Kiểu hình tượng nhân vật anh hùng có số phận đặt trong dòng lịch sử

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 66)

6. Kết cấu của luận văn

2.3. Kiểu hình tượng nhân vật anh hùng có số phận đặt trong dòng lịch sử

2.3. Kiểu hình tượng nhân vật anh hùng có số phận đặt trong dòng lịch sử sử

Đối với thể loại tiểu thuyết lịch sử, thế giới nhân vật được xây dựng vừa là những con người thật đã được ghi trong sử sách vừa là những con người được nhà văn hư cấu, tưởng tượng. Bên cạnh việc xây dựng nhân vật mang khát vọng, sứ mạng lịch sử, nhân vật anh hùng tài ba, phẩm chất, khí phách hơn người, các nhà tiểu thuyết lịch sử hiện đại còn tái hiện loại hình nhân vật mang số phận bi kịch trong cơn lốc xoáy của lịch sử. Đó chính là sự chiêm nghiệm, lý giải lịch sử mang dấu ấn chủ quan của nhà văn. Thông qua chính những số phận và những hệ lụy bi kịch của con người anh hùng – đối tượng tác động đến lịch sử và cũng chịu sự tác động ngược trở lại – nhà văn muốn được diễn giải lịch sử theo suy nghĩ riêng của mình.

Hội thềSông Côn mùa lũ là hai tác phẩm tiêu biểu cho lối viết đào sâu về số phận cá nhân mà ở đây là số phận của người anh hùng.

Lê Lợi trong Hội thề là một nhân vật có số phận bị lịch sử quy chiếu ở một khía cạnh nào đó. Ông luôn đặt mình vào những sự lựa chọn nghiệt ngã để chính bản thân mình phải mang bi kịch của sự chọn lựa đau đớn. Một mặt, ông không muốn mất đi người vợ yêu, Hoàng hậu Ngọc Trần tài sắc vẹn toàn, nhưng mặt khác ông lại nhẫn tâm hy sinh bà cho quyền lực. Điều đó đã khiến Lê Lợi vô cùng đau khổ “Mặt Bình Định Vương mềm ra. Ông muốn khóc mà không thể khóc. Nhà vua hốt hoảng… Trên con voi chiến lúc này đã được quản trượng cho quay đầu, nhà vua vẫn nhìn tất cả với đôi mắt vô cảm, vô hồn…”. Hai người phụ nữ trong cuộc đời ông cũng lần lượt hy sinh theo những cách khác nhau vì ông và vì sự nghiệp của ông. Khi được lịch sử chọn lựa, cá nhân con người phải gác lại những niềm vui thú riêng, những mong muốn riêng để sống cho lịch sử. Người anh hùng phải đặt mình vào trong những mối quan hệ chồng chéo phức tạp của bề trên và bề dưới, phải luôn nỗ lực để làm êm thắm những mối quan hệ đấy đồng thời phải thực hiện được mục đích lịch sử. Một khi càng leo lên đỉnh cao của quyền lực và danh vọng, hơn ai hết Lê Lợi càng nhận ra sự mất mát quá lớn lao. Chưa bao giờ ông cảm nhận hết cái bi kịch “tha nhân”, đánh mất bản thể trong sự bất lực bởi gánh nặng của trách nhiệm và của sứ mệnh lịch sử đặt trên đôi vai mình. Đôi lúc, người anh hùng cũng hỏi lịch sử: “Tại sao xã tắc Việt lại chọn ta mà không phải ai khác? Ta đang là ông vua trên chót vót đỉnh cao quyền lực hay chỉ là kẻ khốn khổ bị tước đoạt mất cuộc đời thú vị, sung sướng, tự do mà ta luôn nuối tiếc”[10,126]. Và ông đã đùa trêu cái bi kịch của mình là: “ngứa mà không được gãi” [10,25]. Hơn ai hết, Nguyễn Trãi thấu hiểu được điều đó ở chủ tướng, ông nhạy cảm và tinh tế nhận ra tấn bi kịch cô đơn của vị chúa công, “người có bản năng làm người mạnh mẽ, người cũng đòi hỏi được yêu thương, được ân ái, được chiều chuộng, được chăm sóc như ai. Nhưng người lại phải làm tướng, phải làm vua! Gánh nặng trên vai người quá nặng.” [10,84]

