Tính cách và phẩm chất hơn người

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 59)

6. Kết cấu của luận văn

2.2.2.Tính cách và phẩm chất hơn người

Tiểu thuyết lịch sử trước hết là tiểu thuyết. Mà đã là tiểu thuyết thì yếu tố cá nhân, yếu tố tính cách nhân vật bao giờ cũng được chú trọng. Trước khi bước vào tiểu thuyết, nhân vật anh hùng lịch sử đã tồn tại tính cách cá nhân trong những ghi chép lịch sử, trong giai thoại, huyền thoại dân gian. Tuy nhiên, chỉ khi trở thành hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học, tính cách người anh hùng mới được xây dựng, gọt dũa rõ nét. Mỗi một nhân vật hiện lên với những tính cách khác biệt nhau.

Bên cạnh hình ảnh kiệt hiệt, Trần Thủ Độ còn là một con người gian hùng, khắc bạc. Gian hùng được thể hiện ở chỗ, Trần Thủ Độ đã bịt mắt quan lại nhà Lý, bịt mắt hoàng hậu Trần Thị Dung giam lỏng vua Lý Huệ tôn ở lãnh cung, ép vua nhường ngôi cho con gái, cho Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh để chuyển đổi nhà Lý sang nhà Trần; ép Trần Cảnh lâý vợ Trần Liễu và cũng là chị Chiêu Hoàng khiến Chiêu Hoàng phải bỏ đi tu, Trần Liễu phải nổi loạn... Mức độ gian hùng còn thể hiện rõ khi Trần Thủ Độ tuy không ép mà như ép vua đi tu sau đó là tự vẫn; đồng thời lập mưu giết hết loạn thần muốn khuông phò nhà Lý. Những hành động của Trần Thủ Độ suy cho cùng cũng vì khát vọng muốn đổi thay lịch sử, mang lại cho đất nước một quang cảnh thái bình, thịnh vượng mặc dù nó có phần hơn tàn khốc. Có thể nói rằng việc ông làm không vì lợi ích cá nhân ông mà đều phục vụ lợi ích dòng họ Trần và cơ nghiệp nhà Trần. Ngôi vua mà ông tìm mọi cách giành lấy là để cho cháu ông (Trần Cảnh) chứ không phải cho ông, mặc dù với quyền lực của mình lúc đó (“quyền hơn cả vua” - sử cũ), ông hoàn toàn có thể lấy ngôi vua cho mình một cách dễ dàng.

Trần Thủ Độ còn là người thẳng thắn, quyết liệt và cũng rất nghiêm minh. Đối với triều đại nhà Lý mục ruỗng, vua nhà Lý hèn yếu, Trần Thủ Độ không giấu thái độ khinh thường đồng thời quyết liệt đòi vua phải nhường ngôi: “Cha con, bác cháu, anh em nhà chúng tôi dốc hết tài sức và sản nghiệp khuông phò bệ hạ, nhưng phải thừa nhận rằng bệ hạ bất tài, nên không thâu tóm được triều đình, bệ hạ cũng mỏng đức nên không sai khiến được thiên hạ”[5,42]; “bệ hạ thử xét xem trước bệ hạ đã có triều đại nào, chỉ hai cha con kế tiếp trị vì thiên hạ đã biến một dân tộc anh hùng như Đại Việt này thành một lũ ăn mày.”[5,45]; “bệ hạ phải thoái vị”. Thái độ thẳng thắn, quyết liệt của Trần Thủ Độ còn được thể hiện trong việc ép vua Trần Thái Tôn phải dời Yên Tử về kinh đô “xa giá ở đâu, kinh đô ở đó”, làm cho Trần Liễu sợ xanh mặt không dám tạo phản.

