6. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Bút pháp phân tích nội tâm nhân vật anh hùng
Cùng với bút pháp truyền thống mang tính ngợi ca thường thấy trong tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn ít nhiều khai thác khía cạnh con người đời tư thế sự thông qua bút pháp phân tích nội tâm nhân vật như trong Bão táp cung đình của Hoàng Quốc Hải, Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác; Hội thề của Nguyễn Quang Thân. Hai tác phẩm trên đều thiên về khám phá những góc khuất trong đời sống tinh thần của người anh hùng. Đó là những tình cảm, những bi kịch: bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình và bi kịch dân tộc trong hình tượng một nhân vật anh hùng.
Bút pháp phân tích nội tâm cho thấy những trăn trở, day dứt của nhân vật anh hùng lích sử khi đứng trước những biến đổi to lớn của đại cuộc. Đó là những giờ thức trắng của Nguyễn Huệ bên án suy ngẫm về việc nên hay không nên chống lại Nguyễn Nhạc, thống nhất đất nước. Đó là một đêm Thăng Long, Nguyễn Huệ ngồi yên lặng, suy nghĩ hết những chuyện lá thư tuyệt mệnh của Lý Trần Quán đến việc hạ thành Phú Xuân chớp nhoáng, việc trao lại quyền hành cho nhà Lê, việc vua anh suy nghĩ gì khi Huệ muốn lấy Bắc Hà rồi cuối cùng kết luận: “Nặn như vậy có sớm quá không? Nhưng đằng nào cũng phải nặn cái cồi ra thôi”[9, 989]. Hay như lần ông mất ngủ khi nghĩ về việc chống lại vua anh, thống
nhất đất nước: “trời đưa công chúa đến cho ta, ý muốn bảo công lao mở nước từ Quỷ môn quan đến núi Thạch bi không phải kẻ phàm phu nào cũng giữ được. Cái ý thống nhất đã có sẵn trong cuộc hôn nhân này rồi. Thế mà anh ta lại muốn dừng? Một tổ tiên, một phong tục, một tiếng nói, một lịch sử, tại sao phải dừng lại ở Lũy Thầy? Ta dừng lại chăng? Không dừng thì anh ta sẽ nghĩ như thế nào? Sẽ làm gì?[9,1077]. Đứng trước những biến động to lớn của lịch sử, người anh hùng Nguyễn Huệ bao trăn trở, suy tư và cả những giằng xé, nỗi khổ đau giữa một bên là tình huynh đệ, một bên là sứ mạng lịch sử mình phải thực hiện. Nguyễn Mộng Giác quan tâm đến chiều sâu tâm lí nhân vật, đặc biệt là sự đa chiều, đa dạng trong tính cách. Khi đứng trước quyết định tấn công thành Quy Nhơn, chưa bao giờ Nguyễn Huệ cảm thấy cô đơn như vậy: “Ông thức trắng nhiều đêm. Một mình”. Nguyễn Huệ cảm thấy mình yếu đuối: “Dù tự tin bao nhiêu đi nữa, ở vào giờ phút quyết định này, tay ông vẫn run rẩy”. Gánh nặng của trách nhiệm khiến ông ngột ngạt và chua chát. Cõi bên trong của con người ấy đơn giản vẫn là một thân phận phải chịu những áp lực đời thường.
Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đều có những đêm độc thoại trong suy nghĩ một mình khi đứng trước ngã ba đường. Cũng qua những lần độc thoại nội tâm ấy, nhân vật anh hùng mới tìm được con đường đi đúng đắn của mình, đưa đại cuộc lên một tầm cao mới. Phân tích độc thoại nội tâm không chỉ cho thấy hình ảnh một anh hùng canh cánh nỗi lo dân nước, những do dự, băn khoăn của những người chèo lái con thuyền đại cuộc mà còn lí giải được sự phát triển của các bước ngoặt lịch sử, tiểu thuyết hóa lịch sử.
