Một số bài học kinh nghiệm rút ra

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (2) (Trang 32)

Từ những thực tiễn sống động trong việc giải quyết vấn đề phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Nam Định và tỉnh Bình Dương có thể rút ra một số bài học quan trọng sau:

Một là: Sự phát triển mạnh mẽ làng nghề truyền thống ở phần lớn các địa phương trên là kết quả của việc thực hiện đúng đắn chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước và các biện pháp tổ chức, quản lý của bản thân chính quyền địa phương, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ và khuyến khích tìm kiếm thị trường đầu ra, vốn, công nghệ, đào tạo lao động, và đất đai… để giúp đỡ, tạo điều kiện cho làng nghề truyền thống phát triển.

Hai là: Khi quyết định sản xuất phải xác định mức cầu của thị trường gắn thị trường trong nước và thị trường quốc tế, đồng thời lựa chọn kỹ thuật cho từng sản phẩm và đặt trong mối quan hệ với chi phí nhân công. Khi địa phương chưa hội đủ những điều kiện cần thiết, có thể lựa chọn xây dựng một nền công nghiệp với kỹ thuật trung gian có hiệu quả, ít tốn kém hơn. Theo đó ban đầu có thể làm theo phương pháp cổ truyền, sau đó từng bước ứng dụng phương pháp hiện đại để cải biến và tăng năng suất lao động.

Ba là: Hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong làng nghề truyền thống đang có sự thay đổi. Nhưng hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ yếu ở làng nghề. Ở một số vùng, một số hộ trong làng nghề đã có sự liên kết để chuyên môn hoá trong sản xuất hoặc hợp tác với nhau để thành lập HTX. Một số hộ làng nghề thành lập ra các tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ hay thành lập các công ty tư nhân, công ty TNHH… ở một số địa phương, một hình thức cần được quan tâm là sự liên kết có kết quả tốt giữa một bên là làng nghề với một bên là DNNN. Mô hình này kết hợp được sức mạnh của sản xuất nhỏ TTCN là chủ yếu ở các làng nghề với sức mạnh của DNNN.

Bốn là: Bên cạnh những thành công mà Bình Dương và Nam Định đã đạt được, vẫn còn có những hạn chế trong phát triển làng nghề truyền thống,

đó là việc một số làng nghề truyền thống đã không còn phù hợp với yêu cầu của thị trường về chất lượng và sản phẩm, nhiều làng nghề đã bị mai một, hơn thế tại nhiều làng nghề vấn đề marketing, vấn đề chiến lược sản xuất kinh doanh, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa được chính quyền quan tâm giải quyết một cách thoả đáng. Đây là điều hết sức cần chú ý vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống.

Tóm lại, Tiếp thu những bài học kinh nghiệm thực tiễn này, làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh có thể tránh được vết xe đổ và khai thác được tối đa tiềm năng của địa phương, xoá dần thế độc canh cây lúa, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động đang dư thừa ở nông thôn và thành thị hiện nay.

Việc khôi phục và phát triển làng nghề ở một số tỉnh thành là một chiến lược quan trọng và là một nội dung cơ bản của sự nghiệp CNH, HĐH trong quá trình hội nhập quốc tế.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

TRUYỀN THỐNG Ở TỈNH BẮC NINH TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (2) (Trang 32)