Xuất thân

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 37)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.1. Xuất thân

Đa phần những người anh hùng được lựa chọn vào tiểu thuyết lịch sử là những người có xuất thân áo vải. Xuất thân áo vải không có nghĩa hoàn toàn là xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn. Tuy nhiên, họ là những người gần nhất với lớp dân đen. Họ có thể có một chức quan nhỏ, nhưng vị trí của họ dễ dàng dẫn họ đến chỗ nghi ngờ, mâu thuẫn với triều đình đồng thời thấu hiểu nỗi đau khổ của nhân dân.

Kiểu nhân vật anh hùng áo vải là những người xuất thân áo vải, với hai bàn tay trắng mà dựng nên sự nghiệp, ghi công được với non sông và được nhân dân ngưỡng vọng. Trong dân gian thường thấy xuất hiện các kiểu nhân vật anh hùng áo vải trong những truyện cổ tích thần kỳ về anh hùng, dũng sĩ như Thạch Sanh, Thánh Gióng của người Việt, nàng Tóc Thơm của người Thái, Đơm rơ tít của người Catu, chàng Rốc của người Kor, Đăm san của người Ê đê…

Trong thể loại tiểu thuyết lịch sử, những nhân vật anh hùng xuất thân áo vải chỉ những người tay trắng tạo dựng đại cuộc, được nhân dân ngưỡng vọng.

Họ là những con người thật, có tiểu sử và sự nghiệp được sử sách ghi chép lại. Đồng thời, xung quanh sự tồn tại của họ cũng có nhiều huyền thoại được nhân dân vì lòng mến mộ sáng tạo, tô vẽ nên. Qua ngòi bút của nhà tiểu thuyết, yếu tố chân thực, dân gian cộng với khả năng hư cấu đã biến người anh hùng lịch sử trở thành một hình tượng nghệ thuật sống động.

Trong các tác phẩm như Hội thề, Sông Côn mùa lũ, Bão táp cung đình, Huyết chiến Bạch Đằng… nhân vật anh hùng đều có xuất thân là nông dân áo vải hoặc có đời sống bình dị, gần gũi với tầng lớp nông dân. Từ Lê Lợi, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ… cho đến Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Ngô Văn Sở. Thậm chí ngay cả Trần Thủ Độ - một viên tướng đời Lê và là người chuyển giao quyền lực từ nhà Lê sang nhà Trần cùng với các anh em Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật… đều là những vị tướng lẫy lừng có tổ tiên làm nghề chài lưới ở Thái Bình. Họ có thể vì không chịu được ách bóc lột của tầng lớp thống trị mà phất cờ nổi dậy đòi công bằng như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ hoặc vì đứng trước cảnh nước mất nhà tan mà cống hiến xương máu, trí tuệ cho cuộc đấu tranh giữ nước như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi . Họ đã trở thành hình tượng lịch sử được nhân dân đời đời ngưỡng vọng.

Trong tiểu thuyết lịch sử, chất nông dân, dân dã của họ được các nhà văn khai thác triệt để và thể hiện hết sức sinh động. Nhân vật Trần Thủ Độ trong Bão táp cung đình mặc dù sống trong cung điện đã lâu nhưng vẫn ưa thích những món ăn dân dã: khoai lang mà phải là khoai Thái Bình luộc lên, vừa ăn vừa uống với nước chè tươi đựng bằng bát lớn. Trong cách xưng hô với hoàng hậu Trần Thị Dung khi chỉ có hai người nơi riêng tư, Trần Thủ Độ vẫn dùng cách gọi “bà” và xưng “tôi” như đa số người dân thường vẫn dùng. Qua hư cấu, bên cạnh con người xảo quyệt, mưu chước, đầy uy quyền là một con người khác bình dị và gần gũi của Trần Thủ Độ. Hay như hình tượng Trần Hưng Đạo trong Huyết chiến Bạch Đằng và chi tiết nhận trầu từ cụ già làng Trung Bản [4,473], nhón chọn chục miếng trầu ngon biếu bà lão bán nước,

uống ngon lành bát nước chè xanh, trò chuyện cởi mở và kính trọng với các bô lão… đã vẽ lên hình ảnh một vĩ nhân gần gũi, quen thuộc đối với người đọc. Ở Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo và kể cả vua Trần Nhân Tông cũng vậy, dấu tích xuất thân vẫn còn trong nếp nghĩ, nếp cư xử của họ. Nhà văn đã rất khéo léo lồng ghép để thể hiện được điều đó nhằm giúp nhân vật anh hùng của mình trở nên “đời” hơn, đậm chất tiểu thuyết hơn.

