THỐNG Ở TỈNH BẮC NINH
Làng nghề ở Bắc Ninh có lịch sử tồn tại từ hàng trăm năm nay, được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh và hoạt động hầu hết ở các ngành kinh tế chủ yếu. Trong những năm qua, nhất là khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế
thế giới, hoạt động làng nghề ở đây đã có bước nhảy vọt đáng kể. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã có 62 làng nghề CN-TTCN, chủ yếu trong các lĩnh vực như đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất giấy, gốm, sắt, thép tái chế, đúc đồng... Nhiều làng nghề truyền thống của Bắc Ninh như: gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ... có từ lâu đời và nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong tỉnh (trên 72.000 lao động thường xuyên và trên 10.000 lao động thời vụ). Trung bình 1 làng nghề hoạt động ổn định thu hút 80% số lao động địa phương và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Tại các làng nghề, số người giàu và khá giàu ngày càng tăng, 100% số hộ đều có ti-vi, xe máy, mức thu nhập ở các làng nghề cao gấp từ 3 đến 4,5 lần so với các làng thuần nông, nhờ vậy góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Các làng nghề đã tạo ra nhiều loại sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ khắp thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu với kim ngạch từ 1.200 tỉ đến 1.500 tỉ đồng/năm, tập trung vào các mặt hàng: đồ gỗ mỹ nghệ, gốm, tre trúc, tơ tằm, giấy, thép, đồng, nhôm…[ 20, tr 47].
Nhìn lại chặng đường phát triển các làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh, có thể thấy, một thời kỳ dài các làng nghề ở Bắc Ninh phát triển khá chậm chạp và thậm chí có lúc bị mai một. Trước kia, làng nghề chỉ được xem là nghề phụ, để giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn và cho lao động dư thừa ở nông thôn. Cộng với vào thời điểm đó Đảng và Nhà nước chưa có chủ trương, đường lối nhằm bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN với sự quản lý của nhà nước, nghề thủ công và làng nghề truyền thống được khôi phục trở lại và phát triển mạnh với điều kiện thuận lợi. Ngày 24/11/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề
nông thôn.
Để có được các giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống trong gia đoạn hội nhập KTQT như hiện nay chúng ta cần phải đánh giá đúng tình hình thực trạng sản xuất của các làng nghề truyền thống trong tỉnh. Vì thế các nghiên cứu dưới đây sẽ phân tích cụ thể hơn các vấn đề liên quan đến làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh.