Khát vọng lịch sử

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 43)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Khát vọng lịch sử

Người anh hùng mang khát vọng lịch sử là những con người có tầm vóc khổng lồ về bản lĩnh, tài trí và khát vọng. Nói đến tầm vóc là nói đến cái lớn lao. Một con người bình thường, với ý chí, nghị lực và tính cách bình thường thì không thể là người có tầm vóc. Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải… trong Bão táp cung đình, Huyết chiến Bạch Đằng; Lê Lợi, Nguyễn Trãi trong Hội thề; Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ… là những con người khổng lồ của lịch sử. Khát vọng lịch sử chảy trong máu họ, trong khối óc và trái tim họ hừng hực như lửa cháy, như bão cuốn không gì có thể dập tắt được.

Từ vị trí điện tiền chỉ huy sứ, Trần Thủ Độ với khát vọng phế Lý, lập Trần nhằm mục đích mang lại yên ổn cho xã tắc đã dựng nên triều đại thịnh vượng, lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử. Khát vọng ấy được thể hiện trong bản lĩnh của ông khi đứng trước mặt vua Lý: “Phải lấy non sông xã tắc làm trọng. Bệ hạ phải thoái vị.” [44]. Ông đã ép được Lý Huệ tôn phải lập chiếu nhường ngôi cho con. Để chuyển quyền thế sang tay nhà Trần, Trần Thủ Độ đã cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng. Để giữ gìn ngôi báu cho nhà Trần, Trần Thủ Độ đã ép Trần Cảnh lấy Lý Thuận Thiên, chị Chiêu Hoàng và là vợ Trần Liễu. Cũng để quyền lực tập trung trong tay nhà Trần, Trần Thủ Độ cho cháu lấy cô, anh lấy em. Bản thân mình cũng lấy Trần Thị Dung là chị họ đồng thời

là vợ Lý Huệ Tôn làm đảo lộn thuần phong mỹ tục. Thậm chí, ông không ngại thực hiện những việc ác độc khác như bức tử Huệ Tôn, lập mưu giết sạch các hoàng tôn phò nhà Lý… Khát vọng tập trung quyền lực trong tay những người có đức, có tài trị vì và mang lại cho dân cuộc sống ấm no, yên bình đã khiến Trần Thủ Độ vượt qua những rào cản của lễ giáo thông thường. Những việc làm của Trần Thủ Độ khi xưa vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong lịch sử khi bình công và tội. Nhưng trong tiểu thuyết lịch sử của mình, Hoàng Quốc Hải dã dành cho nhân vật đầy tham vọng và khát vọng này những tình cảm ưu ái. Và bởi vậy, dường như, khi đọc xong Bão táp cung đình, độc giả đã nhận được ngay câu trả lời: Trần Thủ Độ là một anh hùng và những điều ông làm không sai. Chẳng qua, không triều đại nào muốn nói nó là đúng vì họ sợ lại có một Trần Thủ Độ khác đi ngược lại với quan điểm trung quân của Khổng Tử mà thôi. Quả thực, Trần Thủ Độ không hề có tội bởi động cơ gây nên những hành động đó bắt nguồn từ khát vọng muốn làm cho lịch sử thay đổi tốt hơn lên. Nếu có trách chỉ trách TrầnThủ Độ nhiều lúc vô tình, không hiểu được nỗi lòng đau xót của con cháu khi bị bề trên chia uyên, rẽ thúy. Tuy nhiên, bằng tấm lòng, trái tim luôn hướng về lẽ phải, lấy sự an nguy, yên ấm của xã tắc làm trọng, Trần Thủ Độ đã xóa mờ được những hiềm khích cá nhân trong nội bộ nhà Trần. Nhờ đó, khát vọng thay đổi lịch sử, làm lịch sử trở nên chói lọi đã được những thế hệ vua, quan tiếp nối nhau truyền lửa và thực hiện. Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật… đều là những bậc anh hùng trong lịch sử đấu tranh chống Nguyên Mông và xây dựng đất nước.

Bão táp triều Trần đã xây dựng hình tượng nhân vật của mình bằng nền móng khát vọng lịch sử. Vậy, trong Sông Côn mùa lũ, cái gì đã tạo nên một Nguyễn Huệ anh hùng? Chắc chắn trong các nguyên nhân đó phải có khát vọng lịch sử.

Khát vọng lịch sử đã được nhen nhóm trong lòng Huệ từ ngày bé khi thấy cảnh lính bắt dân nghèo, đánh dân nghèo vì không nộp đủ thuế. Khát vọng ấy

còn được thể hiện trong những tranh luận của Huệ với thầy giáo Hiến. Giáo Hiến được coi là người có ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Huệ về mặt tư tưởng. Được xây dựng dựa trên hình mẫu có thực về thầy dạy võ của Nguyễn Huệ nhưng giáo Hiến trong Sông Côn mùa lũ phần nhiều đều được hư cấu. Qua nhân vật Giáo Hiến, Nguyễn Mộng Giác muốn lý giải sự ảnh hưởng của Nho giáo lên tầm nhìn và hành động của Nguyễn Huệ trong đó có việc bồi dưỡng khát vọng lịch sử có trong huyết quản Nguyễn Huệ.