Trần Thủ Độ tuy “quyền hơn vua” nhưng luôn là tấm gương nghiêm minh và sáng suốt. Dù là thân hay sơ, là người trong triều hay kẻ khố rách áo ôm, Trần Thủ Độ đều lấy phép nước để đối đãi hết sức công bằng. Khi người em họ của bà thái sư Trần Thị Dung tuy không học hành gì nhưng muốn nhờ hơi hó để xin chức câu đương đã bị Trần Thủ Độ làm cho sợ xanh mặt: “Ngươi vì có công chúa xin cho mới được chức câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”.[5,189]. Ngay cả với vợ mình, Trần Thủ Độ cũng không hề bênh vực cho thái độ sai trái của bà trước quân lính. Ông còn khen thưởng những người lính làm tốt nhiệm vụ của mình: “Ta có lời khen thân vệ tướng quân, đã răn dạy thuộc hạ có thể thống. Phép nước vì đó được nghiêm giữ. Ta sẽ tâu xin hoàng thượng đặc cách ban cho tướng quân chức hai tư. Còn viên đô giám và tên lính kia, các ngươi ở địa vị thấp hèn đã biết giữ nghiêm phép nước. Ta còn biết nói thế nào nữa. Gọi có chút quà cho hai ngươi.”[5,366]

Tuy nhiên, ông cũng là người giàu lòng thương và độ lượng. Khi Chiêu Hoàng vì không có con mà Trần Cảnh phải lấy Thuận Thiên nên đã sinh ra chán nản, u sầu tìm đến nương nhờ cửa Phật, Trần Thủ Độ đã đến thăm. Ông đã đối xử với Chiêu Hoàng như với bất cứ người ruột thịt nào của ông: “Nếu con có ý đã

quyết, ta không nỡ cản. Chỉ thương con thân gái, chưa quen chốn khổ hạnh… chùa là nơi chốn những người xuất gia. Con ở lại đây lâu, e không tiện. Để ta nói thiền sư cho con tá túc dăm bữa nửa tháng, chờ ta cho người xây cất một căn nhà, ngay cạnh chùa cho con, như thế tiện hơn. Rồi sau này thế nào tùy con định liệu”.[5,258-259]. Phẩm chất độ lượng của Trần Thủ Độ còn thể hiện rõ ở chỗ không những tha chết cho Trần Liễu khi nổi dậy định cướp ngôi mà còn đón con của Trần Liễu là Trần Quốc Tuấn vào cung nuôi daỵ thành bậc kỳ tài. Và đến người hận Trần Thủ Độ như Trần Liễu trong lòng ít nhiều cũng nể phục: “Rõ ràng ông ta là người khắc bạc đến tàn bạo, song cũng là con người độ lượng khác thường. Ở ông ta có gì thật khó hiểu, chứ không nhất quán như chú em ta. Một đấng thiện vương”.

Tất cả những tính cách và phẩm chất tốt trên của Trần Thủ Độ đã xóa mờ những hành động khắc bạc, lạnh lùng của ông với triều đại cũ, dấy lên trong lòng người đọc sự nể trọng, ưu ái đối với một nhân vật lịch sử còn gây nhiều tranh cãi. Với những đóng góp to lớn của mình vào xây dựng triều đại nhà Trần, xây dựng đất nước, góp phần to lớn trong việc tạo dựng nền tảng cho thắng lợi chống Nguyên Mông sau này, Trần Thủ Độ xứng đáng là một anh hùng của dân tộc.

Bên cạnh nhân vật Trần Thủ Độ trong Bão táp cung đình, Lê Lợi của Hội thề

cũng được coi là một nhân vật anh hùng mang nhiều tính cách và phẩm chất sinh động. Với nghệ thuật hư cấu là chủ đạo, hình tượng một Lê Lợi với tính cách đầy khác biệt so với nguyên mẫu lịch sử đã tạo ấn tượng đậm nét đối với người đọc. Đó là một Lê Lợi đầy vẻ kiêu hùng, quyết liệt, khôn khéo nhưng cũng là con người giản dị, bỗ bã đầy dục vọng cá nhân. Tính cách của Lê Lợi rất khó nắm bắt: “Ông thường bỗ bã, bờm xơm như một kẻ nông phu nhưng trong nháy mắt đã có ngay vẻ mặt lạnh như tiền. Đó là cái uy vương giả tiềm ẩn như bộ vuốt con báo gấm vươn ra thu vào khó lường của ông.”[19]. Tính cách khó nắm bắt của Lê Lợi khiến Nguyễn Trãi cũng phải e dè: “Nếu không đủ tinh ý nhìn nhận ra cạm bẫy thì chớ sống gần nhà vua.”[14]. Chính nhờ tính cách đó mà Lê Lợi đã trở thành minh chủ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thu phục được nhân tâm của

những kẻ dốt nát, cơ hội nhưng hữu ích như Phạm Vấn, Lê Sát, làm cho những kẻ sĩ đầy bụng chữ nghĩa phải nể trọng, khuông phò.