Bút pháp phân tích nội tâm còn cho thấy những trăn trở hết sức đời thường của nhân vật anh hùng. Nhà văn đi vào khai thác thế giới nội tâm đầy mất mát, đổ vỡ, lắng nghe tiếng thở dài của số phận con người để nhận ra sự mất thăng bằng của lịch sử khiến câu chuyện lịch sử trở thành những câu chuyện đời người. Nguyễn Mộng Giác đã tập trung miêu tả, phân tích tâm trạng của hai nhân vật An và Huệ khi nhớ về mối tình đầu. Kĩ niệm mà Huệ và An nhớ nhất là “cái rụt tay” của An khi Huệ nắm lấy. Khi từ giã Kiên thành chạy trốn lên Tây Sơn thượng,
Huệ thấy mối quan hệ giữa mọi người với gia đình mình đã đổi khác, lời lẽ trang trọng, xa cách, e dè, vị nể hơn. Cho nên khi gặp An, trước câu hỏi đường đột, tự nhiên, gần gũi của An: “Chuyện hồi sáng, tại sao phải làm vậy?”, Huệ bỗng nhớ lại cái đêm ấy, “cái đêm An rụt tay về và lí nhí bảo: “Đừng, anh Huệ!”, chưa có dịp nào để An và Huệ đứng riêng với nhau để nói một câu vu vơ, riêng tư”... Còn An, trong lần hồi hương, Huệ đến thăm hai chị em, đêm đó, một mình An thao thức, trăn trở khi phải “đối diện với cái sự thực nồng nàn nhưng hứa hẹn bao nhiêu khốn khổ xao động này”, An nhớ lại một mớ những kĩ niệm giữa hai người: “Đây là chỗ anh ngồi nghe cha giảng sách, đây là chỗ anh bắt gặp em đang thổi lửa nấu cháo cho Lãng, đây là chỗ em ngại ngùng bảo “Đừng, anh Huệ ạ”. Những lúc cô đơn, thèm khát được chia sẻ, được hoà đồng, được yêu thương, cả Huệ và An nhớ về kĩ niệm ấy như tìm lấy hơi ấm, tìm lấy một chỗ dựa tình cảm trước những phút chông chênh của cõi lòng. Ngày đưa tang vua Quang Trung, An hoà vào dòng người đưa tiễn, “thì thầm nhắc lại một trận bão rừng, chuyện hiểu lầm chung quanh cây gạo, tập thơ Đỗ Phủ, đêm ngập ngừng bảo nhỏ: “đừng, anh Huệ ạ!”… như lời chia sẻ về một mối tình, một nỗi đau trong tuyệt vọng.
Nguyễn Huệ khi được tin An lấy chồng, đã “ngồi như vậy thật lâu, mắt nhìn vào các bấc đèn chăm chú, đến nỗi các bấc sáng nhòe làm hai, làm ba. Lần đầu tiên trong đời anh không tin ở mình. Anh thấy mình ngờ ngệch, dại dột, quá tin ở sức mạnh của tình cảm, của ý chí. Nàng lầm lẫn về hắn hay ta lầm lẫn về nàng? [8,518]. Không trả lời được, Huệ đã đi tìm thầy mục đích để gặp An cho vơi nỗi lòng nhưng tự trọng, kiêu hãnh đã ngăn anh: “Ta đến đây làm gì? Để nói gì với thầy? với nàng? Ta có điên chưa mà toan tính rồ dại vậy?...”[8,519]. Khi sờ tay vào túi thấy lá thư Lãng, anh đã “run lên vì ý nghĩ:… Hay họ đã thu xếp từ trước mà vẫn giấu ta?... Huệ đọc đi đọc lại, lòng buồn rười rượi. Đọc xong, anh ngồi thừ bên đèn, mắt nhìn thẳng tới trước mà không trông rõ gì.”[8, 519]. Tình yêu đầu tiên tan vỡ đau xót đã gieo vào lòng Huệ sự thương xót với An cho đến tận khi lên ngôi và mất. Những ẩn ức chưa được thổ lộ về tình yêu với An luôn dậy
sóng trong lòng Huệ mỗi lần anh gặp An. Và cũng chính vì tình yêu này, Huệ đã cứu giúp An, Lãng, bảo bọc, trở che cho họ suốt những năm tháng loạn lạc, chiến tranh. Nhà văn, qua phân tích nội tâm đã xây dựng lên một Nguyễn Huệ trọng nghĩa, trọng tình, thủy chung và sâu sắc mà bất kỳ nhân vật Nguyễn Huệ nào trước đó cũng chưa từng làm được.
Khác với Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Quang Thân chủ yếu phân tích khát vọng bản năng, nhận định của Lê Lợi vai trò của tầng lớp võ biền và kẻ sĩ. Hoàng Quốc Hải lại tập trung xây dựng một Trần Thủ Độ luôn có những trăn trở, soi chiếu nhân cách mình trong những việc mình làm và cảm thấy tội lỗi, day dứt, hối hận được thể hiện trong các trang 157, 214, 215, 216, 283 của tác phẩm Bão táp cung đình. Tất cả nhằm lí giải cho những động cơ của nhân vật anh hùng trong bước tiến lịch sử và tạo nên một hình tượng người anh hùng lịch sử dưới ánh sáng nhân học.