Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng và dần được định hình trên bản đồ kinh tế thế giới. Trong mấy năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực với mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 7-8%. Vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố bản báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu
vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có phần về Việt Nam, nêu rõ Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và sự suy thoái kinh tế toàn cầu tương đối tốt. Sự phát triển ấy đã đem lại cho chúng ta nhiều kết quả đáng mừng, đời sống nhân dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao... Tuy nhiên, cùng với đà tăng trưởng kinh tế trong những năm vừa qua, Việt Nam đang phải đối mặt với mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, hầu hết các nước đang phát triển, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta chủ yếu vẫn dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm vừa qua, Việt Nam có xu hướng xuất khẩu tài nguyên rừng, khoáng sản để đáp ứng những nhu cầu công nghiệp hóa. Việc khai thác tài nguyên thiếu quy hoạch, khai thác không tính đến khả năng tái sinh đã dẫn đến những hủy hoại nghiêm trọng về môi trường. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ đi kèm với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số đang gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường, đặt công tác bảo vệ môi trường nước ta trước những thách thức gay gắt.
Bên cạnh đó, vì mục tiêu phát triển kinh tế, Việt Nam có chính sách kinh tế mở cửa để thu hút đầu tư, nhiều khi bằng mọi giá. Trên khắp đất nước, hàng loạt các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên một mặt làm thay đổi đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, nhưng mặt khác, với tư duy phát triển thiếu bền vững, cũng chính các doanh nghiệp này đang làm chết dần môi trường Việt Nam. Đã có rất nhiều bài học cho các nước vì quá coi trọng tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo được sự bứt phá lớn về kinh tế đã phải trả giá đắt về việc làm cạn kiệt và suy thoái môi trường. Có thể đơn cử một ví dụ: Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin đi vào hoạt động từ tháng 4/1999 tại Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Trong sáu năm (từ 1999 đến 2004) doanh thu của nhà máy đạt gần 300 triệu USD, nộp ngân sách trong giai đoạn này khoảng 123 tỷ đồng (mức nộp cao nhất năm 2004 khoảng 55 tỷ
đồng). Có thể nhận thấy Vinashin đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của huyện Ninh Hòa, tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, từ khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân khu vực này đã phải chịu những cơn "mưa bụi", bởi để làm sạch lớp sơn cũ đã gỉ sét bám chặt thành tàu, Vinashin đã dùng xỉ đồng bắn tẩy trước khi tài được sửa chữa, sơn mới. Hàng năm nhà máy cần một lượng rất lớn hạt xỉ đồng phục vụ việc làm vệ sinh các tàu biển (từ năm 1999-2007, Vinashin đã đưa vào Việt Nam xấp xỉ đến 750.000 tấn xỉ đồng) [56l]. Đây là một loại chất thải độc hại mà việc xử lý chúng không hề đơn giản, do có nhiều kim loại nặng độc hại lẫn trong đó. Những chất này gây ra sự ô nhiễm rất nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của công ty Hyundai Vinashin đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa, huyện Ninh Hòa nói riêng, nhưng hậu quả chúng ta phải gánh chịu lớn hơn rất nhiều, đó chính là sự ô nhiễm đang tàn phá nặng nề môi trường sống của dân cư nơi đây.
Đảm bảo một sự cân bằng giữa nhu cầu tăng trưởng kinh tế với đòi hỏi bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo môi trường là một yêu cầu bức thiết của phát triển bền vững. Vì thế hơn lúc nào hết, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, xem xét, đánh giá lại các mối quan hệ giữa hoạt động sống của con người với môi trường thiên nhiên, giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với công tác bảo vệ môi trường.