Nhân vật Lê Lợi trong Hội thề là nhân vật được thể hiện gần với chất nông dân nhất. Lê Lợi có cách ăn nói đậm chất vùng miền và có vẻ thô ráp: “Trà, suốt ngày trà sót cả ruột! Lấy cái chi cho ta ăn. Bụng sôi ầm ầm đây”. Giọng điệu và kiểu cách nói chuyện của Lê Lợi là giọng điệu của một hào trưởng miền núi. Ngay cả với các viên tướng dưới mình, Lê Lợi cũng xưng hô rất “bình dân”. Với Nguyễn Thị Lộ - một người Lê Lợi luôn ngưỡng mộ và mong muốn được sở hữu thì cách cư xử cũng không khá gì hơn: “Này, ông Trãi về bảo lên gặp ta ngay”, “Bảo bà ấy có gì ăn thì mang lên. Một cái bánh chưng hay chè lam cũng được” [10, 10] Và theo nhận xét mà Nguyễn Quang Thân gài trong câu trần thuật về Lê Lợi thì “ Ông thường bỗ bã, bờm xơm như một nông phu”. Không chỉ trong lời nói, trong cách ăn uống của Lê Lợi cũng “phàm phu” như vậy: “Ông cáu tiết vứt đôi đũa, lấy tay nhón bánh ăn ngấu nghiến” [10,19] hay “vua cầm đùi gà nhai, uống rượu cần với tướng sĩ, khuy áo không cài hết cúc, hở cả rốn…” [10, 200]. Trong Hội thề, ở những giây phút đời thường của Lê Lợi, chúng ta không bắt gặp được một Lê Lợi oai vũ, khí phách như trong sử sách nhưng phần nào chúng ta cũng đoán định được rằng tính cách trên là một trong những nguyên nhân dẫn Lê Lợi đến với vị trí cao nhất của phong trào Lam Sơn. Với tính cách đó, Lê Lợi ắt không chịu khuất phục sự đàn áp của nhà Minh. Và cũng nhờ tính cách đó, Lê Lợi mới có thể lãnh đạo được một đạo quân lớn xuất thân từ tầng lớp nông dân cục mịch. Bởi chỉ có thể giống họ, hiểu họ, gần họ mới có thể lãnh đạo được họ.

Trong Sông Côn mùa lũ trên 2000 trang của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Việt kiều Mỹ, được NXB Văn học Hà Nội tái bản năm 1998, nổi bật lên hình

ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung như một nhân cách văn hoá lớn , có sự cuốn hút trí thức đương thời, một nhân cách bắt rễ sâu vào trong từng số phận bé nhỏ của đời sống và vươn tới tầm vóc tạo dựng thời đại.

Người anh hùng Nguyễn Huệ bấy lâu vẫn định hình trong chính sử và dã sử như một người nông dân áo vải cờ đào mà cái ấn tượng về cốt cách nông dân võ biền, mạnh mẽ của ông đã in đậm trong tâm thức số đông như một ấn tượng lịch sử. Người ta đã quen coi Nguyễn Huệ như một hình ảnh tượng trưng cho những người nông dân chân đất, quật cường, dũng mãnh. Tuy có anh làm biện lại Vân Đồn, được ưu ái ăn ngon, mặc đẹp hơn những người bình thường khác. Nhưng ở Nguyễn Huệ, bao giờ chúng ta cũng tìm được sự bình dị chân chất của một người nông dân. Ngay từ ngày còn đi học nhà ông giáo Hiến, thay vì ngủ muộn như Lữ, bao giờ Huệ cũng dậy sớm nhất, là người vào bếp đun nước sau An. Anh cũng không nề hà những công việc đồng áng, nặng nhọc.

