Việc bảo vệ môi trường sinh thái được xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách hiện nay, vai trò của cây xanh, rừng nói chung và rừng phòng hộ đầu nguồn nói riêng có tác dụng to lớn trong giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường nước, đất, không khí trong khu vực.
Theo dự báo của các nhà khoa học khí tượng thủy văn, hiện nhiệt độ bề mặt trái đất đang tăng lên, làm biến đổi khí hậu theo chiều hướng bất lợi như: hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy, nước biển xâm mặn, ... làm suy giảm cân bằng môi trường sống của con người và các hệ sinh thái tự nhiên, theo dự báo Việt Nam sẽ là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Tác động của biến đổi khí hậu sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, trong đó ảnh hưởng đến nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, cũng như khả năng tự làm sạch của nguồn nước trên các lưu vực hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh. Đây là thách thức lớn về môi trường trong việc phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Để đảm bảo môi trường sinh thái bền vững, hạn chế thảm họa thiên tai, phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ của rừng thì phải tạo độ che phủ rừng với tỷ lệ hợp lý giữa các khu vực; nâng cao chất lượng rừng. Chú trọng bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông, hồ, ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục suy thoái, nâng cao chất lượng môi trường với các chỉ tiêu chủ yếu là thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường các loại rác thải đô thị, rác thải công nghiệp không độc hại đạt 100% vào năm 2015; rác thải y tế đạt 100% trong giai đoạn 2011 – 2020; thu gom 100% chất thải rắn độc hại và xử lý 80% chất thải nguy hại; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95% [29].