Tiểu thuyết lịch sử hiện đại từ 1986 đến nay

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 33)

6. Kết cấu của luận văn

1.2.4.Tiểu thuyết lịch sử hiện đại từ 1986 đến nay

Đời sống văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung ở nước ta những năm đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự phát triển nở rộ và thăng hoa của đề tài lịch sử. Quá trình ấy có thể lý giải từ nguyên nhân đầu thế kỷ XXI dân tộc trải qua nhiều mốc thời gian, sự kiện lịch sử quan trọng, hơn nữa, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng khiến vấn đề bản sắc dân tộc đứng trước những thách thức cần khẳng định.

Văn học Việt Nam sau 1986, đặc biệt từ khoảng đầu những năm 90 thế kỷ XX tới mười năm đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến một mùa gặt mới của thể loại tiểu thuyết lịch sử. Các triều đại từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê và lùi xa, lùi sâu nữa, tới lịch sử gần thời đại Hồ Chí Minh; và gắn với các triều đại, thời kỳ, phong trào, sự kiện là rất nhiều nhân vật lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp… lần lượt hoặc đồng thời được tái hiện sinh động, hấp dẫn trong nhiều tác phẩm: Mười hai sứ quân, Bắn rụng mặt trời, Hào kiệt Lam Sơn của Vũ Ngọc Đĩnh, Quân sư Nguyễn Trãi của Trần Bá Chí, Lê Lợi của Hàn Thế Dũng,

Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Đất trời của Nam Dao, Bão táp triều Trần,

Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh,

Vạn xuân của Fêray (Yveline Féray, nữ văn sĩ Pháp), Không phải huyền thoại

của Hữu Mai… Nhiều tác phẩm trong số những tác phẩm kể trên đã bỏ xa tiểu thuyết lịch sử trước 1975 về số trang. Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải in trọn bộ lần đầu, năm 2003, gồm 4 tập (Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ), năm 2010 bổ sung hai tập, nâng tổng số thành 6 tập với ngót 3000 trang khổ 14,3 x 20,3, bao quát một thời kỳ dài, 175 năm, từ năm 1225 đến năm 1400. Tám triều vua Lý cũng của Hoàng Quốc Hải tái hiện triều Lý từ năm lên ngôi (1010) tới năm sụp đổ (1225) tổng

cộng 216 năm với 4 tập, hơn 3500 trang, khổ 14,5 x 20,5. Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh dày 834 trang, khổ 13,5 x 20,5.

Điểm đáng chú ý nhất là nó đã vượt qua mô hình cũ và tạo ra nhiều hướng phát triển có hứa hẹn. Có hướng “văn chương hóa lịch sử” như Hoàng Quốc Hải với hai bộ trường thiên. Có hướng nghiêng về phương diện văn hóa, đối thoại văn hóa như Nguyễn Xuân Khánh, có hướng diễn giải lại lịch sử như Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy, có hướng “phi trung tâm hóa” như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, có hướng phi huyền thoại hóa lịch sử như Hội thề

của Nguyễn Quang Thân, có hướng đối thoại với chính sử như Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, có hướng đổi mới cách nhìn như Biết đâu địa ngục thiên đường của Nguyễn Khắc Phê, có hướng viết “tiểu sử gia tộc” hư cấu, mà thực ra là viết lịch sử thời đại với con mắt giễu nhại trong Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, còn có hướng ngụ ngôn hóa lịch sử…

Tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này có sự khác biệt căn bản về quan điểm lịch sử so với giai đoạn từ 1945 đến 1985. Tiểu thuyết lịch sử cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI không chỉ cách tân về ngôn ngữ, thể loại, chức năng (không còn viết truyện để tuyên truyền lịch sử, đạo đức) mà cái căn bản khác biệt nhất, chính là không lấy việc tái diễn giải “sự thật” lịch sử làm mục đích sáng tác của diễn ngôn văn chương. Tức là, không xem việc sáng tạo văn chương là quá trình “diễn xướng”, “chuyển thể”, “cải biên” diễn ngôn lịch sử (có tính khoa học) thành diễn ngôn nghệ thuật. Thậm chí, nhiều tác phẩm mà tiêu biểu là Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp còn công nhiên sáng tạo hư cấu siêu sử kí, giễu nhại “sự thật lịch sử”, đụng chạm đến “thần tượng” lịch sử.

Có thể thấy rõ những đặc trưng tiêu biểu của thể loại tiểu thuyết thời kỳ này là: Có sự đa dạng phức tạp trong phong cách cá nhân; tái hiện lịch sử theo lối biên niên; khắc họa những nhân vật lịch sử nổi tiếng và suy tư về các vấn đề đương đại; khắc họa cả một thời đại lịch sử lớn với nhiều sự kiện và nhiều nhân

vật; mượn lịch sử để gửi gắm những vấn đề thế sự; tái hiện những vấn đề lịch sử văn hóa; tái hiện những phần khuất lấp và “xét lại” nhân vật lịch sử.