Cũng như Lê Lợi, Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ cũng là một kiểu hình tượng nhân vật anh hùng có số phận đặt trong dòng lịch sử. Nguyễn Mộng Giác

đã miêu tả cả cuộc đời của Nguyễn Huệ từ khi rời xuống An Thái học cho đến khi mất luôn chịu sự quy chiếu của lịch sử chứ không phải ngược lại.

Ở một phía khác của người anh hùng chiến công hiển hách, “đạp trời khuấy nước ở đời, dọc ngang nào biết trền đời có ai” là một chuỗi bi kịch. Đó là bi kịch gia đình, bi kịch cá nhân và bi kịch của dân tộc.

Trước tiên là bi kịch gia đình. Bi kịch bắt đầu khi Nguyễn Huệ lập được chiến công vang dội. Năm 1785, sau khi Nguyễn Huệ chiến thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm Xoài Mút trở về, Nguyễn Nhạc cho gỡ bỏ cổng chào. Nguyễn Huệ thắc mắc thì Nguyễn Nhạc giải thích "Ấy, chính vì chiến thắng oanh liệt ở phương nam mà ta phải dè dặt, đừng làm điều gì khiến phương bắc phải lo ngại. Dĩ nhiên không trước thì sau, thế nào ta cũng đòi lại dải đất từ Lũy Thầy trở vào. Đất đai Đàng Trong thì phải trả lại cho chúa Đàng Trong" [9,1217]. Vở tuồng Chàng Lía lại thêm một cái cớ nữa để tình anh em thêm rạn nứt. Khi bị Nguyễn Nhạc cấm diễn vở tuồng cho mình chỉ định viết, Nguyễn Huệ bất mãn, tìm gặp anh để hỏi cho ra lẽ. Nguyễn Nhạc bực mình, nặng lời: "Chú muốn gì thì nói thẳng cho ta biết. Đừng dấu giếm. Đừng quanh co. Chú muốn kích động đám lính đang say chiến thắng để làm loạn phỏng? Chú vuốt ve lòng tự ái của chúng, nhân chuyện dẹp bỏ cổng chào kích thích cho chúng bất mãn. Rồi chú kéo gánh hát xuống ngầm xúi chúng bắt chước chàng Lía. Có đúng như thế không?" [9,1225]. Đỉnh cao quyền lực khiến Nhạc luôn dè chừng em, coi em là con ngựa bất kham cần phải giữ cẩn thận. Nhưng chính điều này càng khiến Huệ xa anh hơn.

Sau khi tiến đánh Thuận Hóa, nghe Nguyễn Hữu Chỉnh và chính khát vọng trong con người mình, Huệ đã kéo quân ra Bắc và "ngợp trước thành công, ngợp trước sức mạnh vừa tìm thấy, như một người lần đầu cưỡi một con ngựa khỏe và dữ. Ông đang ngồi ngay tại trung tâm của quyền lực, đang hít thở không khí của một nền văn minh ổn cố lâu dài, nơi mà một hòn sỏi trên lối đi, một gốc liễu trong vườn thượng uyển cũng có một gia phả" [9,1383]. Cũng từ đó, giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã hình thành một mâu thuẫn lớn không thể hàn gắn đẩy hai anh em đến cảnh nồi da nấu thịt. Lịch sử chỉ chú ý đến hào quang

chói lọi của ngôi sao Nguyễn Huệ che mờ người cầm đầu phong trào Tây Sơn Nguyễn Nhạc và không mấy ai để ý đến triều đại vua Thái Đức vốn kéo dài đến mười sáu năm. Chỉ có trong tiểu thuyết, bi kịch gia đình mới được nhắc đến đầy xót xa.

