Đảm bảo giao thông vận tải trong việc chi viện cho tiền tuyến

Một phần của tài liệu hậu phương hà tĩnh trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước giai đoạn 1964 – 1968 (Trang 71 - 75)

HẬU PHƯƠNG HÀ TĨNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1964 1968)

2.3.2. Đảm bảo giao thông vận tải trong việc chi viện cho tiền tuyến

Ngày 30/06/1965, Chính phủ ra Chỉ thị số 110/CP khẳng định: “Công tác giao thông vận tải thời chiến là công tác trung tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn dân,... Bảo đảm giao thông là công tác trọng tâm số 01. Nhiệm vụ chính trị và

chiến lược cao nhất của nó là đưa hàng lên phía trước, hoàn thành kế hoạch chi viện cho tiền tuyến lớn trong bất kể tình huống nào” [20, tr.43].

Trước đó, ngày 24/06/1965, Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết về bảo đảm giao thông vận tải, trong đó xác định: “Từ nay cho đến khi chiến thắng đế quốc Mỹ,

nhiệm vụ cách mạng quan trọng vào loại bậc nhất của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta là chiến đấu đảm bảo giao thông vận tải thường xuyên, liên tục thông suốt, an toàn. Bất kỳ tình huống nào xảy ra,... cũng phải đảm bảo kế hoạch giao thông vận tải cho tiền tuyến, cho các tỉnh bạn,... trước hết là cho tiền tuyến [40, tr.3]. Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ và Nghị quyết của Tỉnh ủy quân và dân Hà Tĩnh đã có mặt kịp thời, vận chuyển hàng hóa không quản mưa bom, bão đạn của kẻ thù.

Trong những tháng đầu năm 1966, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt đều bị phong tỏa và chặn đánh, nhưng các lực lượng vận tải Hà Tĩnh vẫn chuyển được hàng ngàn tấn máy móc, hàng hóa về đúng địa chỉ theo kế hoạch. Việc vận chuyển hàng vào Quảng Bình cũng không kém phần gian khổ, khó khăn, ác liệt. Mồ hôi và máu các chiến sĩ đã thấm đẫm lên các kiện hàng. Tuyến đường bộ qua Đèo Ngang vào Quảng Bình không ngày nào không có xe cháy, người hy sinh. Tuy vậy, lượng hàng chuyển vào Nam càng ngày càng lớn “Hàng hóa chuyển vào Quảng Bình trong năm 1967 gấp 2,67 lần so với

năm 1965 và 19 lần so với năm 1966. Kế hoạch vận chuyển cho mặt trận Đường 9 đạt 360%, vận chuyển cho Trung – Hạ Lào đạt 134%” [22, tr.189].

Đầu năm 1968, do yêu cầu của công tác vận tải trong tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, Hà Tĩnh đã thành lập đoàn vận tải xe thồ gồm trên 4.000 xe đạp. Với tinh thần quyết tâm vượt mọi khó khăn đưa hàng ra tiền tuyến, những người lái xe thồ đã phát huy triệt để phương tiện vận tải gọn nhẹ này, chuyển tải hàng hóa giữa các trạm trung chuyển một cách an toàn.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ tháng 04 đến tháng 10/1968 là giai đoạn Mỹ đánh phá ác liệt nhất, công tác chi viện trên mặt trận giao thông vận tải ở Hà Tĩnh càng được tăng cường hơn trước. Chỉ trong hai tháng 09 và 10/1968, phong trào vận tải nhân dân và vận tải thủy đã động viên 10 vạn lượt người tham gia, vận chuyển được 76.341 tấn hàng, chiếm 70% lượng hàng vận tải trong thời gian này, thực hiện

tốt nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa chi viện tiền tuyến, làm thất bại âm mưu “chặn

cổ họng” của địch trên đất Hà Tĩnh, góp phần tích cực vào những chiến thắng của

quân dân miền Nam.

Trong quá trình phát triển vận tải phục vụ kháng chiến, ngoài các tổ chức vận tải chuyên nghiệp, phong trào vận tải nhân dân đã đóng góp một phần quan trọng. Với khẩu hiệu: “Toàn dân làm giao thông vận tải”, nhân dân Hà Tĩnh vừa làm đường, giữ đường, bảo đảm thông xe, thông hàng, vừa góp sức chuyển hàng nhanh ra tiền tuyến. Nhân dân đã vận tải bằng nhiều loại phương tiện, từ gánh bộ, đẩy xe ba gác, xe bò, xe đạp thồ, thuyền nan,...

Thành tích của nhân dân Hà Tĩnh trong công tác đảm bảo giao thông vận tải thật sự rất to lớn và kỳ diệu, chỉ tính riêng trong 04 năm chống chiến tranh phá hoại, nhân dân Hà Tĩnh đã “góp trên 20 triệu ngày công, đào đắp được 6,5 triệu mét khối

đất đá, cát sỏi, khai thác hàng chục vạn cây tre, gỗ, nứa, lấp 16.956 hố bom, làm 14 đường xuống bến phà dài 1.628 km, đắp 163 đường tránh dài 122 km, ghép đá làm 158 đường ngầm dài 18 km, cứu 28.246 tấn hàng, 1.113 ô – tô bị lún lầy, 428 ô – tô bị cháy, 4.233 thuyền bị đắm [20, tr.265]. Đó chính là biểu hiện của chủ nghĩa

anh hùng cách mạng của quần chúng đã được phát huy cao độ, quần chúng đã nhận thức được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, đối với việc tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

TIỂU KẾT

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, Hà Tĩnh cũng như những địa phương khác ở miền Bắc không những chiến thắng Mỹ trên mặt trận quân sự mà còn thắng Mỹ ngay cả trên mặt trận kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhân dân Hà Tĩnh đã vừa chiến đấu, vừa sản xuất đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và làm nghĩa vụ hậu phương đối với miền Nam và Lào.

Về sản xuất, mặc dù bom đạn Mỹ đánh phá khốc liệt nhưng sản xuất nông vẫn được duy trì và có sự phát triển đáng kể, nhiều hợp tác xã nông nghiệp ngay trong những thời điểm Mỹ đánh phá khốc liệt nhất cũng đạt 5 tấn/ha. Các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp luôn hoàn thành nhiệm vụ. Văn

hóa, giáo dục, y tế đều có những bước phát triển đáng kể phục vụ nhu cầu thời chiến. Ngoài ra, trong thời gian này Hã Tĩnh đã làm tốt công tác giao thông vận tải, chiến đấu và phục vụ chiến đấu một cách có hiệu quả.

Về chiến đấu, trong bom đạn của chiến tranh quân và dân Hà Tĩnh đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái. Đây chính là thành tích của toàn quân và dân Hà Tĩnh được tổ chức trong một mặt trận thống nhất.

Bên cạnh đó, quân và dân Hà Tĩnh đã huy động đến mức cao nhất có thể để chi viện cho tiền tuyến miền Nam và nước bạn Lào, đồng thời luôn đảm bảo tốt giao thông vận tải để những chuyến hàng viện trợ cho miền Nam qua địa bàn Hà Tĩnh được an toàn và nhanh chóng.

Sở dĩ quân dân Hà Tĩnh đạt được những thành quả trên đây là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến các địa phương trong tỉnh.

Chương 3

Một phần của tài liệu hậu phương hà tĩnh trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước giai đoạn 1964 – 1968 (Trang 71 - 75)