Đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá và là một trong những nguồn lực quý nhất của loài người. Lịch sử phát triển xã hội cũng là lịch sử khai thác và sử dụng đất đai. Dưới góc độ pháp lý, đất đai là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia gắn liền với chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đất đai chỉ phát huy được vai trò tích cực dưới sự tác động của con người một cách thường xuyên và có ý thức. Điều đó đồng nghĩa với việc đất đai không thể phát huy được khả năng sinh lợi nếu con người sử dụng đất một cách tùy tiện, chỉ biết khai thác mà không cải tạo, không có kế hoạch sử dụng. Việt Nam có diện tích tự nhiên 32.931.456 ha, với ba phần tư lãnh thổ là vùng đồi núi và trung du, trong đó diện tích sông suối và núi đá không có rừng cây là 1,3 triệu ha (chiếm 4,06% diện tích đất tự nhiên), phần đất liền 31,2 triệu ha (chiếm 94,5% diện tích đất tự nhiên), xếp thứ 58 trên thế giới. Tuy nhiên, do dân số đông nên diện tích đất bình quân đầu người thuộc loại thấp, chỉ bằng 1/6 bình quân thế giới [6].
Trước giá trị của nguồn tài nguyên đất, Nhà nước bằng pháp luật đã điều chỉnh hành vi của người sử dụng đất nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất. Những văn bản pháp lý quan trọng chứa đựng nội dung có liên quan đến việc kiểm soát suy thoái tài nguyên đất bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Luật Đất đai năm 2003; Pháp lệnh về bảo vệ kiểm dịch thực vật; Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai...
Những nội dung cơ bản của pháp luật về bảo vệ tài nguyên đất được thể hiện chủ yếu ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, pháp luật quy định về các hoạt động làm tăng khả năng sinh lợi của đất dưới góc độ môi trường.
Đất đai được pháp luật xác định là một trong những thành phần cơ bản và chủ yếu của môi trường. Sử dụng đất đai "tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường..." [37, khoản 2 Điều 11] đã trở thành quy định mang tính nguyên tắc được Nhà nước xác định ngay trong khoản 2 Điều 11 Luật Đất đai năm 2003. Dưới góc độ môi trường, đất đai được Nhà nước bảo vệ như là một thành tố quan trọng của môi trường bằng những quy định pháp luật về các loại đất cụ thể. Tại Chương III Luật Đất đai năm 2003 quy định về thời hạn sử dụng đất, cũng như chế độ sử dụng đối với các loại đất khác nhau. Luật có các quy định bảo vệ đặc biệt đối với đất nông nghiệp theo nghĩa bảo vệ môi trường đất; luật xác lập các nguyên tắc sử dụng đất phi nông nghiệp theo hướng các loại đất ở tại nông thôn và đô thị, đất khu công nghiệp, đất khu kinh tế... gắn liền với bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm cho việc mở rộng và phát triển không gian đô thị không làm phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên bao quanh.
Để làm tăng khả năng sinh lợi của đất, ngoài việc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, người sử dụng đất còn có trách nhiệm đầu tư lao động, tiền vốn và áp dụng các thành tựu mới trong quá trình khai thác và sử dụng đất đai. Điều 12 Luật Đất đai năm 2003 quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và các công nghệ nhằm bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống đồi núi trọc, đất có diện tích đất hoang hóa vào sử dụng, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng
giá trị của đất. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích các chủ thể đầu tư nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học ít gây độc hại cho đất và các biện pháp phòng trừ tổng hợp...
Thứ hai, Nhà nước không chỉ có chính sách đối với các hoạt động làm tăng khả năng sinh lợi của đất, mà còn có những quy định nhằm điều chỉnh những hành vi của người sử dụng đất bị nghiêm cấm khi tiến hành các hoạt động trên đất.
Đối với các hoạt động nông nghiệp, pháp luật có các quy định nhằm hạn chế sử dụng phân bón hóa học, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất, nước, làm thoái hóa, biến chất, bạc màu đất, làm suy thoái đa dạng sinh học nông nghiệp...
Đối với các hoạt động công nghiệp, Nhà nước có chính sách không phát triển hoặc hạn chế phát triển mới các ngành công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ có hại đối với môi trường đất, các ngành công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, làm phát sinh nhiều chất thải, gây nguy hại, thoái hóa và ô nhiễm đất.
Đối với các hoạt động khác, Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn chiếm đất đai, không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2003 đã có những quy định pháp luật cụ thể về hành vi hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích được xác định (Điều 4). Hệ quả pháp lý của hành vi cố ý hủy hoại đất là Nhà nước sẽ thu hồi đất theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Thứ ba, vấn đề xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên đất.
Trong quan hệ pháp luật đất đai, chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật có thể phải gánh chịu các loại trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.
Trách nhiệm hành chính do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc kiểm soát suy thoái tài nguyên đất. Theo Điều 6 Nghị định số 182/2004/NĐ-CP, hình thức xử phạt chính được áp dụng bao gồm cảnh cáo hoặc phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm thường từ 100.000đ đến 30.000.000đ tùy mức độ vi phạm[14]. Riêng đối với những hành vi vi phạm gây ô nhiễm đất như chôn vùi hoặc thải vào đất các chất gây ô nhiễm không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, mà chất gây ô nhiễm có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt mức cho phép, chủ thể thực hiện hành vi sẽ bị phạt từ 60.000.000đ đến 70.000.000đ (Điều 21 Nghị định số 81/2006/NĐ-CP) [16]. Ngoài các hình thức xử phạt chính còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất được áp dụng đối với các chủ thể khi họ phạm các tội danh được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Trong đó có một tội danh riêng truy cứu đối với các chủ thể phạm tội liên quan đến kiểm soát suy thoái tài nguyên đất, đó là Điều 182 - Tội gây ô nhiễm môi trường. Theo đó người phạm tội có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến mười năm tùy mức độ vi phạm và hậu quả gây ra; ngoài ra có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 triệu đồng đến 150.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm [35].
Trách nhiệm dân sự là loại trách nhiệm pháp lý được áp dụng khi có thiệt hại do hành vi gây suy thoái tài nguyên đất gây ra. Khi đó, người vi phạm ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường thiệt hại theo mức thiệt hại thực tế.