Trong một lần, bàn về chuyện "du hiệp", khi nghe thầy muốn dạy mình về sử Nam, Huệ hân hoan: "Con chỉ mong có vậy (...) Tại sao ta không học sử nước mình mà lại tụng làu làu Bắc sử? Tại sao không học chữ nước mình? Cái loại chữ thường gọi là "chữ ta", thưa thầy, thực ra đâu phải là chữ ta. Đọc lên phải diễn nghĩa ta mới hiểu, đâu có được rõ ràng như mình nói "hột muối, lá trầu, con cá, cây măng"(174). Tư tưởng trọng sử Nam, trọng truyền thống của Huệ đã khởi sinh cho khát vọng muốn xây dựng một quốc gia thống nhất của riêng người Nam sau này.

Vào thời điểm Tây Sơn chuẩn bị khởi nghĩa (1773), một hôm Huệ lại đến thăm thầy và lần này, Huệ đã bộc lộ rõ khát vọng của mình. Huệ đặt câu hỏi: "Chúng ta muốn gì" khi khởi nghĩa? Muốn làm một bọn cướp núi kiểu Lương Sơn Bạc? Hay một đám cướp biển lớn? Anh tự trả lời: "Theo ý con thì khi nào chưa hiểu ta muốn gì, thì cứ lúng ta lúng túng, lúc làm cái này, lúc lại làm ngược lại" [8, 324] "...giả sử mình đánh bạt quân triều, đuổi hết được lũ chức sắc đi, lúc đó mình làm gì nữa?Lại dùng giáo mác đó dí vào lưng vào cổ dân đen để bắt nộp thuế à? Lại dùng voi ngựa đó để xênh xang cho sang trọng à? Bấy giờ thiên hạ sẽ nghĩ: ờ, tưởng có gì lạ, hóa ra chỉ thay người đóng tuồng mà thôi. Cũng bấy nhiêu mặt mũi, râu ria, áo mũ ấy thôi" [8, 324]. Chính suy nghĩ này đã khiến Huệ khác Nguyễn Nhạc, khác Nguyễn Hữu Chỉnh, khác Nguyễn Ánh… Nó phản ánh khát vọng muốn phá dỡ để xây dựng lại lịch sử mới hơn, công bằng hơn theo ý của riêng Huệ. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng hơn khi Huệ là người trực tiếp cầm quân đánh bọn Trương Phúc Loan:

"...chỉ có những ai đủ tiền dựng nhà mới băn khoăn không biết nên đốt quách cái cũ xây cái mới hoặc nên xem xét dùng lại mấy cây cột, cây kèo, rui mè, cửa ngõ. Còn đối với những kẻ vô gia cư, bị đẩy đi lang bạt nơi đầu đường xó chợ như đa số anh em nghĩa quân, thì đốt hay không đốt không cần bận tâm. Họ sẽ tìm một chỗ đất trống, và xây hẳn một cái nhà mới" [8, 542 - 543].

Những con người như Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Nguyễn Huệ thường đóng vai trò dấn thân hoặc mở đường cho một bước ngoặt trong lịch sử. Tính cách ưa thích sự thẳng thắn, rạch ròi trong lý luận, nhìn sự vật bằng con mắt thấu đáo, nhìn toàn cuộc bằng con mắt bao quát để nhận ra bản chất vận động của nó cộng với khát vọng muốn thay đổi để gây dựng lại từ đầu đã giúp Nguyễn Huệ thay đổi lịch sử. Huệ áp dụng rất nghiêm túc và đầy quyền biến những suy nghĩ của mình ở trên vào việc cầm quân lần đầu tiên khi được nắm quyền: "Theo nghiêm lệnh của Huệ, không ai dược chạm đến một cây kim sợi chỉ của dân. Xin nước cũng phải lễ phép thưa gửi với chủ nhà, uống xong phải cảm ơn" [8, 342]. Huệ ra lệnh mang hết sổ thuế của dân làng ra đốt. Trong một lần nói chuyện với anh, Huệ cho rằng anh không nên dùng đồng tiền thuế để đầu tư, vì "đồng tiền thuế vấy đờm, vấy máu của nhiều người, không sạch, không nên động đến" [8, 178]. Và qua thời gian, qua các cuộc chiến, quan điểm của Huệ càng ngày càng định hình, khát vọng thay đổi lịch sử ngày càng thể hiện rõ trong những bước hành quân, những lần bất tuân lệnh vua anh và trong cách tổ chức triều đại mới khi lên ngôi vua.

