Nội dung cơ bản của pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 52)

Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước. Rừng ở Việt Nam có đặc trưng cơ bản là rừng nhiệt đới, rất phong phú chủng loài thực vật, động vật, giá trị sinh thái và đa dạng sinh học cao. Đây là loại tài nguyên có thể tái tạo, tuy nhiên, qua quá trình quản lý chưa bền vững, độ che phủ của rừng ở nước ta đã giảm sút đến mức báo động và chất lượng của rừng tự nhiên cũng đang bị hạ thấp quá mức. Trước đây, phần lớn diện tích nước ta có rừng che phủ, nhưng chỉ khoảng một thế kỷ qua, rừng bị suy thoái nặng nề. Nhận thức

được vai trò quan trọng của nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá này, nhà nước đã ban hành những quy định pháp luật nhằm bảo vệ và kiểm soát suy thoái tài nguyên rừng. Đây có thể được hiểu là toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất trồng rừng nhằm kiểm soát và cải thiện tình trạng suy giảm cả về số lượng và chất lượng rừng trên phạm vi cả nước. Nội dung cơ bản có thể được xem xét ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, các quy định pháp luật về giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng. Nước ta hiện nay tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau, chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, nhà nước đã giao bớt một phần quyền năng chiếm hữu, sử dụng rừng và đất rừng cho các chủ thể khác thuộc các thành phần sở hữu tập thể và tư nhân thông qua chế độ giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và khoán rừng. Nhằm đảm bảo cho các hoạt động này được tiến hành đúng mục đích, đúng thẩm quyền, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã quy định các nguyên tắc và các căn cứ để giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng tại Điều 22 và Điều 23. Phù hợp với 7 loại chủ rừng đã được quy định tại Điều 5, các Điều 24 và 25 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã tiếp tục quy định cụ thể về các đối tượng được giao rừng, cho thuê rừng. Bên cạnh đó, tại Mục 3 Chương II (các Điều 29, Điều 30) của Luật cũng quy định về việc giao rừng cho cộng đồng dân cư thông; quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư thôn khi được giao rừng [39].

Thứ hai, ngoài quy định việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, pháp luật bảo vệ rừng và tài nguyên rừng cũng rất chú trọng tới việc bảo vệ rừng thông qua các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo vệ các loài động vật, thực vật rừng hoang dã, quý hiếm; khai thác lâm sản; bảo vệ vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong hoạt động du lịch sinh thái...

Việc phòng, chống cháy rừng được quy định tại Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết về phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện, đầu tư kinh phí, chế độ, chính sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

Vấn đề bảo vệ động vật, thực vật rừng hoang dã, quý hiếm cũng được quy định tương đối cụ thể tại Điều 41 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm là loài có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, thuộc danh mục do Chính phủ quy định. Việc khai thác các loại động, thực vật này phải tuyệt đối tuân theo những quy định chặt chẽ của pháp luật. Về vấn đề khai thác lâm sản, pháp luật hiện hành quy định việc khai thác gỗ, lâm sản chỉ được tiến hành đối với các khu rừng đã có chủ được pháp luật thừa nhận. Đối với các khu rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ thì chỉ được phép tận thu, tận dụng. Việc khai thác lâm sản chỉ được tiến hành sau khi doanh nghiệp có giấy phép khai thác. Hình thức khai thác có thể là tổ chức đấu thầu bán cây đứng hoặc thuê đơn vị khai thác thông qua hợp đồng khai thức, trực tiếp khai thác hoặc ra văn bản giao nhiệm vụ khai thác cho đơn vị khai thác trực thuộc doanh nghiệp. Quá trình khai thác phải đảm bảo tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ ba, vấn đề xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát suy thoái rừng.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực

quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Theo đó, các hành vi vi phạm thường diễn ra dưới các dạng phổ biến như: Vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng, về kiểm soát suy thoái rừng; vi phạm các quy định về phòng chống suy thoái rừng; Vi phạm các quy định về bảo vệ động, thực vật rừng; Vi phạm các quy định về khai thác rừng... Tùy mức độ vi phạm mà các tổ chức, cá nhân có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính [19].

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, dưới góc độ là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVII) có hai hành vi phạm tội được quy định tại Điều 175 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng) và Điều 176 (tội vi phạm các quy định về quản lý rừng). Ngoài ra, các tội phạm về môi trường còn quy định ba hành vi phạm tội trong lĩnh vực kiểm soát suy thoái rừng, đó là hành vi hủy hoại rừng (Điều 189); hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190) và hành i vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191). Bất kỳ một cá nhân nào khi thực hiện một trong các loại hành vi nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự nêu trên, các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và tài nguyên rừng còn có thể phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp có thiệt hại do hành vi của họ gây ra.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)