môi trƣờng
Pháp luật với ý nghĩa là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là quan hệ về bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình các chủ thể khai thác, sử dụng và quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường cần được xây dựng như thế nào để đủ sức tác động vào quá trình xã hội, nhận thức của các chủ thể trên cả ba phương diện là: (1) Khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; (2) Giữ gìn và bảo vệ môi trường thiên nhiên và (3) Phòng ngừa, khắc phục sự cố, cũng như phục hồi môi trường trong trường hợp bị xâm hại hoặc bị tàn phá bởi các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một nguyên tắc đã được xác định trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2001 - 2010 là:
Coi công tác bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành; là cơ sở quan trọng để bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước [10].
Do đó, yêu cầu trước hết được đặt ra là khung pháp luật về bảo vệ môi trường phải gắn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, đồng thời quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 được coi là hạt nhân của hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, là nguồn cơ bản, trực tiếp nhất trong hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, các quy phạm trong Luật
Bảo vệ môi trường năm 2005 vẫn chưa cụ thể nên rất cần có các văn bản dưới Luật để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong một số trường hợp cụ thể phát sinh trong thực tế. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng pháp luật, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ và quán triệt những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ môi trường trong nội dung các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước cần chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn môi trường với các quy trình, quy phạm kỹ thuật đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu quản lý và thực trạng môi trường của Việt Nam. Mặt khác, để đảm bảo lợi ích quốc gia, phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, hệ thống pháp luật môi trường và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan cũng cần được hoàn thiện tương ứng với các công ước quốc tế, các hiệp định song phương và đa phương mà nước ta là thành viên.
Một nội dung quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường là các quy định về chế tài xử lý vi phạm pháp luật. Do đó, khi hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ môi trường cần đặc biệt chú ý tới vấn đề hoàn thiện các quy định về trách nhiệm pháp lý (trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự) đối với những hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Qua phân tích một số vụ việc vi phạm pháp luật môi trường điển hình đã đề cập ở phần trên của luận văn có thể nhận thấy, các quy định pháp luật của nước ta về vấn đề này hiện còn tồn tại khá nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình áp dụng, ví dụ như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm hành chính. Trách nhiệm hành chính trong
lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định trong Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các Nghị định khác có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực đã tương đối đầy đủ và bao quát được các yếu tố của môi trường. Tuy nhiên, theo tác giả nên có văn bản pháp lý để thống
nhất các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên khoáng sản... Theo đó, cần rà soát, nghiên cứu để bảo đảm sự tương thích giữa các quy định về phạt tiền, phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2006/NĐ-CP và các Nghị định xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ các nguồn tài nguyên khác. Qua rà soát cho thấy, trong các văn bản nêu trên vẫn tồn tại một số quy phạm pháp luật trùng lặp, mâu thuẫn. Bên cạnh đó, pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường cần quy định chi tiết hơn về tính chất và mức độ vi phạm trên cơ sở các tiêu chuẩn về môi trường như: tiêu chuẩn xả thải, tổng lượng thải, hàm lượng các chất độc hại... nhằm tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật. Ngoài ra, các quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu để tăng mức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe của pháp luật, tránh tình trạng các doanh nghiệp "chấp nhận" nộp phạt để "vi phạm".
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự. Ngày 19/6/2009, Quốc hội đã thông
qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010), trong đó có sửa đổi, bổ sung một số quy định các tội phạm về môi trường. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã tổng hợp các tội danh gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất thành tội gây ô nhiễm môi trường và bổ sung một số tội danh mới (Điều 182a: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Ðiều 182b: Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; Ðiều 191a: Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại). Một sửa đổi quan trọng khác của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự chính là đã bãi bỏ điều kiện bắt buộc là
"đã bị xử phạt hành chính" trong việc định tội danh, thay vào đó chỉ cần cá nhân có hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng là đã đủ cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, mức phạt tiền đối với các tội phạm về môi trường cũng đã được nâng lên nhiều lần, sát hơn với yêu cầu của thực tiễn.
Những sửa đổi quan trọng nêu trên trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, pháp luật hình sự của nước ta cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi để giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ví dụ như: Cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành các quy định trong Chương các tội phạm về môi trường để xác định thế nào là vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng? Xác định rõ nội hàm của khái niệm "ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" các cơ quan tiến hành tố tụng dễ dàng áp dụng... Thứ hai, cần xem xét lại vấn đề chủ thể của các tội phạm về môi trường. Nếu cần thiết nên quy định cả trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, theo hướng, trách nhiệm đối với pháp nhân chỉ áp dụng đối với chủ thể của các tội xâm phạm môi trường do đặc thù của chủ thể loại tội phạm này, còn các loại tội phạm khác vẫn sẽ áp dụng nguyên tắc trách nhiệm cá nhân. Hiện nay trên thế giới pháp luật của nhiều nước như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Singapo... đã có quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Thứ ba, về trách nhiệm dân sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì "thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm" [40]. Tuy nhiên, áp dụng quy định nêu trên vào việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực môi trường sẽ phát sinh bất cập là trong nhiều trường hợp do quá thời hiệu khởi kiện nên các tổ chức, cá nhân bị mất quyền khởi kiện. Nguyên nhân là do trong lĩnh vực môi trường, khoảng thời gian từ thời điểm có hành vi xâm phạm đến khi phát hiện có thiệt hại thực tế xảy ra về sức khỏe thường kéo dài quá 02 năm. Do đó, để khắc phục bất cập nêu trên, chúng ta cần nghiên cứu, sửa đổi khoản 3 Điều 159 Bộ
luật Tố tụng dân sự năm 2004 theo hướng thời hiệu khởi kiện có thể được xác định từ thời điểm tổ chức, cá nhân "biết" được có thiệt hại xảy ra trên thực tế.
Ngoài ra, trên thực tế thì nhu cầu về giải quyết tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường rất lớn, nhưng khởi kiện ra tòa lại rất hạn chế do gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại. Hiện nay, ngoài các quy định mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Chính phủ vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra.
Thứ tư, về cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực môi trường. Do
chưa có quy định cụ thể nhằm phân biệt trách nhiệm khắc phục tình trạng môi trường, với trách nhiệm bồi thường thiệt hại nên hiện còn có cách hiểu và áp dụng khác nhau về hai loại trách nhiệm này. Hơn nữa, các quy định về vấn đề này thiếu cụ thể, khó áp dụng trên thực tế, ví dụ như: Về trách nhiệm đối với những hành vi gây hậu quả cho môi trường, pháp luật quy định phải "khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật" (Luật Bảo vệ môi trường năm 2005) hoặc "cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật" (Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2005). Hơn nữa, việc xác định thiệt hại trong lĩnh vực môi trường rất phức tạp và tốn kém, chi phí giám định cao nên người bị thiệt hại ít có khả năng theo kiện.