Ngay cả khi ông trở thành một vị tướng đứng trước ngàn quân hay khi đã trở thành một trụ cột của phong trào Tây Sơn, phẩm chất giản dị của Nguyễn Huệ không hề đổi thay. Anh vẫn giản dị ngay cả trong cách ăn uống: “Không sao. Có mắm ruột nai là nhất rồi”. Giản dị cả trong cách mặc với chiến bào bám đầy bụi khói, với đôi mắt mỏi mệt và khuôn mặt lấm lem bụi đường. Vất vả, gian khổ nhưng khi quân lính chưa ăn no, còn mặc rét và những người anh thương yêu đang cần anh, Nguyễn Huệ vẫn luôn có mặt, ân cần thăm hỏi và sẻ chia. Giản dị trong cả cách nói, cách đối xử với người thân và dân chúng. Khi đã trở thành Long Nhương tướng quân và sau chiếm được Phú Xuân, nắm trong tay quyền uy tột bậc song Nguyễn Huệ vẫn đối xử với nhân dân với một thái độ cởi mở và sự hàm ơn sâu sắc. Khi các bô lão kéo đến xem mặt và nói với mình: “Chúng tôi thấy có người mang heo quay, cơm nếp đến thết quân sĩ. Chúng tôi nghèo, lại đột nhiên ùn ùn kéo lên đây nên không kịp chuẩn bị gì cả. Xin ngài chớ chấp, xem chúng tôi là kẻ vô ơn.”, Nguyễn Huệ đã nói rằng: “Không đâu. Chính các bác mới là người thân thiết, ruột rà của anh em chúng

tôi. Chúng tôi cũng xuất thân dân núi, dân cày như các bác. Chúng ta mới mở lời đã hiểu nhau cần gì rườm lời với lại quà cáp. Hiện giờ chúng tôi quá bận, chắc chưa đến tận nhà quý bác để thăm hỏi được. Sau này có dịp, thế nào tôi ta cũng tìm tới. Lúc nãy các bác bảo các bác ở xã nào, huyện nào?” [9, 931]. Câu nói của Nguyễn Huệ đó đã để lại những ấn tượng sâu sắc về hình ảnh một vị tướng mộc mạc, gần gũi trong lòng người dân Phú Xuân, Quảng Điền. Và trong một câu chuyện với Trần Văn Kỷ khi đã trở thành Bắc Bình Vương, Nguyễn Huệ vẫn không quên nhắc đến công lao của nhân dân, những người chân đất, áo vải đã giúp đỡ cho sự nghiệp khuấy nước, đội trời của mình: “Nhờ ai mà ta dựng được sự nghiệp? Càng ngày ta càng thấy rõ: nhờ những an hem đi chân đất, mặc áo vải như ta trước đây. Chính họ mới là kẻ quyết định an nguy của xã tắc.” Khi đứng trước mặt Lê, dù mới lập được kỳ tích diệt Trịnh phù Lê nhưng Nguyễn Huệ không lấy đó làm kiêu ngạo, ỷ thế uy hiếp triều đình nhỏ yếu, bạc nhược mà trái lại rất biết cách cúi mình, nhận định đúng đắn về nguồn gốc xuất thân và bày tỏ tấm lòng chân thực của bậc con dân với vua Lê: “Thần vốn là một tên dân ở đất Tây Sơn, gặp thời nổi dậy. Nhưng vì thánh đức của bệ hạ truyền đi xa rộng nên tuy ở nơi mán mọi, thần vẫn rất kính mến.” [9, 969]

