Một số giải pháp khác

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 84 - 89)

Thứ nhất: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nghĩa là huy động ở mức cao nhất sự tham gia cả xã hội vào công tác bảo vệ môi trường. Nhà nước Việt Nam đã xác định: Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Do đó, công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là trách nhiệm của các tổ chức, các doanh nghiệp và của cộng đồng dân cư tại từng địa phương. Chính sự giám sát, đôn đốc thực hiện, kiểm tra của các tổ chức, của cộng đồng dân cư tại địa phương sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, Nhà nước cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cụ thể:

- Tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức và các cộng đồng dân cư tham gia công tác bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho mọi người dân được đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính

sách, đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề môi trường tại địa phương. Đặc biệt, cần đưa việc lấy ý kiến của người dân đối với các dự án tác động trực tiếp đến môi trường xung quanh, đến việc sản xuất và đời sống của nhân dân như một thủ tục bắt buộc trong quá trình đánh giá tác động môi trường.

- Tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường ở địa phương, cơ sở. Cộng đồng trực tiếp tham gia giải quyết các xung đột môi trường, vì hơn ai hết, họ chính là những người sinh sống tại địa phương, hiểu biết và nắm rõ những vấn đề môi trường xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe và các quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng.

- Lồng ghép việc bảo vệ môi trường trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư. Xây dựng các mô hình tự chủ, tự quản về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

- Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường.

- Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường để khen thưởng, phổ biến, nhân rộng. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vào tiêu chuẩn xét khen thưởng.

Thứ hai: Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Đầu tư tạo nguồn vốn là một trong những hình thức quan trọng để thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường. Việc đầu tư bảo vệ môi trường phải được đa

dạng hóa về hình thức và nguồn vốn nhằm huy động được mọi nguồn lực trong xã hội. Hình thức đầu tư không chỉ bó hẹp ở việc thu hút các nguồn vốn dưới dạng tiền tệ, mà có thể mở rộng đầu tư bằng trí lực, vật lực, đầu tư bằng cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, bằng sức lao động...

Trong các nguồn đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Theo đó, Nhà nước dành 1% kinh phí trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác bảo vệ môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường có thể được huy động từ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, từ nguồn viện trợ ODA, GEF và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong cộng đồng dân cư... Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh việc quy định mức kinh phí mà các doanh nghiệp phải đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhà nước cần có cơ chế kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường.

Thứ ba: Kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi

trường. Xây dựng và triển khai kế hoạch, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của các doanh nghiệp và cán bộ quản lý môi trường. Đồng thời, cần phát huy tính dân chủ, minh bạch và công khai trình tự, thủ tục liên quan đến môi trường.

Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm rút kinh nghiệm về những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường.

KẾT LUẬN

Bảo vệ môi trường sống và khai thác, sử dụng có hiệu quả môi trường là một trong những tố bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh sự tăng trưởng của kinh tế đất nước thì Nhà nước Việt Nam cũng luôn chú trọng tới việc bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam đã không ngừng được hoàn thiện, góp phần tích cực vào quá trình "hình thành nhanh và đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Tuy nhiên, vấn đề thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế cần phải được nghiên cứu làm rõ.

Quá trình nghiên cứu cho thấy, để nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, trước hết cần tập trung nghiên cứu những vấn đề mang tính lý luận về thực hiện pháp luật môi trường như khái niệm, các đặc điểm của thực hiện pháp luật môi trường, những xu hướng phát triển của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường... Việt Nam, với vị trí nằm ở ven Biển Đông có phần đất liền, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng lớn và hàng ngàn hòn đảo (riêng phần lãnh thổ trên đất liền có diện tích khoảng 330 ngàn km2, đứng hàng thứ 58 trên thế giới về diện tích lãnh thổ), Việt Nam là một nước có tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú. Nền kinh tế quốc gia vẫn phải dựa nhiều vào việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Với số dân hiện nay vào khoảng 84 triệu người nên sức ép về tài nguyên thiên nhiên vẫn là một vấn đề thường xuyên và lâu dài. Do vậy, vấn đề thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu tổng thể, đánh giá toàn diện nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá các quy định hiện hành và đối chiếu với thực tiễn áp dụng, cho thấy, pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường đã tạo hành lang pháp lý để các chủ thể trong xã hội thực hiện đầy đủ, triệt để các quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Song, bên cạnh đó, một số quy định hiện hành cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phát huy được tốt nhất mục tiêu bảo vệ, phát triển môi trường tự nhiên, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đất nước có những sức ép rất lớn trước những đòi hỏi của thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế.

Công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, đòi hỏi pháp luật phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc của khoa học pháp lý và thực tiễn sinh động của cuộc sống. Vì vậy, trên cơ sở kết quả đạt được của quá trình cải cách và tổ chức thực thi các quy định về bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần xây dựng, củng cố và vận hành tốt nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật môi trường ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)