Khá gần với tính cách trên của Trần Thủ Độ, Lê Lợi là Nguyễn Nhạc trong

Sông Côn mùa lũ. Có thể nhận thấy rằng, cũng như Trần Thủ Độ, Nguyễn Nhạc là mẫu nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi nhưng được sự ưu ái của nhà văn. Nguyễn Nhạc được Nguyễn Mộng Giác miêu tả là người có tính cách khôn khéo, thâm sâu được dấu trong một vỏ ngoài hết sức bình dân và bỗ bã. Tính cách khôn khéo, thâm sâu của Nguyễn Nhạc được thể hiện rõ trong việc lợi dụng những kẻ dưới mình làm lợi cho bản thân mình. Xét về nguyên do cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc không muốn làm lợi cho dân như Nguyễn Huệ. Nhạc với tính cách ích kỷ đã muốn xây dựng triều đại cho riêng mình, nơi mình có thể thỏa mãn ước vọng mà một anh biện lại Vân Đồn không thể làm được. Nhạc lợi dụng Nguyễn Thung, bọn Tập Đình, Lý Tài, thậm chí cả Nguyễn Hương, con gái Thọ Hương vào mưu đồ của mình. Ở Nguyễn Nhạc, tính chất gian hùng thể hiện rất rõ nét nhất là trong những tình huống khó khăn. Tính cách gian hùng, ích kỷ, khôn khéo của Nguyễn Nhạc còn được thể hiện trong những xung đột với Nguyễn Huệ khi Huệ đánh thắng quân Xiêm, Huệ cho diễn tuồng chàng Lía, Huệ kéo quân đánh Bắc Hà và lúc Huệ muốn ở lại Thuận Hóa. Đối ngược với con người có tính cách đáng sợ đó là con người thứ hai rất bình dị, thẳng thắn, tế nhị Nguyễn Nhạc. Ngay cả khi đã xưng vương, cách ăn uống, ngồi, nói của Huệ trước mặt anh em thân hữu không có gì thay đổi. Trong giao tiếp với Chỉnh, với thầy giáo Hiến và với em mình, có những chỗ, Nhạc luôn biết điểm dừng để tạo độ hào hoãn và lịch sự cần thiết. Cũng như Trần Thủ Độ, Lê Lợi thì Nguyễn Nhạc cũng là con người đa tính cách, khó nắm bắt. Tuy nhiên, khi đọc Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, người đọc không thể không có những phút nể trọng, ngưỡng mộ và đồng cảm với Nguyễn Nhạc.

Nhưng để nói đến sự hao tâm tổn sức trong việc xây dựng tính cách và phẩm chất của nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lích sử phải kể đến Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác. Tác giả đã lồng trí thức vào nông dân, lồng con người thế

tục vào con người huyền thoại, lồng con người tình nghĩa vào con người quyền lực, lồng cái nhìn nhân bản vào cái nhìn chính trị, lồng dã sử, huyền sử vào chính sử đó là cái cơ chế sáng tạo nên tính cách và phẩm chất của nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ.

Ta thấy rõ trong con người Nguyễn Huệ có sự song tồn, đồng tồn, tương hợp của các dạng tính cách: vừa bướng bỉnh, cao ngạo vừa vừa gần gụi, hiền lành; vừa quyết liệt, tàn khốc vừa thủy chung, nghĩa tình; vừa cởi mở lại vừa khép kín đến khó hiểu.