Vào năm Nguyễn Huệ xưng vương, đem quân kéo ra Bắc đánh quân Thanh, khi đi qua vùng dân bị đói do mất mùa, thiên tai, được người dân yêu quý dâng trầu cau và bánh chưng nhưng Quang Trung chỉ nhận trầu còn bánh sai đem cho một người lính cầm đại kỳ. “Khi sắp lên đường, Hoàng thượng đột ngột tiến đến gần một bà lão gầy gò, đang nheo mắt ngó cảnh tấp nập. Hoàng thượng cúi xuống hỏi bà lão: Chúng tôi sắp giết hết quân cướp nước, cụ có vui không?” [9,1373]. Nhưng có lẽ, minh họa cho tính cách giản dị và chân chất, mộc mạc nhất của Nguyễn Huệ là cách Nguyễn Huệ đối xử với chị em An và Lãng. An và Lãng là tuyến nhân vật tưởng tượng của tác giả nhằm miêu tả sự ảnh hưởng của chiến tranh lên số phận và tính cách con người. Và cũng chính tuyến nhân vật này đã giúp soi sáng phẩm chất đời thường, bình dị

trong con người áo vải Nguyễn Huệ. Từ cách xưng hô mà Nguyễn Huệ dành cho An và Lãng từ lúc còn nhỏ cho đến khi đã trở thành một vị vua cho đến cách Nguyễn Huệ nâng đỡ và bảo bọc, chở che cho họ trước bão táp của chiến tranh đã nói lên phẩm chất đáng quý đó của Nguyễn Huệ. Trong tiểu thuyết lịch sử Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác đã hơn một lần để Nguyễn Huệ nhắc Lãng thay đổi về cách xưng hô đầy vẻ cung kính của anh với mình: “Không còn ai ở đây ngoài hai chúng ta, Lãng xưng hô bình thường đi. Cứ gọi “anh” như ngày thầy chưa mất” [9, 794] và cũng luôn lo lắng, bảo bọc cho An và Lãng từ những điều nhỏ nhất. Tuy là hư cấu nhưng nhà văn đã giúp vẽ lên một hình tượng Nguyễn Huệ thật gần gũi và dường đang sống, đang thở thực sự như một con người bước ra từ lịch sử.

Không chỉ có những phẩm chất của người nông dân áo vải, Nguyễn Huệ đã dành cả cuộc đời của mình để đấu tranh và dẫn dắt nhân dân đấu tranh vì lợi ích của chính họ. Ngay từ nhỏ, khi nhìn thấy cảnh lính phủ kẻ đao, người thước ập vào để tróc nã người chưa kịp nộp thuế, ông đã nghĩ: “Giá đừng có bọn vua quan thì dân chúng an vui biết chừng nào” và khi đã trở thành Chính Bình vương, ông đã chia sẻ mơ ước ấy với Trần Văn Kỷ: “Ông nghĩ mà xem, đến lúc đời này không cần bọn vua quan nữa, ai nấy được ăn trọn hạt lúa mình trồng, con cá mình lưới được, không mất thứ gì.” [9,1234]. Suy nghĩ này luôn nhất quán trong mọi hành động của Nguyễn Huệ kể từ lúc ông mười tám tuổi đứng trước nhân dân đốt hết sổ thuế để trừ nợ và giải phóng cho dân cho đến khi ông mất đi.

Có thể nói rằng, nếu không xuất thân từ nhân dân, không phải là người đứng trong hàng ngũ áo vải chiến đấu vì hàng ngũ áo vải thì Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và nhiều anh hùng dân tộc khác sẽ khó có được khát vọng thay đổi lịch sử vì nhân dân và càng khó có được sự thấu hiểu với dân như vậy. Hiểu dân biết dân cần gì, dân muốn gì mà từ đó chiến đấu vì mong ước của nhân dân, coi mong ước đó như mong ước của mình. Cũng chính sự hiểu dân, gần dân như vậy mà Nguyễn Huệ đã huy động được

một đoàn quân lịch sử đông đảo là quần chúng nhân dân, dựng nên thế trận toàn dân, được nhân dân yêu thương, tin tưởng và mến mộ. Nhờ thế mà ngọn cờ đào luôn được nhân lên qua từng lũy tre làng, từng bước chân Tây Sơn tạo nên những chiến công vang dội.

Việc miêu tả nhân vật anh hùng với xuất thân áo vải không những giúp nhà văn lí giải được những khát vọng lịch sử của họ mà còn đồng thời lí giải được căn nguyên tại sao người anh hùng lại có thể tạo được những bước ngoặt phi thường trong lịch sử như vậy.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)