. Những nơi địch đánh phá ác liệt, hầm hào được tổ chức thành nhiều tuyến, tuyến gần làng, tuyến xa làng. Nhiều xã đã có hệ thống giao thông hào nhà nối nhà, xóm nối xóm, hầu hết các gia đình đều đủ hầm.
Đặc biệt, ngày 14/09/1968, Uỷ Ban hành chính Hà Tĩnh đã ra chỉ thị về việc sữa chữa, gia cố thêm và làm mới hầm lũy phòng tránh nhằm chống các loại bom bi, bom sát thương, đạn rốc-ket và có thể ngủ được ngay trong hầm và cần thiết phải làm việc được. Thực hiện chỉ thị trên, các cấp, các ngành trong tỉnh đều triển khai thực hiện tốt công tác phòng tránh trên tất cả các mặt.
Công tác phòng không nhân dân được đánh giá là một bộ phận của chiến tranh nhân dân, một trong những biện pháp tích cực để bảo toàn lực lượng đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhờ làm tốt công tác phòng tránh mà tỉ lệ thương vong được hạn chế đến mức thấp nhất qua mỗi trận địch đánh phá.