Khát vọng của các bậc anh hùng đã trở thành tham vọng thúc giục họ vươn lên ghi dấu chân của mình trong lịch sử dân tộc. Khi cho xây thành Chà Bàn, thủ đô của triều đại mới, ngay trên kinh đô cũ của vương quốc Chàm, Nguyễn Nhạc giải thích: "Vì chúng ta phải cố gắng khôi phục lại vương quốc đã từng một thời thịnh trị kéo dài từ đất Thuận Hóa cho đến Bình Thuận. Kinh đô của vương quốc ấy ở đây". Nguyễn Huệ thắc mắc: "Như vậy biên cương của chúng ta phía bắc ra đến Thuận Hóa, còn phía Nam chỉ vào đến Bình Thuận thôi sao?"[8, 953]. Và mặc cho anh hờn lẫy, giận dỗi, khi đã sổ lồng ra

chiếm Phú Xuân và ra Bắc, Nguyễn Huệ quyết định không theo anh vào lại Quy Nhơn kéo theo hầu hết quân tướng dưới quyền cũng ở lại Thuận Hóa. Nguyễn Mộng Giác đã mô tả rất ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa, buổi chia tay lịch sử này: "Nhà vua nhìn thẳng vào mắt em. Nguyễn Huệ không tránh, nhìn thẳng vào đôi mắt xoi mói của nhà vua, nói chậm và rõ: - Kính chúc Hoàng thượng thượng lộ bình an. Nhà vua bậm môi không nói gì, quay gót bước về phía cổng.". Khi Nguyễn Nhạc vào lại Quy Nhơn rồi, Nguyễn Huệ dứt khoát thái độ: chống lại anh. Tâm trạng rối bời của Nguyễn Huệ được diễn tả qua độc thoại nội tâm sau: "Ta dừng lại chăng? Ta bằng lòng đứng bên này Lũy Thầy nhìn ra phía bắc như một kẻ ngoài cuộc, để mặc cho Nguyễn Hữu Chỉnh, họ Lê, họ Trịnh, quận Thạc, quận Liễn cùng lũ quan thị xâu xé nhau giữa một đất nước tan hoang? (...) Một tổ tiên, một phong tục, một tiếng nói, một lịch sử, tại sao lại phải có Lũy Thầy?" [9, 1499-1501]. Và thêm một lần nữa, khát vọng lịch sử, tham vọng mở rộng bờ cõi và xây dựng một đất nước như đúng niềm mơ ước của mình đã trả lời giúp Nguyễn Huệ. Ông đã dứt áo ra đi bỏ lại người anh - người đã nuôi nấng, bảo bọc và thương yêu ông từ nhỏ đến lớn, là "quyền huynh thế phụ" dù trong lòng "Máu chảy ruột mềm, dứt tình nghĩa với nhà vua ta đau xót lắm.” và vì tham vọng chính trị, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ chia lìa. Đến đoạn lịch sử đau buồn này, tác giả Nguyễn Mộng Giác tạm bước ra ngoài thế giới tiểu thuyết, để đưa ý kiến riêng mình. Theo ông, phải xem biến cố "nồi da xáo thịt" là một "điều chẳng đặng đừng" để tiến tới viễn tượng thống nhất. Không nên tìm cách đổ lỗi cho Nguyễn Nhạc. Nguyễn Mộng Giác khẳng định "Tất cả trách nhiệm của biến cố này thuộc về Nguyễn Huệ: một mình Nguyễn Huệ!" [9,1572]. Vì sao? Vì "Nếu Nguyễn Huệ xứng đáng nhận lấy vinh quang vì can đảm hy sinh cái tiểu tiết để phụng sự đại cuộc, thì chính Nguyễn Huệ cũng phải một mình chịu trách nhiệm về sự yếu đuối của mình. Ông dám bất tuân lệnh vua anh vượt qua Lũy Thầy, nhưng không đủ sức mạnh ý chí và sự lạnh lùng để vượt qua cái lũy vô

hình là tình ruột thịt, thanh toán nội bộ sau biến cố quan trọng này, tất nhiên không thể tránh khỏi"[9,1575].

Những người anh hùng như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… đại diện cho tầm vóc và ao ước lớn của dân tộc, tên tuổi được ghi vào sử sách. Có người trở thành anh hùng thời đại, có người phải đón nhận cái chết trước bình minh, nhưng kiểu nhân vật này đã chứng tỏ tầm quan trọng của cá nhân với tập thể, tạo tầm tư tưởng cho tác phẩm. Nhân vật mang khát vọng lịch sử còn thể hiện những tìm tòi sáng tạo của nhà văn trong quá trình “giải mã” căn nguyên lịch sử, góp phần lí giải tính tất yếu để nhận thức sâu sắc hơn quá trình vận động của lịch sử.

2.2. Hình tượng nhân vật anh hùng với tài năng, tính cách, phẩm chất và khí phách hơn người

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 43)