Bút pháp miêu tả khắc họa hình tượng nhân vật anh hùng

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 76)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.1. Bút pháp miêu tả khắc họa hình tượng nhân vật anh hùng

Trong xây dựng hình tượng, bút pháp khắc họa miêu tả vô cùng quan trọng. Qua bút pháp miêu tả khắc họa, nhân vật không những hiện lên trực quan, sinh động khiến người đọc có thể sờ nắn được mà còn giúp phản ánh những yếu tố cá nhân như tính cách, tâm lý của nhân vật đó. Đồng thời, qua miêu tả khắc họa, tác giả cũng ngầm dự báo được cuộc đời và sự vận động của cá nhân ấy trong tác phẩm của mình. Nguyễn Du chỉ một từ “tót” trong câu “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” khi miêu tả Mã Giám Sinh đã khắc họa được một hình ảnh cực kỳ sinh động về tên buôn người và giết chết hắn. Hoặc chỉ qua một câu “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” đã gói trọn sự phúc hậu, đoan trang, thùy mị trong tính cách Thúy Vân và dự báo một cuộc đời đầy đặn, ấm êm. Quả thật, nghệ thuật miêu tả khắc họa trong văn học là một thứ phương tiện lợi hại không gì thay thế được trong xây dựng hình tượng nhân vật đặc biệt là hình tượng nhân vật anh hùng. Có thể nhận thấy một số điểm chung khi miêu tả hình tượng nhân vật anh hùng trong bốn tiểu thuyết lịch sử Bão táp cung đình, Huyết chiến Bạch Đằng, Hội thề và Sông Côn mùa lũ như sau:

Thứ nhất, nhân vật anh hùng đều được miêu tả có ngoại hình đặc biệt toát lên được uy vũ khác thường. Hoặc toát lên sự tin cẩn cần thiết của một bậc anh

hùng chính nghĩa. Lê Lợi là người: “có dáng đi như hổ, cả những cái hất tay mạnh và dứt khoát như hổ vờn mồi”[10,93]. Không miêu tả Nguyễn Huệ ở khía cạnh uy vũ, cũng không giống cái nhìn của dã sử "Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...", Nguyễn Mộng Giác chỉ miêu tả Huệ với những chi tiết toát lên vẻ thông minh, tự tin, gan dạ và khuôn mặt khiến người đối diện cảm thấy nể trọng, tin tưởng: “Đôi mắt sáng rỡ nhìn vào ông giáo chờ đợi. Trên má, mấy nốt mụn thâm tím hiện lờ mờ lên làn da nâu. Một mảng tóc quăn phủ xuống cái trán rộng. Nhìn chung, Huệ rất giống hai anh, nhưng có những phần trên gương mặt Huệ đậm lên một chút, đầy lên một chút, khiến từ khuôn mặt ấy, toát lên sự cân đối linh động không có trên khuôn mặt Lữ, và niềm tin cẩn vững vàng không có trên khuôn mặt Nhạc.”[8,104] Chính những nét trên, Nguyễn Mộng Giác đã dự báo được cuộc đời của Huệ: Huệ không gian hùng như Nhạc, Huệ có được lòng tin ở bậc hiền tài và Huệ cũng luôn thích nghi được với mọi hoàn cảnh không như Lữ.

Thứ hai, nhân vật anh hùng được miêu tả với tính cách gian hùng, khó nắm bắt. Đó là cách miêu tả Trần Thủ Độ khi nói chuyện với kẻ muốn xin giữ chức câu đương. Đang hỏi han bình thường, khi thấy tên họ hàng đã đạt đến đỉnh của sự tự tín, ông liền “nghiêm mặt, lanh như tiền, nói dõng dạc” việc xin một ngón tay của hắn làm hắn “về nhà vẫn như thằng mất hồn”. Đó là cách miêu tả của Nguyễn Quang Thân đối với nhân vật Lê Lợi: “Cái cười của ông thường rất đúng chỗ, bên trong khi thật khi giả khó lường nhưng bao giờ ở bên ngoài cũng có vẻ thật”[10,117]. Và vì là chủ tướng của một nôi bộ đầy mâu thuẫn, cái gian hùng, khôn khéo của Lê Lợi càng được thể hiện rõ: “Lê Lợi thoáng một cái chau mày nhưng ông nén lại được, tận đáy lòng ông vẫn thích khi được các quần thần tâu bẩm, cóm róm”[10,15], “ông thường bỗ bã bờm xơm như một nông phu nhưng trong nháy mắt đã có ngay được vẻ mặt lạnh như tiền”.

