Không gian bên trên và bên dưới

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 96)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.1.2. Không gian bên trên và bên dưới

Cấu trúc không gian trong các tiểu thuyết lịch sử còn được tạo lập ở hai mảng không gian bên trên và không gian bên dưới. Không gian bên trên gắn với “tầng trên” bao gồm các nhân vật chèo lái lịch sử, quyền lực, cung đình, bão và lũ. Không gian bên dưới gắn với các nhân vật là nạn nhân của lịch sử, với đời thường.

Cặp không gian này đối lập với nhau về trạng thái, về tính chất. Ở trong tác phẩm, người đọc được nhìn thấy một không gian bên trên, ở cung vua phủ chúa trang nghiêm, phép tắc, xa hoa, tráng lệ, “cây cối um tùm, các giống chim quý đua nhau hót, vườn hoa nở rộ đưa hương thoang thoảng. Hành lang, lan can quanh co nối tiếp nhau. Những người lính giữ cửa, lính nội hầu đi lại như mắc cửi. Ngoài cửa cung, vệ sĩ canh gác cẩn mật". “Mọi đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi... đủ kiểu lạ mắt” [9,1001]. Ngược lại ở không gian bên trên, người đọc lại thấy được một không gian khác ở bên dưới, cũng ở Thăng Long, “phố xá buồn thiu, xơ xác (…) những xác chết vô thừa nhận nằm lây lất khắp nơi, máu loang thành vũng kéo đến hằng hà sa số ruồi nhặng. Những con chó hoang đến kề mõm ngửi vào xác chết, do dự gần như bần thần, chán ngán [9,978].

Và cũng trong Sông Côn mùa lũ, làm nền cho không gian bên trên là đạo quân Tây Sơn “rầm rập tiến vào thành mỗi lúc một đông, gươm giáo, gậy gộc, xe cộ, voi pháo chen chúc nhau” [9,925], làm nền cho không gian bên dưới là “những vũng máu loang lổ, rây rắc đây đó trên mặt cỏ”, “quạ đen tranh nhau chổ đậu thuận tiện để bổ nhào xuống những xác chết nằm la liệt đây đó” [9, 925].

Đó là những không gian mô tả cho sự chênh lệch về mặt quyền lực và giai cấp. Như trong hai đám tang của hai ông vua và nhiều đám tang của dân thường. Đám tang của vua Lê Hiển Tôn và vua Quang Trung thuộc không gian bên trên,

nghiêm trang và kính cẩn. Ngay cả khi nhà Lê mạt vận người ta cũng không cho phép thái độ khinh thường len lỏi vào. Một cử chỉ suồng sã cũng có thể bị chém. Đám tang vua Lê “đồ tế lễ tuy đơn sơ, giản dị nhưng lễ nghi thì đều đầy đủ không thiếu sót gì”. Nguyễn Huệ tự cưỡi voi và đem theo ba ngàn quân hộ tống. Đến đám tang vua Quang Trung, “quân đi rầm rập, giáo mác tua tủa”, lệnh nghiêm được ban ra “tuyệt đối không ai được qua lại ranh giới. Ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị chém tại chỗ”. Trong khi đó, ở không gian bên dưới, có những cái chết được chôn vội vã, như cái chết của Lợi, diễn ra trong khung cảnh chiều tàn ảm đạm, hiu hắt và thê lương. Đám tang của những kẻ “bề dưới”, nếu có, thì cũng sơ sài, nhếch nhác và lặng lẽ. Cảnh một lính Trịnh bị chết thật thảm thương, “người ta dùng dây dừa cột hai tay và hai chân người chết lại với nhau, đoạn xỏ đòn tre vào khiêng đi như khiêng một con heo bị chọc tiết. Cái đầu thõng xuống lúc lắc theo nhịp bước, mớ tóc bết vôi rủ xuống tua tủa như bẹ chổi cùn. Hai ông già khiêng xác bước chậm chạp trong chiều vàng vọt" [9, 938]. Như vậy, trong Sông Côn mùa lũ, cặp không gian bên trên và không gian bên dưới tồn tại như một tất yếu, nó gắn chặt với nhau, đối lập nhau. Không gian bên dưới như là hệ quả của những thay đổi, tác động của không gian bên trên. Đó cũng là kiểu đối lập trong không gian nghệ thuật của Hội thề.

Ngược lại với không gian trên dưới đối lập trong Sông Côn mùa lũ, Hội thề

là một không gian thống nhất trong Huyết chiến Bạch Đằng. Nếu không gian bên trên dành cho các bậc lãnh đạo ngày đêm lo lắng cho vận mệnh giang sơn đến mất ăn, mất ngủ thì hỗ trợ cho nó là một không gian đồng sức, đồng lòng bên dưới của người dân. Song song với cảnh lính tránh hăm hở, sục sôi ý chí chiến đấu: “tiếng chiêng trống cứ thay nhau làm huyên náo cả bầu trời và làm dậy sóng cả mặt sông. Quân ta vẫn áp sát giặc, nhảy lên cả những chiếc thuyền lớn của giặc mà đánh” là thế trận thanh dã, thế trận toàn dân đánh giặc: “tinh thần đánh giặc từ nam phụ, lão ấu cứ sôi lên sùng sục đòi phải được góp sức với quân triều đình” [4,464]. Không gian bên dưới đã bổ trợ, tiếp thêm sức mạnh cho không gian bên trên.

Dù đối lập hay bổ trợ, không gian bên trên và không gian bên dưới đều là những sáng tạo nghệ thuật dựa trên chân thực lịch sử của nhà văn nhằm bày tỏ những nét mâu thuẫn, những nguy cơ hay nguyên nhân mà tác giả giả định về lịch sử và qua đó làm rõ tài năng quân sự, tầm tư tưởng của nhân vật anh hùng, lí giải về sự tồn vong của sự nghiệp do nhân vật anh hùng tạo dựng.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 96)