Không gian bên trong và bên ngoài

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 98)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.1.3. Không gian bên trong và bên ngoài

Tiểu thuyết lịch sử vừa phản ánh lịch sử vừa chứa đựng thế sự. Bởi vậy, trong tiểu thuyết lịch sử, loại cấu trúc không gian vừa có dấu ấn lịch sử vừa có dấu ấn thế sự luôn được ưa chuộng. Đó là hai thế giới không gian kín bên trong và không gian mở bên ngoài không đối lập và có quan hệ gắn bó chặt chẽ nhằm chứa đựng và biểu hiện tốt nhất mục đích nghệ thuật của tác phẩm và thể hiện rõ nhất sự phong phú, đa thanh trong hình tượng nhân vật anh hùng.

Không gian bên ngoài với tính chất mở là không gian của đám đông, không gian của sự kiện. Còn không gian bên trong với tính chất khép kín là không gian của cá nhân, của riêng tư. Không gian bên ngoài là một không gian hết sức sôi động, xa lạ và lạnh lẽo, thù nghịch, ngược lại không gian bên trong tĩnh lặng, thân thuộc, ấm áp và yên ổn. Dù ở Quy Nhơn, Gia Định, Phú Xuân hay Thăng Long, lúc nào cũng cảnh cờ phướn phấp phới rực rỡ cả một góc trời và những đống xác chết ngập ngụa, tanh rình; cảnh quân chiến thắng ồn ào trong men say và cảnh quân chiến bại sợ hãi chui rúc lẩn trốn. Đâu đâu cũng có những hiểm nguy rình rập. Ngay cả khi chiến thắng vang dội, ngồi ở ngay tại trung tâm quyền lực Thăng Long, Nguyễn Huệ vẫn cảm thấy như ngồi trên một khúc sông “trên mặt bập bềnh bèo dạt, còn dưới mặt nước là sóng ngầm, là đá nhọn, là rắn rít. Đã quen chế ngự sự bất ổn và hỗn loạn, lần này Nguyễn Huệ ít tự tin hơn.” [9,988]. Trong khi đó, không gian bên trong, không gian không hẹn mà ai cũng hướng về là không gian An Thái – An Thái quê hương, An Thái của những kỉ niệm. Đó là nơi vỗ về, che chở, an ủi những đứa con xa quê những khi lo âu, buồn phiền, cô độc hay thất thế. Chỉ là một cây gạo ở bến sông, một chái nhà học, một ngôi nhà quay mặt về hướng tây trông như đang ngái ngủ, một cái miễu cô độc giữa đồng

trống, ánh đuốc canh lúa lập loè… nhưng từ giáo Hiến cho đến Huệ, An, Kiên, Lãng, mỗi người đều giữ cho mình một An Thái với những cảm xúc khác nhau. Khi An Thái được giải phóng, đặt chân trên nền đất tổ tiên của gia đình, lòng Huệ “hân hoan”, “bồi hồi”, “lâng lâng buồn vui lẫn lộn”. Còn An và Lãng thì “nôn nao”, “bùi ngùi”, “mắt cay cay” khi tìm thấy dấu vết những kĩ niệm trên nền đất cũ. Như vậy, những khi có cơ hội, Huệ, An, Lãng... tìm về An Thái như tìm lại chính mình, tìm lại sự yên ổn trong lòng trước những bão tố của cuộc đời.

Không gian bên ngoài trong Hội thề là không gian mà mâu thuẫn chính trị luôn diễn ra đầy gay gắt giữa hai phe võ biền và trí thức, là không gian hào hùng của cuộc chiến chống Minh. Nhưng không gian bên trong lại là không gian của dục vọng cá nhân con người mà tiêu biểu là Lê Lợi. Đó là không gian nơi bếp lửa mà Lê Lợi nhớ đến khi nghĩ về mụ Lý và cảnh gà trống đạp mái luôn khiến Lê Lợi thấy ân hận vì đã phá tan một tình bạn đẹp. Đó là không gian đầy đau xót về hình ảnh người vợ trầm mình dưới sông để mưu cầu cho ngai vàng của con. Không gian dòng sông trong không gian bên trong của Lê Lợi là một dòng chảy vừa đắn đo vừa quyết liệt, bạo tàn của ông. Bởi nghĩa quân, bởi phe cánh Phạm Vấn, Lê Lợi đã để dòng chảy đó đánh chìm những đắn đo, những tiếc nuối, xót xa của mình để thuận theo lòng Trời.

Không gian bên ngoài tuy rộng lớn nhưng ẩn chứa nhiều bất trắc, lưu trú trong không gian ấy chỉ là tạm bợ, không gian bên trong tuy chật hẹp nhưng đầy rẫy cô đơn, buồn bã của tâm hồn. Vì thế, con người muốn thoát khỏi sự chật hẹp, cô đơn để đến với môi trường rộng lớn hơn, nhưng lại choáng ngợp trước cái rộng lớn bên ngoài nên tìm về với môi trường bé nhỏ quen thuộc. Tất cả đã tạo nên những uẩn khúc nội tâm, những khao khát, những hoài nghi khi nhân vật anh hùng đi về trên hai miền không gian đó.

Như vậy, cấu trúc của không gian trong tiểu thuyết lịch sử gồm các mảng không gian đan cài nhau, đối lập nhau: trên - dưới, cao - thấp, xa - gần, trong – ngoài, rộng - hẹp, mở - khép, động – tĩnh… thể hiện sự vận động của thế giới lịch

sử lên hoặc xuống, sinh hoặc diệt và sự vận động trong nhân cách, tư tưởng của người anh hùng lịch sử.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)