Thứ ba, nhân vật anh hùng được đều có những giây phút suy tư, suy ngẫm, tự vấn đầy nội tâm. Tiêu biểu cho dạng anh hùng hay suy ngẫm là Nguyễn Huệ

trong Sông Côn mùa lũ. Trong cả cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Mộng Giác ít khi miêu tả Nguyễn Huệ ở những phút đùa vui, những phút hào hùng xông trận, ông tập trung vào miêu tả một Nguyễn Huệ luôn trầm tư suy nghĩ, hết chuyện đại cuộc cho đến chuyện tình cảm riêng tư… Trong tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Huệ ít được nghỉ ngơi. Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Nguyễn Trãi cũng là những con người hay tự vấn, hay suy ngẫm trong đêm khuya. Trần Thủ Độ suy nghĩ về những việc mình làm, những việc sắp đến với khuôn mặt cúi xuống và đôi chân bước đi bước lại. Lê Lợi suy ngẫm về phương cách giải quyết mối xung đột giữa trí thức và nông dân với dáng ngồi trầm tư nơi án. Nguyễn Huệ suy ngẫm với một vẻ mặt trầm ngâm, băn khoăn, dáng ngồi bất động… Mỗi nhân vật anh hùng đều có những thời khắc hao mòn tâm trí cho đại cuộc như vậy. Ngòi bút miêu tả hình ảnh suy tư của họ cho thấy những bước đi không bằng phẳng của lịch sử, khắc họa được hình ảnh một người anh hùng vì nước, vì dân.

Thứ tư, nhân vật anh hùng được miêu tả hết sức đời thường với nhiều khao khát và dục vọng. Nguyễn Quang Thân đã để lại ấn tượng đậm nét cho người đọc khi miêu tả Lê Lợi, đó là cái nhìn Thị Lộ đầy dục vọng: “Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ giống như khi ông muốn xé một con gà luộc bốc hơi nghi ngút vừa được mụ Lý quẳng vào rá”[10,11]. Cái nhìn của Lê Lợi đã lột trần con người ông, biến ông từ bậc uy dũng trở thành kẻ tầm thường, với những ham muốn tầm thường của con người. Hoặc trong hình ảnh: “Bình Định Vương vồ lấy đôi đũa trên tay bà (Thị Lộ), gắp bánh. Nhưng ông vụng về, miếng bánh rơi xuống sàn gỗ. Ông cáu tiết vứt đôi đũa, lấy tay nhón bánh ăn ngấu nghiến”[10,12] đã đưa được cái chất nông dân võ biền của Lê Lợi vào tiểu thuyết lịch sử. Còn với Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác, với ngòi bút tài hoa, trí tưởng tượng phong phú và sự tìm tòi công phu đã vẽ nên một bức tranh đời sống tình cảm sống động của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đó là cái mạnh bạo hiếm thấy của Huệ trong đêm đầu tiên đứng gần An. Đó là những phút gặp mặt An sau này đầy tâm trạng. Hoặc ngay lần đầu tiên gặp Ngọc Hân, Nguyễn Huệ không kìm nén được cảm xúc thật của một người đàn ông trước một dung nhan xinh đẹp, lá ngọc cành vàng. Nguyễn Huệ

xúc động đến nỗi “nhịp tim đập mạnh”. Việc miêu tả nhân vật anh hùng với những nét đời thường đã mang lại cho lịch sử chất nhân văn sâu đậm khiến nhân vật như được sống lại tràn đầy sinh khí, khiến lịch sử không chỉ còn là được phản ánh qua văn học mà như là nhựa sống của văn học.

Có thể nhận thấy rằng, tất cả những bút pháp miêu tả và khắc họa trên đều nhằm mục đích mang lại cho người đọc một hình tượng nhân vật anh hùng sinh động, có khí chất. Chính vì vậy, bên cạnh việc căn cứ vào các tài liệu lịch sử, dã sử, nhà tiểu thuyết rất cần đến yếu tố hư cấu. Hư cấu chính là đặc trưng chủ yếu trong miêu tả, khắc họa hình tượng nhân vật anh hùng. Hư cấu giúp mang lại giá trị nghệ thuật to lớn trong việc phục dựng hình tượng lịch sử đồng thời giúp hình tượng đi lại, cười nói, suy ngẫm ngay trong chính tiểu thuyết lịch sử.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)