Tiến hành quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (2) (Trang 76)

Để làng nghề truyền thống phát triển có hiệu quả, phát huy sức mạnh thực sự thì cần xây dựng chiến lược phát triển làng nghề một cách rõ ràng, phát huy thế mạnh của từng làng nghề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh, nếu không làng nghề truyền thống sẽ phát triển một cách tự phát làm cho nguồn lực bị phân tán, không phát huy được sức mạnh. Vì vậy Bắc Ninh cần phải hoàn thiện quy hoạch và xây dựng lộ trình dài hạn để triển khai một cách đồng bộ các giải pháp khuyến khích các làng nghề phát triển.

Quy hoạch phát triển làng nghề phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch giao thông, vùng nguyên liệu, quy hoạch thương mại, dịch vụ của tỉnh và huyện. Quy hoạch về phát triển ngành nghề, các cụm làng nghề phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất làng nghề với các cụm dân cư, với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện khảo sát quy hoạch, thiết kế xây dựng dựa trên quy hoạch tổng thể cũng như điều kiện và khả năng phát triển của từng làng nghề, đảm bảo tính hợp lý về quy mô, tốc độ phát triển và mô hình hoạt động.

Cần rà soát đánh giá lại các qui hoạch phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, điều chỉnh bổ sung các qui hoạch phát triển ngành nghề cho phù hợp với thực tế định hướng của tỉnh trong tương lai.

Trong quy hoạch mọi cơ chế chính sách của tỉnh Bắc Ninh cần chú trọng tập trung vào các làng nghề đang hoạt động hiệu quả và các làng nghề có hướng phát triển bền vững trong tương lai, chẳng hạn tập trung đầu tư khoa học kĩ thuật để thúc đẩy các làng nghề đang hoạt động tốt như: sắt thép Đa Hội, các làng nghề thủ công mĩ nghệ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái.

Với những làng nghề kém phát triển hoặc đang hoạt động cầm chừng cần chọn lọc những làng nghề mà sản phẩm vẫn còn được người tiêu dùng chấp nhận và có cơ hội tồn tại, nhất là những làng nghề mang giá trị văn hóa dân tộc để có những chính sách ưu tiên hỗ trợ về thị trường, vốn, về công nghệ sản xuất nhằm bảo tồn và phát huy làng nghề này. Xóa bỏ hoặc không tiếp tục đầu tư vào những làng nghề truyền thống không còn triển vọng như: nón, đan tre, cần câu…

Quy hoạch phát triển làng nghề theo hướng hình thành các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệp làng nghề, nhằm tách một số cơ sở sản xuất kinh doanh khỏi khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường. Tập trung đầu

tư xây dựng mặt bằng và hệ thống xử lý chất thải để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sản xuất cũng như môi trường sinh thái.

Trong quy hoạch phát triển làng nghề cần chú trọng đến việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất ở làng nghề, cụm làng nghề. Có kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn nguyên liệu khai thác từ tự nhiên như mây, tre, giang, gỗ để có thể vừa đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho sản xuất vừa nhằm bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Nhanh chóng quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Tận dụng các phế liệu, phế phẩm của các doanh nghiệp ở đô thị, đồng thời khuyến khích việc tìm kiếm hoặc chế tạo ra những nguyên liệu mới và chất phụ gia thay thế, tiết kiệm nguyên liệu truyền thống hoặc kết hợp giữa nguyên liệu truyền thống với nguyên liệu mới để tạo ra sản phẩm độc đáo tinh xảo chất lượng cao.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (2) (Trang 76)