Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 100)

6. Kết cấu của luận văn

3.3.2. Thời gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật: “Thời gian với tư cách là sự kiện nghệ thuật. Chính việc nghiên cứu thời gian nghệ thuật có ý nghĩa lớn để hiểu bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật ngôn từ”(D.X Likhatrốp). Theo Bùi Mạnh Nhị, thời gian nghệ thuật “có vai trò to lớn trong việc tái tạo thực tại nghệ thuật, tổ chức nên nội dung và hình thức tác phẩm để khám phá thế giới và con người. Nó vừa khách thể (đối tượng phản ánh), vừa là chủ thể (được cảm nhận một cách chủ quan), vừa là phương tiện phản ánh (mã nghệ thuật). Nó chịu sự chi phối bởi tư tưởng triết học, mỹ học của thời đại, dân tộc, tác giả và nhiệm vụ nghệ thuật của tác phẩm. Điều đó cũng có nghĩa, không phải thời gian nào xuất hiện trong tác phẩm cũng là thời gian nghệ thuật”. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm dường như không giống với thời gian khách quan, ngay cả khi tác phẩm được kể với thời gian một chiều, vì quy trình vận hành của nó không trùng với thời gian tự nhiên.

Thời gian nghệ thuật trong Sông Côn mùa lũ là thời gian nghệ thuật trùng lặp mà trước hết là trùng lặp thời gian trong tâm tưởng. Cả hai nhân vật Huệ và An đều có sự trùng lặp về tâm trạng khi gặp nhau. Đó là tâm trạng yêu thương, xót xa, tiếc nuối, tủi hờn khi nhớ về kĩ niệm của mối tình đầu. Thủ pháp nghệ thuật này đã làm nổi bật bi kịch về tình yêu đôi trai tài gái sắc An - Huệ giữa một “mùa lũ” của lịch sử dân tộc mà họ chính là nạn nhân. Qua đó, nhà văn còn muốn nói về những khát vọng vĩnh cửu, rất nhân văn của con người là khát vọng về tình yêu. Đặc biệt trong thời loạn, khát vọng đó làm cho con người vốn đã chịu bao tai hoạ càng trở nên đáng thương hơn.

Thời gian trùng lặp giữa quá khứ và hiện tại còn mang đến một dựa báo trong tương lai. Ngày mẹ mất, An có kinh lần đầu, cô đã mất đi tuổi thơ, cũng có nghĩa là mất đi những tháng ngày bình yên để bước vào một cuộc đời đầy sóng

gió. “Cái chết của bà giáo và kinh nghiệm một đêm có kinh nguyệt lần đầu đã quá đủ để tạo nên một vết đau buốt đến tê dại lên tâm hồn cô bé”. Cũng từ đây, đất nước lại bước vào mùa “bão lũ”. Nỗi lo âu, sợ hãi của An được lặp lại ở Thái - con gái của An. Thái cũng mất đi tuổi thơ bình yên đúng vào lúc hoàng đế Quang Trung qua đời. Cuộc đời của An được lặp lại ở Thái, cảnh sóng gió lại bắt đầu phủ trùm lên cuộc đời của một thiếu nữ. Phải chăng, lịch sử lại lặp lại, Nguyễn Huệ mất đi, một mùa “bão lũ” mới lại bắt đầu. Những cuộc đời lại dập dềnh nổi trôi trên dòng chảy điên cuồng của lịch sử khi đất nước bước vào chặng đường mới. Đó là thông điệp mà Nguyễn Mộng Giác muốn gửi gắm đến qua nghệ thuật trùng lặp thời gian?

