Điểm nhìn trong xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 83)

6. Kết cấu của luận văn

3.2. Điểm nhìn trong xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng

Điểm nhìn nghệ thuật là vị trí nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. [6,113]

Có nhiều loại điểm nhìn nghệ thuật được chia theo tùy từng vị trí nhìn trong không gian, thời gian, chủ thể nhìn, tâm lý nhìn và tư tưởng nhìn khác nhau. Tuy nhiên sự phân biệt điểm nhìn hoàn toàn mang tính tương đối vì hầu như không có tác phẩm nào chỉ sử dụng một điểm nhìn mà các điểm nhìn được di động, sử dụng linh hoạt, phối hợp với nhau phục vụ cho ý đồ sáng tạo của người nghệ sĩ.

Có thể thấy rằng, điểm nhìn cơ bản nhất của tiểu thuyết lịch sử đó chính là điểm nhìn toàn tri, nhìn lịch sử từ một điểm nhìn như đã hoàn tất.

3.2.1. Điểm nhìn toàn tri

Điểm nhìn toàn tri là điểm nhìn thấu suốt, điểm nhìn biết tuốt hay điểm nhìn trần thuật xuất phát từ đằng sau tác giả. Với cách trần thuật và điểm nhìn toàn tri, lịch sử được hiện diện như những gì xong xuôi, hoàn tất. Nhà văn luôn có ý thức giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử. Đó là điểm nhìn trong Bão táp cung đình, Huyết chiến Bạch Đằng, Sông Côn mùa lũ, Hội thề.

Điểm nhìn này thường gắn liền với cách kể có phần dưng dưng, điềm đạm để mang lại cho tác phẩm độ chân thực lịch sử nhất định, đảm bảo sự logic, rõ ràng của lịch sử. Trong Sông Côn mùa lũ, điểm nhìn toàn tri giúp người đọc hình dung lại bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVIII khi Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa một cách khá chân thực và logic. Qua miêu tả, trần thuật của Nguyễn Mộng Giác, các nhân vật kết nối với nhau đầy tính logic để đưa đến một cái kết đúng như lịch sử. Đó là quan hệ của Nguyễn Huệ và thầy giáo Hiến để phản ánh một con người Nguyễn Huệ đầy triết lý, thực tiễn và luôn nằm giữa hai trạng thái đối lập: đề cao Nho giáo và xem thường đạo Nho của người trí sĩ. Những tính cách đó đã đưa Nguyễn Huệ đến những hành động cầu người hiền nhưng đồng thời cũng lợi

dụng người hiền, chỉ trích người hiền như trường hợp của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp. Nó cho thấy được mâu thuẫn lớn về mặt tư tưởng của Nguyễn Huệ, chi phối cách làm của Nguyễn Huệ. Ông vừa muốn xây lâu đài hào nhoáng cho mình vừa muốn người dân không phải đóng góp gì cho bọn thống trị. Điểm nhìn này phản ánh một Nguyễn Huệ đầy mâu thuẫn ở mặt tư tưởng. Quan hệ thứ hai là quan hệ giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc. Đó là mối quan hệ ảnh hưởng qua lại, ảnh hưởng và cũng đầy mâu thuẫn về mặt quyền lực, mâu thuẫn về hành động. Quan hệ đó đã đưa Nguyễn Huệ đến những thành công vang dội của lịch sử nhưng đồng thời cũng lâm vào bi kịch đau đớn nhất trong lịch sử - bi kịch gia đình. Quan hệ thứ ba là quan hệ của Nguyễn Huệ đối với lớp những nhân vật hư cấu. Mối quan hệ giả định này đem lại một cái nhìn khác truyền thống về con người Nguyễn Huệ - nhìn ở bình diện đời tư, đời thường với những diễn biến tâm lý phức tạp…. Đặt nhân vật trong những mối quan hệ nhằm lí giải được nhân vật, soi chiếu nhân vật ở nhiều phía, nhiều góc cạnh, đưa đến cái nhìn tổng thể, toàn tri về nhân vật và thời đại nhân vật đó đang sống. Thời đại nhân vật Nguyễn Huệ sống là một thời đại đầy biến cố, đầy mâu thuẫn trong đó con người luôn bị lịch sử cuốn đi và luôn hoài nghi, suy nghĩ, chiêm nghiệm về bản thân mình.

