Thực trạng về số lượng các nghề

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (2) (Trang 43)

Bắc Ninh là mảnh đất của trăm nghề, các làng nghề truyền thống ở đây phát triển đa dạng, với quy mô khác nhau, gồm nhiều loại, tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong hầu hết các ngành kinh tế. Nếu phân theo ngành nghề sản xuất thì trong số 62 làng nghề ở Bắc Ninh có 53 làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 4 làng nghề xây dựng, 3 làng nghề thương mại, 1 làng nghề vận tải thủy, 1 làng nghề kinh doanh giống thủy sản. Trong đó làng nghề truyền thống gồm các nghề chủ yếu:

- Nghề thủ công, mỹ nghệ như đồ gỗ ở Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ, mây tre đan ở Xuân Lai... là những nghề có sự hình thành, phát triển lâu đời. Đây là nhóm có số lượng lao động và làng nghề nhiều nhất. Từ năm 1990, do biến động lớn về chính trị - xã hội ở các nước XHCN đã tác động trực tiếp đến làng nghề. Thị trường bị mất, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, dẫn đến nhiều nơi bị sa sút, người lao động gặp khó khăn. Từ năm 1992 trở lại đây, do vươn lên tìm tòi và bám sát nhu cầu của thị trường, nhạy bén trong việc cải tiến mẫu mã, thay đổi mặt hàng, đổi mới công nghệ, làm cho hàng hóa thích ứng với thị trường về số lượng, chất lượng cũng như chủng loại.

- Nghề sửa chữa, dịch vụ cơ khí: Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và yêu cầu thị trường, nghề cơ khí truyền thống lại càng thiếu khả năng cạnh tranh nên đang bị mai một dần. Hiện nay chỉ có một số nghề truyền thống như rèn, đúc gang, đúc đồng, đúc bạc, gò, hàn ở Đa Hội, Đào Viên, làng Vó Quảng Phú…

- Nghề dệt, nghề may, nghề thêu thủ công: Xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh và đang có sự phát triển mạnh mẽ.

- Nghề sản xuất vật liệu xây dựng như gạch nung, ngói nung: Nghề sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu tồn tại theo hình thức tự cung tự cấp.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (2) (Trang 43)