Sự trùng lặp thời gian quá khứ và hiện tại còn được dựng nên trong chi tiết vở tuồng chàng Lía. Vở tuồng chàng Lía gắn với chiến công đầu tiên chống quân Xiêm và chiến công cuối cùng chống quân Thanh của người anh hùng Nguyễn Huệ. Chính Huệ gợi ý cho Lãng “lấy chuyện chú Lía mà soạn một vở tuồng, đem diễn cho dân Quy Nhơn xem”. Sau chiến thắng quân Xiêm lẫy lừng trở về, Nguyễn Huệ náo nức xin anh cho diễn vở tuồng chàng Lía trong lễ khao quân ở đầm Thị Nại. Vở tuồng đang diễn giữa chừng thì Nhạc có lệnh cấm. Huệ thắc mắc: “Tại sao chúng ta giống chàng Lía mà lại sợ chàng Lía? Ta sợ cái gì? Chẳng lẽ ta trở thành bọn tham quan bị dân nghèo chán ghét nên phải sợ bóng sợ gió, không dám nhắc đến tên một dân nghèo khởi loạn chống triều đình?”. Tâm hồn trong sáng, lý tưởng cao đẹp, tấm lòng thành thực của Huệ được bộc lộ trọn vẹn qua lời nói và thái độ của Huệ khi chất vấn vua anh. Vở tuồng chàng Lía được lặp lại một lần nữa sau chiến công vang dội đánh quân Thanh của vua Quang Trung. Chuẩn bị cho buổi lễ khao quân thật lớn và cũng để chinh phục kẻ sĩ Bắc hà, Lãng rụt rè đề nghị nhà vua cho diễn vở tuồng chàng Lía. “ Đột nhiên vua Quang Trung sa sầm nét mặt. Giọng nhà vua gắt gỏng: - Cậu nói gì thế? Gian khổ lặn lội ra tận chốn văn vật nghìn năm này, chẳng lẽ…”. Thấy nét mặt vua Quang Trung vẫn còn vẻ bực dọc (…) Lãng không giấu được vẻ sượng sùng hối tiếc”. Sự lặp lại vở tuồng chàng Lía cho thấy một có một sự phát triển trong tâm

lý, tính cách nhân vật Nguyễn Huệ qua thời gian. Nguyễn Huệ không còn giữ được phẩm chất của một người anh hùng áo vải ban đầu nữa. Qua thái độ của Nguyễn Huệ với vở tuồng chàng Lía, tác giả gieo vào lòng người đọc bao trăn trở về những được mất của con người, về tính cách của một dân tộc và bản chất của lịch sử.

Như vậy, với một sự việc được trùng lặp, lặp lại và được phối xen từ đầu đến cuối truyện, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã rất khéo léo tạo được bước đi xoay vòng, trùng lặp của thời gian quá khứ và hiện tại qua đó cho thấy được sự vận động có quy luật của lịch sử và con người không thể làm gì khác được khi bị cuốn vào vòng quy luật ấy dù có dãy dụa, gào thét. Đồng thời qua đó, tác giả đã xây dựng được hình tượng nhân vật anh hùng của mình trưởng thành qua thời gian, từ chỗ ngây thơ, trong trẻo đến chỗ thô rám, chai sạn bụi trần; từ chỗ non nớt đến chỗ chín muồi về tư tưởng. Nhưng qua bước đi của thời gian, Nguyễn Mộng Giác cũng cho thấy tâm hồn con người bị quyền lực tha hóa, làm cho biến đổi rõ nét để phù hợp với quy luật của lịch sử.

Nghệ thuật thời gian trong các tác phẩm Bão táp cung đình, Huyết chiến Bạch Đằng, Hội thề là nghệ thuật xây dựng thời gian tuyến tính, song hành. Đây là điểm mạnh trong tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải nói riêng và của các nhà tiểu thuyết lịch sử nói chung. Nhờ thời gian tuyến tính, song hành, lịch sử được tái hiện trọn vẹn chân thực và sinh động dưới con mắt người đọc. Không có nhiều những cảnh hồi tưởng tâm trạng, tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải trình bày cốt truyện theo diễn biến của thời gian từ khi hình thành cho đến lúc kết thúc. Thời gian như một dòng chảy mạnh mẽ, không lối rẽ, trong đó các nhân vật từ từ phát lộ hết nhân cách, tư tưởng của cá nhân mình. Trong Huyết chiến Bạch Đằng, thời gian tuyến tính còn được chia nhỏ thành những vạch thời gian song song để miêu tả các trận đánh trên các mặt trận nhằm “phổ cập” lịch sử một cách trọn vẹn nhất. Loại thời gian này thường thấy nhất trong các tiểu thuyết lịch sử hiện đại về những chặng đường đầy chiến công của lịch sử dân tộc hoặc về những bậc anh hùng, kỳ tài.