Tiểu kết

Tiểu thuyết lịch sử là tác phẩm mang trọn đặc trưng của tiểu thuyết nhưng lại lấy nội dung của lịch sử làm đề tài, làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Ở đây, tác giả dựa vào những câu truyện trong quá khứ cộng với hư cấu cộng để tạo nên một tác phẩm gây hứng thú với người đọc. Mức độ hư cấu ở mỗi tiểu thuyết là khác nhau tùy vào dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Tiểu thuyết lịch sử tuy mượn đề tài lịch sử nhưng không né tránh thực tại. Thông qua lịch sử, nhà văn trình bày quan niệm của mình về lịch sử trong đó có quan niệm về nhân vật anh hùng và lịch sử anh hùng, gợi mở những cách “giải mã” những bí ẩn lịch sử. Đó chính là cách nhà văn mang đến cho người đọc cái nhìn của mình về thực tại thông qua chính lịch sử của cha ông.

Trải qua gần nửa thiên niên kỷ, tiểu thuyết lịch sử đã vận động từ chỗ đơn giản về mặt nội dung và nghệ thuật đến chỗ phức tạp, đa dạng và gặt hái được nhiều thành tựu mới. Lịch sử với vai trò là một chất liệu hiện thực cốt yếu, đa phần và không thể thay thế được dần nhường chỗ cho những quan niệm và cảm hứng mới nhằm “giải thiêng” lịch sử. Chính điều đó đã làm tiểu thuyết trở nên hoàn thiện dần về mặt nghệ thuật.

Chương 2. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT ANH HÙNG TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM

Như đã nói ở trên trong phần 1.1.4, con người lịch sử khi được đưa vào tác phẩm văn học mà ở đây là tiểu thuyết lịch sử đã trở thành hình tượng nghệ thuật. Con người lịch sử qua hư cấu, sáng tạo được phát triển dần lên thành hình tượng nghệ thuật không chỉ phản ánh được nền tảng căn bản của lịch sử thời đại con người đó sống mà còn có khả năng truyền tải quan niệm của người viết về chính cuộc sống hiện tại hôm nay.

Tác phẩm nghệ thuật là đơn vị tồn tại của nghệ thuật, trong đó hình tượng nghệ thuật được coi như là "Tế bào” của tác phẩm. Không có hình tượng nghệ thuật thì không có cơ sở để tạo nên nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên nghệ thuật chân chính không đòi hỏi các hình tượng nghệ thuật mô tả giống như thật vẻ bề ngoài của đối tượng, mà cần phải phản ánh đúng cái bản chất bên trong của nó.

Khái niệm hình tượng nghệ thuật, nói lên phương thức nhận thức và sáng tạo lại hiện thực theo cách riêng biệt, độc đáo và chỉ có ở nghệ thuật trong đó có văn chương. Bất cứ một sự vật, hiện tượng khách quan nào có trong đời sống hiện thực, nếu được mô phỏng lại một cách sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật đều trở thành hình tượng nghệ thuật. Hình tượng không chỉ phản ánh hiện thực mà còn khái quát hóa, điển hình hóa toàn bộ thế giới hiện thực, nhằm tìm ra được những yếu tố cốt lõi nhất của hiện thực khách quan. Nhưng, hình tượng không giống với các khái niệm mang tính trừu tượng, mà nó mang tính biểu hiện hết sức sinh động và độc đáo để làm nên tác phẩm nghệ thuật.

Như vậy, nghệ thuật nhận thức và tái hiện cuộc sống bằng hình tượng. Khác với những hình ảnh mơ hồ thuần tâm lý học, hình tượng nghệ thuật còn biến đổi sáng tạo nên chất liệu thực tại như màu sắc âm thanh, ngôn từ, hình ảnh v.v... tức là sự thể hiện một cách sinh động, cụ thể, cảm tính và mang tính nghệ thuật chứ không phải một cách trừu tượng bằng khái niệm như trong khoa học. Khoa học là

tư duy bằng khái niệm, thì nghệ thuật tư duy hình tượng. Thông qua hình tượng nghệ thuật, người đọc tri nhận được cả một thế giới.

Trong tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, con người anh hùng luôn là đề tài lịch sử được viết nhiều nhất. Khi bước vào tiểu thuyết, với đặc trưng hư cấu và phản ánh hiện thực, con người anh hùng trong lịch sử được xây dựng thành hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử. Dù mỗi nhân vật anh hùng khác nhau (chính một nhân vật anh hùng trong nhiều tác phẩm cũng khác nhau) đều có xuất thân, phẩm chất, khí phách, khát vọng lịch sử và cách thức phát triển khát vọng thành hiện thực khác nhau; được xây dựng bằng ít hay nhiều hư cấu; chứa đựng ít nhiều quan điểm thế sự của nhà văn… xét cho cùng, họ đều có chung những đặc điểm sau: Họ là người mang khát vọng lịch sử; họ là người có tài trí, phẩm chất, khí phách hơn người; họ là người có số phận được đặt trong dòng chảy lịch sử và nhờ đó họ có khả năng dẫn truyền cảm hứng thế sự của nhà văn.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 33)