Đọc kỹ tác phẩm chúng ta còn thấy rõ một điều: điểm nhìn của người kể chuyện xoáy sâu vào những người dân bình thường, những thân phận nhỏ nhoi chịu đựng áp lực nặng nề của chiến tranh và tâm trạng trí thức thời loạn, những người nhạy cảm nhất trước những vấn nạn chính trị chứ không phải tô đậm những chiến công, có nghĩa điểm nhìn không chỉ dừng lại ở sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử mà quan trọng hơn là đời sống dân chúng, những người trực tiếp hay gián tiếp chịu sự tác động của lịch sử, đi sâu tâm trạng của họ trước, sau mỗi biến cố lớn của thời đại, trong đó có tâm trạng trí thức thời loạn để từ đó thấy được nỗi niềm chung của con người trong và sau chiến tranh của bất cứ thời tao loạn nào. Điểm nhìn toàn tri này cho độc giả thấy rằng, hóa ra đằng sau những chiến công không phải lúc nào cũng nụ cười, cũng niềm vui. Nhân vật Lãng (ngoài người kể chuyện có lẽ nhân vật này thể hiện rõ nhất bóng dáng tác giả) thuộc típ

người mẫn cảm, trung thực, luôn hướng đến những điều lí tưởng thuần khiết, là người bạn người thư kí trung thành gần gũi của Huệ, luôn gắn với những chiến công nhưng rồi chính anh lại chẳng nhận được điều gì từ niềm vui chiến thắng, trở thành người vô gia cư, người thừa. Say mê Chiếu khuyến nông nhưng chính Chiếu khuyến nông lại đẩy anh vào hạng du thử du thực. Hóa ra giữa lí tưởng và hiện thực, giữa cái vĩ đại và cái thường ngày đôi khi còn khoảng cách khá xa. Dẫu rằng nhân vật vẫn một lòng tin tưởng, ngưởng mộ Huệ, vẫn một lòng hướng về lí tưởng nhưng cái kết cục của nó vẫn gợi nhiều ngậm ngùi xót xa. Nhờ vào điểm nhìn toàn tri, tác giả Sông Côn mùa lũ đã cho độc giả có cái nhìn toàn cục về bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVIII để thấy được những điều căn bản nhất đằng sau biến cố lịch sử và đồng thời nhìn nhận về hình tượng người anh hùng toàn diện hơn ở mọi khía cạnh.

Điểm nhìn toàn tri trong tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân lại mang lại cho độc giả một cái nhìn mới. Lịch sử với những khuất lấp của nó được Nguyễn Quang Thân sáng tạo và nhìn nhận dưới góc độ cá nhân. Mặc dù cũng đi đến một cái kết như lịch sử: Lê Lợi và đội quân của ông đã hoàn thành sứ mạng lịch sử nhưng điểm nhìn toàn tri trong tác phẩm đã mang người đọc đến với những nhìn nhận mới về lịch sử. Qua điểm nhìn toàn tri, Nguyễn Quang Thân đã chỉ ra cho độc giả thấy một Lê Lợi hiệt kiệt, tài trí, uy vũ nhưng cũng gian hùng như hầu hết những kẻ làm vua, cũng thô ráp như hầu hết những anh võ biền, nông phu khác trong các mối quan hệ, trong hành động và suy nghĩ của nhân vật. Nó còn chỉ ra một bộ máy chính quyền đầy mâu thuẫn, tị hiềm luôn trực bùng nổ và lí giải cho một cái kết đau đớn của đời sau: người trí thức Nguyễn Trãi bị mưu hại. Điểm nhìn toàn tri đã giúp nhà văn soi rõ, lí giải được sự vận hành lịch sử và mang đến những dự báo cho tương lai.

Trong Bão táp cung đình, điểm nhìn toàn tri đã chỉ ra những khuất lấp đằng sau một Trần Thủ Độ vừa tàn bạo vừa hiệt kiệt, mang đến một cách nhìn nhận khác đối với nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi về công và tội. Điểm nhìn toàn tri không chỉ cho thấy toàn diện sự thay đổi theo chiều hướng đi lên của lịch sử từ

một triều đại mục ruỗng sang một triều đại mới hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp mà còn giúp xây dựng một hình ảnh Trần Thủ Độ khác, nghiêng về công hơn về tội. Đó là cái nhìn thấu suốt những trăn trở nội tâm của Trần Thủ Độ trước khi làm những việc mà thời đó, lịch sử cho rằng nó kinh thiên động địa để thấy rằng Thủ Độ đã không sai và không là kẻ táng tận lương tâm như sử sách nói. Đó cũng là cái nhìn bao quát toàn bộ bối cảnh bao gồm không gian và thời gian về triều đại nhà Trần với những nhân tài, những vận động trong các mối quan hệ vừa thống nhất vừa đầy mâu thuẫn.

Tựu trung lại, điểm nhìn toàn tri mang lại cho người đọc cái nhìn vừa khái quát vừa chi tiết về bối cảnh lịch sử nói chung và người anh hùng trong bối cảnh lịch sử ấy nói riêng. Cái nhìn có thể nhằm đưa ra những lí giải khác nhau về đối tượng lịch sử nhưng bao giờ nhà văn cũng tôn trọng cái kết của lịch sử, tôn trọng sự chân thật của lịch sử.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 83)