Như vậy, xét chung về nghệ thuật thời gian trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại qua bốn tác phẩm xếp theo triều đại là Bão táp cung đình, Huyết chiến Bạch Đằng, Hội thề và Sông Côn mùa lũ có các kiểu thời gian như: thời gian tâm lý thấy rõ nhất trong Sông Côn mùa lũ; thời gian tuyến tính, song hành trong cả bốn tác phẩm. Những hình thức thời gian này đã có ảnh hưởng lớn tới việc xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng.

Thứ nhất là thời gian tâm lý giúp nhà văn soi tỏ những góc khuất trong nội tâm nhân vật anh hùng, đưa nhân vật anh hùng trở về với hình ảnh con người đời thường. Thời gian tâm lý giúp nhân vật anh hùng tìm lại được chính mình, hồi tưởng lại cái tôi đã mất đồng thời suy xét, chiêm nghiệm lại bản thân. Trần Thủ Độ, Nguyễn Huệ là những người hay suy xét, chiêm nghiệm bản thân. Qua đó, nhà văn đã trình bày được nhu cầu thế sự của mình trong tiểu thuyết lịch sử.

Thứ hai, thời gian nghệ thuật gian còn giúp nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng một cách điềm tĩnh không gây sốc và bỡ ngỡ đối với bạn đọc. Thời gian tuyến tính kết hợp thời gian tâm lý cho phép nhân vật lớn dần lên trong tầm tư tưởng và nhân cách. Thật khó có thể thông cảm cho nhân vật Lê Lợi của Nguyễn Quang Thân nếu không có thời gian Lê Lợi xuất thân, không có thời gian Lê Lợi dấy nghĩa và thời gian Lê Lợi trải qua khó khăn khi hoàng hậu trầm mình. Cái gian hùng của Lê Lợi khi sống giữa một đám quần thần chia hai phe cánh là cần thiết. Cái dục vọng của một người làm vua “ngứa mà không thể gãi” cùng cái hiềm tị với Nguyễn Trãi của bản chất một kẻ ít học trong Lê Lợi cũng đáng được thông cảm và tiếp nhận. Chính sự “không như mẫu” trong quá trình trưởng thành của hình tượng nhân vật anh hùng cũng đưa đến cho độc giả những cách nhìn nhận khác nhau của nhà tiểu thuyết về lịch sử và thời đại chính nhà tiểu thuyết đó sống. Điều đó mới là điều độc giả quan tâm và chờ đợi ở một cuốn tiểu thuyết.

Thời gian tuyến tính ở tiểu thuyết lịch sử cho phép người đọc theo dõi diễn biến cốt truyện một cách thoải mái, không phải lạc vào một mê trận thời gian. Bởi đặc trưng của tiểu thuyết lịch sử là tiểu thuyết viết về lịch sử. Lịch sử được phản ánh phải rõ ràng. Mà rõ ràng thì cần phải có thời gian tuyến tính. Người đọc

vừa tri nhận được lịch sử mở rộng tầm hiểu biết của mình đúng như mong muốn của các nhà văn trong bối cảnh văn hóa như hiện nay. Đồng thời, người đọc có cơ hội hiểu được những gửi gắm của tác giả thông qua bước phát triển hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử một cách trọn vẹn.

Tiểu kết

Bằng bút pháp nghệ thuật miêu tả, khắc họa, phân tích, giả định, các tác giả Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Quốc Hải đã dựng nên những hình tượng người anh hùng vừa có nét lịch sử, sử thi vừa mang nét đời thường. Việc khắc họa hình tượng nhân vật anh hùng với nhiều điểm hư cấu, sáng tạo đã mang lại thành công cho thể loại tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử, khiến các vĩ nhân trở nên gần gũi và bình dị hơn.

Với nghệ thuật sáng tạo một không gian nghệ thuật mang tính cấu trúc và hài hòa tính lịch sử kết hợp với hư cấu đời thường; việc xây dựng điểm nhìn toàn tri và điểm nhìn bên trong cùng sự chuyển hóa điểm nhìn đầy tính nghệ thuật; việc xây dựng thời gian nghệ thuật đầy tính tiểu thuyết, bỏ qua thời gian sử biên niên… cũng đã góp phần to lớn trong việc xây dựng hình tượng người anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại, đồng thời làm tăng giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm, mang đến cho người tiếp nhận những suy tư, chiêm nghiệm quý báu.

