Nội dung cơ bản của pháp luật về bảo vệ tài nguyên nƣớc

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 36)

Nước là nguồn tài nguyên có vai trò quyết định trong việc bảo đảm cuộc sống của con người. Việt Nam hiện có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào so với các quốc gia khác trong khu vực. Hiện nay, nước ta có thể khai thác và sử dụng khoảng 150km3

nước mặt một năm, 10 triệu m3 nước ngầm một ngày. Nước mưa trung bình hàng năm trên toàn lãnh thổ nước ta có khoảng 650km3, khối lượng nước này trải đều trên bề mặt đất liền có lớp nước mưa dày 1.960mm. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng nước cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ ngày càng tăng. Tuy là nguồn lợi có thể tái tạo được nhưng việc sử dụng, phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề bức xúc hiện nay đòi hỏi phải có sự tham gia điều chỉnh bằng pháp luật.

Trước yêu cầu quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra, nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (Chương VII); Luật Tài nguyên nước năm 1998; Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy

định việc thi hành Luật Tài nguyên nước; Pháp lệnh Phòng chống lụt, bão năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2000); Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001; Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01/12/2008 của Chính phủ về quản lý lưu vực sông; Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước...

Nội dung khái lược các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng được thể hiện qua các điểm sau đây:

Thứ nhất, pháp luật có các quy định về bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.

Bảo vệ tài nguyên nước là một lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm các biện pháp về giữ gìn trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước, phòng chống, khắc phục các hậu quả, tác hại do nước gây ra.

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 1998, tài nguyên nước bao gồm các nguồn nước mặt, nước mưa, nước dưới đất và nước biển thuộc lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Tài nguyên nước ở nước ta thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Các tổ chức, cá nhân được quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho đời sống và sản xuất, nhưng đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ chất lượng, trữ lượng nguồn nước, phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật. Trong quá trình khai thác, sử dụng các nguồn nước, tổ chức, cá nhân phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính, đóng góp công sức và kinh phí cho việc xây dựng các công trình thủy lợi, khí tượng thủy văn và

các công trình khác liên quan tới việc bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi làm suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của tài nguyên nước. Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi các nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước. Chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo vệ tài nguyền nước tại địa phương. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thường xuyên bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng.

Thứ hai, vấn đề xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên nước.

Chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tùy theo mức độ sẽ phải gánh chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự.

Trách nhiệm hành chính áp dụng đối với những hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nước, do tổ chức, cá nhân thực hiện một cách vô ý hoặc cố ý mà không phải là tội phạm. Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Nghị định số 81/2006/NĐ-CP và Nghị định số 34/2005/NĐ-CP, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100.000.000 đồng. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là tước giấy phép môi trường có thời hạn hoặc không thời hạn; tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; cấm hoạt động hoặc buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trách nhiệm hình sự áp dụng đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà cố tình không thực hiện các biện

pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng và có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 182 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Theo đó người phạm tội tùy mức độ vi phạm và hậu quả gây ra có thể bị cải tạo không giam giữ, bị phạt tù, bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Trách nhiệm dân sự áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ở hai khía cạnh: chịu mọi chi phí khôi phục hiện trạng môi trường nước và bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do có hành vi vi phạm của mình gây ra.

Thứ ba, pháp luật bảo vệ môi trường biển và tài nguyên biển.

Việt Nam có hơn 3.300 km bờ biển. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2005, nhìn chung chất lượng nước biển ở các vùng biển và ven biển Việt Nam vẫn còn nằm trong tiêu chuẩn cho phép, trừ một số vùng cửa sông và vùng ven biển nơi có các khu dân cư đô thị tập trung, các cơ sở công nghiệp, các cảng biển. Tuy nhiên, nguy cơ gây ô nhiễm biển đang ngày càng gia tăng bởi các hoạt động của con người. Đứng trước nhu cầu gìn giữ và bảo vệ môi trường biển ngày càng trở nên cấp bách và cần thiết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã dành hẳn Mục 1 Chương VII quy định về bảo vệ môi trường biển. Tiếp đó, để hướng dẫn quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế (ban hành kèm theo Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/5/2008) và Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Theo đó, pháp luật quy định các nguyên tắc cơ bản về bảo vệ môi trường biển, đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ có tính hủy diệt trong khai thác tài nguyên và nguồn lợi biển; đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 36)