Tính cách bướng bỉnh của Nguyễn Huệ trong những cuộc tranh cãi với thầy giáo Hiến để bộc lộ thiên hướng tư duy chính trị của mình. Lúc nào, anh cũng đặt ra cho thầy những câu hỏi khiến thầy phải ngỡ ngàng. Dường như, Huệ chưa từng chịu thua thầy. Một lần hai thầy trò bàn nhau về cái đói. Quan niệm của một người quân tử như thầy là "Đói cho sạch rách cho thơm, hay là: Quân tử thực vô cầu bão". Anh phản bác : "Như vậy con nghĩ thầy chưa thực đói" [8,243]. Tại sao? Anh phân tích rõ: "Con đã nghĩ: Những lời thầy dạy con rút ra từ sách thánh hiền, đều do những kẻ no đặt ra cả. Nhờ no đủ nên thảnh thơi nghĩ ngược nghĩ xuôi thế nào cũng được. Hoặc muốn no lâu, no bền, thì nghĩ thế nào cho đẹp lòng bọn vương hầu. Con nhớ mãi câu nói của ông Tử Trường: "Cửa nhà hầu nhân nghĩa thiếu gì đâu" Thầy đã dạy con năm trước. [8,245]. Ông thầy chịu thua, chua chát nói: "Anh nói phải. Bọn kẻ sĩ chúng tôi chỉ được mỗi việc chầu chực ở cửa nhà vương hầu" [8,246]. Nhờ tính cách bướng bỉnh này, Nguyễn Huệ luôn đào sâu được bản chất của vấn đề trong cuộc tranh luận, tìm được hướng đi đúng đắn cho mình trong tương lai. Tính cách bướng bỉnh, cứng cỏi của Huệ còn được tác giả miêu tả trong ánh nhìn đầy vẻ tự tin và giễu cợt, trong cách Nguyễn Huệ đem quân xuống An Thái, đem quân ra Bắc và chống lại anh. Có thể nói rằng chính tính cách này đã giúp Huệ làm nên bước ngoặt trong sự nghiệp lẫy lừng của mình.

Cộng hưởng với tính cách bướng bỉnh đó là tính quyết đoán. Huệ là người quyết đoán. Những việc Huệ làm, những trận chiến do Huệ chỉ huy đã nói rõ điều

đó. Đôi khi tính quyết đoán biến đổi thành sự khốc liệt đẩy Huệ và các anh em ruột thịt rơi vào cảnh nồi da nấu thịt và là nguyên nhân sụp đổ cho triều đại Tây Sơn sau này.

Song song với tính cách bướng bỉnh, quyết liệt của Nguyễn Huệ là một tính cách trái ngược hoàn toàn hiền lành, chân thật và thủy chung. Có thể nói rằng, trong tất cả những hình tượng về nhân vật Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết lịch sử, hình tượng Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ được đánh giá là hình tượng hiền nhất. Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ không có vẻ là con người khát máu, khát chiến tranh, khát dục vọng thân xác như Nguyễn Huệ trong Mùa mưa gai sắc, Gió lửa. Đó là người bạn tế nhị, hiền lành luôn biết lắng nghe và sẻ chia những tâm sự của Lãng, bảo bọc cuộc đời Lãng. Là người học trò hiếu nghĩa với thầy. Là trái tim giàu yêu thương và chung thủy với An – người con gái của mối tình đầu. Là người luôn kín kẽ và tế nhị trong các mối quan hệ riêng tư. Là kẻ anh hùng thanh tao, dịu dàng, lịch lãm khi tặng An một tập thơ Đường, ngắm nhìn vẻ đẹp mong manh thuần khiết của Ngọc Hân…

Có thể nói rằng sự dung hoà, giao thoa, cộng sinh giữa các mặt đối lập trong nhân cách Nguyễn Huệ phản ánh biện chứng văn hoá hỗn dung của người Việt, làm nên tính cách Việt Nam của nhân vật Quang Trung khiến nhân vật này mang sinh khí và đầy tính nhân bản.

Việc thể hiện tính cách, phẩm chất của nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử không chỉ cho thấy vai trò quan trọng của yếu tố hư cấu giúp tạo nên một nhân vật sinh động, gây ấn tượng đến bạn đọc mà còn thể hiện được tình cảm, đánh giá của nhà văn đối với nhân vật lịch sử đó. Tuy nhiên, qua các nhân vật Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ… chúng ta nhận thấy rằng nhà văn luôn dành cho họ những ưu ái nhất định dù họ là nhân vật được quần chúng ngưỡng mộ hay nhân vật còn gây nhiều tranh cãi trong lịch sử. Điều đó là tất yếu. Bởi nhân vật anh hùng lịch sử là những con người có phẩm chất, tư cách, tài năng và khí phách kiệt xuất, đáng được ngưỡng mộ, khen ngợi.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 59)