KẾT LUẬN

1. Tiểu thuyết lịch sử hiện đại mang đậm những đặc trưng của thể loại tiểu thuyết (yếu tố hư cấu, yếu tố phản ánh toàn vẹn hiện thực, yếu tố con người cá nhân, yếu tố đa thẩm mỹ). Tiểu thuyết lịch sử hiện đại hướng đến đề tài nhân vật lịch sử nhằm “giải mã” lịch sử, đem lại cho người đọc cái nhìn mới, những cảm xúc thẩm mỹ mới về lịch sử đồng thời không phá vỡ, bôi nhọ lịch sử. Đặc điểm này của thể loại tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi nhà văn phải vừa là nghệ sĩ, vừa là nghiên cứu, có vốn sống và hiểu biết phong phú, có quan điểm lịch sử đúng đắn và tiến bộ.

Văn học Việt Nam sau 1986, đặc biệt từ khoảng đầu những năm 90 thế kỷ XX tới mười năm đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến một mùa gặt mới của thể loại tiểu thuyết lịch sử với nhiều đề tài lịch sử được viết bởi nhiều phong cách phong phú và đa dạng. Trong đó nổi bật lên đề tài viết về người anh hùng lịch sử với bốn tác phẩm kỳ công và làm tốn bút mực của giới nghiên cứu: Bão táp triều Trần, Huyết chiến Bạch Đằng của Hoàng Quốc Hải; Hội thề của Nguyễn Quang Thân và Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác.

2. Với quan niệm về người anh hùng và lịch sử anh hùng khác nhau, ba nhà văn trên đã xây dựng cho tác phẩm của mình hình tượng nhân vật anh hùng sinh động và độc đáo. Dù khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, về bút pháp khắc họa hình tượng nhưng tựu trung lại, họ lại có những nét chung mang tính đại diện tiêu biểu cho hình tượng người anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử. Đó là người anh hùng mang khát vọng lịch sử; người anh hùng với tài trí, phẩm chất và khí phách hơn người; người anh hùng thế sự và người anh hùng có số phận đặt trong dòng lịch sử. Tổng hợp những kiểu hình tượng trên đã tạo nên hình tượng về người anh hùng trong tiều thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam.

3. Nghệ thuật xây dựng hình tượng người anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại nổi bật lên những đặc điểm sau: Bút pháp miêu tả, khắc họa, phân tích và giả định; nghệ thuật xây dựng điểm nhìn; nghệ thuật xây dựng không gian và thời gian. Những đặc điểm nghệ thuật trên đã khắc họa nên hình tượng người

anh hùng riêng biệt, độc đáo, không trộn lẫn từ một nhân vật lịch sử ban đầu, góp phần “giải thiêng” hình tượng lịch sử.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Minh Tuấn, “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác: Sự khám phá nhân cách văn hóa Việt, http://www.vanhoanghean.com.vn

2. Hà Minh Đức (chủ biên) (2012), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

3. Hoài Nam, Bàn về tiểu thuyết lịch sử, Báo Văn nghệ, tr 45.

4. Hoàng Quốc Hải (2010), Bão táp cung đình (tập 1), Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 5. Hoàng Quốc Hải (2010), Huyết chiến Bạch Đằng (tập 4), Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.

7. M. Bkhatin (1998), Lí luận và Thi pháp tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn.

8. Nguyễn Khắc Phê (2000), “Sông Côn mùa lũ - một cuốn tiểu thuyết công phu”, Tạp chí Sông Hương (134), tr. 87-89.

9. Nguyễn Mộng Giác (2003), Sông Côn mùa lũ (tập 1), Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.

10. Nguyễn Mộng Giác (2003), Sông Côn mùa lũ, (tập 2), Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội.

11. Nguyễn Quang Thân (2009), Hội thề, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

12. Nguyễn Thị Kim Oanh, Phương thức lặp lại và nghệ thuật xây dựng chủ đề trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, http://vanchuongviet.org.

13. Nguyễn Văn Hùng, Mã lịch sử và mã văn hóa trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986, http://vannghequandoi.com.vn

14. Trần Cao Sơn (2007), “Quang Trung - Nguyễn Huệ dưới một cách nhìn toàn diện”, Tạp chí Nhà văn (2), tr. 131-143.

15. Trần Đình Sử, Suy nghĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử, http://nguvan.hnue.edu.vn

16. Trần Hữu Thục, Nhân vật Nguyễn Huệ trong “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác, http://www.vanhoanghean.com.vn

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 100)