Hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện pháp luật môi trƣờng

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 80 - 83)

Để hoạt động bảo vệ môi trường có hiệu quả, thì bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến việc tạo dựng cho được các cơ chế bảo đảm thi hành pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng và cũng là tiêu chí để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật môi trường của chúng ta hiện nay.

Một trong những việc cần làm ngay để hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện pháp luật môi trường là khẩn trương kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về môi trường. Hiện nay, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã được thiết lập tương đối đầy đủ từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, 63 Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã có Phòng Quản lý môi trường, với biên chế từ 04 đến 05 người/phòng. Ngoài ra, trong thời gian qua, cùng với việc sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ thì bộ phận quản lý nhà nước về môi trường cũng được điều chỉnh, bổ sung theo hướng phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về môi trường các cấp vẫn còn nhiều hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần hoàn thiện và tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Hình thành và phát triển hệ thống quản lý môi trường ở địa phương theo hướng kết hợp quản lý tài nguyên với quản lý môi trường. Tiếp tục kiện toàn các Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó đơn vị quản lý môi trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có đủ năng lực thực thi và hình thành bộ phận quản lý môi trường kết hợp với quản lý tài nguyên ở cấp huyện, có cán bộ chuyên trách về môi trường và tài nguyên ở cấp xã, cụ thể như:

- Tăng cường về số lượng và chất lượng cán bộ môi trường ở cả cấp trung ương và địa phương thông qua việc tăng biên chế và mở các khóa đào tạo năng lực cho cán bộ làm công tác môi trường.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ quan bảo vệ môi trường cấp quận/huyện, phường/xã, đặc biệt là tại các khu vực có làng nghề.

- Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp. Các Bộ, ngành cần phân công

và quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị phụ trách môi trường của Bộ, ngành mình. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý các vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng để triển khai các hoạt động này ngày càng hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ cho công tác quản lý, đặc biệt là công nghệ thông tin. Tiếp tục cải tiến nhằm đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, tăng cường và làm tốt công tác giám sát sau đánh giá tác động môi trường.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; Quy định và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Để pháp luật môi trường được bảo đảm thực hiện trên thực tế, ngoài các biện pháp nêu trên có thể sử dụng công cụ kinh tế như một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật môi trường của các chủ thể. Đây là biện pháp đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và đã đem lại những kết quả khả quan. Nghị quyết số 41/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2004 đã chỉ rõ: "Áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường là giải pháp phù hợp bối cảnh kinh tế thị trường" [21]. Qua tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể áp dụng một số công cụ kinh tế như:

- Thuế môi trường và phí môi trường: là các nguồn thu ngân sách nhà nước do các tổ chức và cá nhân sử dụng môi trường đóng góp.

- Quỹ môi trường: là loại công cụ kinh tế được sử dụng cho mục đích bảo vệ môi trường. Hiện ở Việt Nam có thể chia thành ba loại: Quỹ môi trường quốc gia, quỹ môi trường địa phương và quỹ môi trường ngành.

- Ký quỹ môi trường: được thực hiện bằng phương thức đặt cọc một khoản tiền tại ngân hàng để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và công tác bảo vệ môi trường. Nếu thực hiện đúng cam kết thì số tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả lại cho doanh nghiệp.

- Nhãn sinh thái: là loại nhãn mác của sản phẩm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sự thân thiện với môi trường của sản phẩm so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại.

Nếu sử dụng tốt biện pháp này, chúng ta sẽ tăng được nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư trở lại môi trường; đồng thời công cụ kinh tế tự nó sẽ tạo ra động cơ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)