Năng lực thị trường của khách hàng
Năng lực thị trường thể hiện ở chất lượng sản phẩm và giá cả sản phẩm, chu kì sống của sản phẩm và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Tìm hiểu năng lực thị trường của khách hàng giúp cho ngân hàng đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của những sản phẩm đó trên thị trường để từ đó đánh giá sự phù hợp của dự án với nhu cầu của xã hội và xu hướng phát triển của nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp có năng lực thị trường cao thì rủi ro đối với các khoản cho vay trung dài hạn của ngân hàng càng thấp và ngược lại.
Năng lực tài chính
Năng lực tài chính của doanh nghiệp được thể hiên ở khả năng độc lập và tự chủ của khách hàng trong vấn đề tài chính. Một số chỉ tiêu để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp như vốn chủ sở hữu, tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng vốn, các hệ số về khả năng thanh toán... Năng lực tài chính là yếu tố quan trọng tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu một doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt thì việc kinh doanh sẽ có hiệu quả hơn, khách hàng có thể quản lý vốn vay một cách tối ưu hơn từ đó nâng cao khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Năng lực quản lý
Sự thành bại của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của doanh nghiệp đó. Năng lực quản lý thể hiện ở khả năng quản trị và điều hành của bộ phận quản lý. Xem xét triển vọng kinh doanh của một doanh nghiệp thì cần xem xét
năng lực của người quản lý. Nếu người quản lý không giỏi thì không thể quản lý và sử dụng vốn vay của ngân hàng hiệu quả, rủi ro đối với ngân hàng tăng lên.
Vấn đề về tài sản đảm bảo, thế chấp
Ngay từ đầu, tất cả các khoản cho vay phải có 2 phương án trả nợ tách biệt. Nếu hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có nguồn thu lớn thì khách hàng sử dụng nguồn thu đó để trả nợ ngân hàng. Nếu dự án hoạt động không có hiệu quả thì khách hàng phải lấy tài sản thế chấp vay vốn của họ để trả nợ hay đi vay để trả nợ. Nếu các doanh nghiệp có đủ tài sản để cầm cố, thế chấp và đảm bảo doanh nghiệp có quyền sở hữu hợp pháp tài sản đó hoặc bên bảo lãnh thường xuyên bảo đảm được năng lực tài chính và năng lực pháp lý của mình thì rủi ro đối với ngân hàng giảm đi, chất lượng của khoản cho vay này cũng được cải thiện.
Đạo đức kinh doanh của khách hàng
Nếu khách hàng cố tình lừa đảo để chiếm đoạt vốn của ngân hàng, khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc không có ý chí trả nợ ngân hàng thì rủi ro đối với ngân hàng cực kỳ lớn. Do đó chất lượng của các khoản cho vay của ngân hàng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đạo đức của người xin vay. Mặc dù rủi ro này là đến từ phía người xin vay và vượt quá khả năng kiểm soát của ngân hàng nhưng ngân hàng phải có trách nhiệm giảm thiểu rủi ro này bằng cách tăng cường công tác thẩm định và giám sát sau giải ngân.