Thứ hai là bi kịch cá nhân. Hình ảnh Nguyễn Huệ lúc này không phải là một võ tướng xông pha giữa trận mạc hoặc một vị vua đầy quyền lực mà chỉ là một kẻ hay thao thức trong đêm khuya, hay băn khoăn trong lòng, hay ngập ngừng trong giọng nói, hay thoáng vẻ bối rối trên khuôn mặt, hay tần ngần trong mỗi bước đi. Không ít lần ông cảm thấy đau khổ, cô độc giữa thế giới quyền lực, thèm muốn cuộc sống đơn giản, thèm muốn được khuất lấp trong dòng sống bình thường của mọi người nhưng càng muốn hoà hợp vào sự dung dị, lịch sử càng tách lìa ông với phần còn lại, buộc ông phải đứng ở một vị trí cao sáng hơn. Có lần Nguyễn Huệ tâm sự: “Ta muốn sống thoải mái bình thường như một kẻ vô danh, lúc yếu đuối, hèn nhát cũng như lúc giận dữ điên cuồng”. Anh khao khát được sẻ chia, anh đi ngựa chậm để đợi Lãng tiến kịp mà nói chuyện nhưng sức mạnh quyền lực đã khiến Lãng e dè tụt lại phía sau. Anh mong muốn Lãng gọi anh như xưa nhưng Lãng vẫn hay dùng “Thưa, bẩm…”. Anh mong muốn giữa An và anh còn lưu lại chút tình thì cuộc chiến đã đẩy Lợi vào chỗ chết và khiến An căm hận anh. Chúng ta nhận ra rằng khát vọng lịch sử và khát vọng quyền lực đã đẩy Nguyễn Huệ ra xa dần những người anh thương yêu như An, Lãng. Anh mất đi mối tình hư cấu tuyệt đẹp với An. Anh cũng mất đi tấm gương để soi mình vào đó - Lãng.

Thứ ba là bi kịch dân tộc. Khi lên đến đỉnh cao quyền lực, Nguyễn Huệ lại tự mắc chân vào mớ bong bong quyền lực mà mình đã cố công gạt bỏ trước đó: “Cung phủ cũng phải dược xếp đặt, tổ chức lại. Năm toà nhà xây cất toàn bằng gỗ quý trong nội cung được cấp tốc sửa sang, trang trí. Vợ con của Chính Bình Vương vừa từ Quy Nhơn ra, được đưa đến ở tại toà nhà ở phía nam của vương các ba tầng. Công chúa Ngọc Hân thì dọn vào ở tòa nhà phía bắc. Rồi phải tổ chức đời sống, sinh hoạt bên trong Tử cấm thành cho đúng với phép tắc luật lệ

xưa nay của các nơi cung cấm" [9,1601]. Ông rơi vào bi kịch tư tưởng của chính mình, bi kịch giai cấp. Ông vừa muốn hưởng quyền lợi thống trị, vừa muốn mang lại lợi ích tối thiểu cho nhân dân: Ông nói với Trần Văn Kỷ: “đến lúc nào đời này không cần bọn vua quan nữa, ai nấy được ăn trọn hạt lúa mình trồng, con cá mình lưới được, không mất thứ gì ?”. Những giá trị nhân văn đẹp đẽ đó ở vua Quang Trung là niềm mơ ước và kiêu hãnh của muôn dân nhưng lại không thể tồn tại ở một người đứng đầu giai cấp thống trị. Đó là bi kịch của một thân phận, cũng là bi kịch của một dân tộc.

Khai thác tấn bi kịch của người anh hùng, nhà tiểu thuyết muốn nói đến sự “tạm bợ” của những anh hùng trong trời đất, trong cuộc sống cũng như trong lịch sử. Họ chói sáng như một vì sao rồi nhanh chóng tan biến trong hư vô, trong cõi vũ trụ vô cùng. Khai thác nhân vật lịch sử ở phương diện này, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Quang Thân đã đem lại những giá trị nhân bản cho tác phẩm, giúp tác phẩm nói chung và nhân vật nói riêng truyền tải ý đồ thế sự.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 66)