Hình tượng nhân vật anh hùng nặng vai trò thế sự

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 70)

6. Kết cấu của luận văn

2.4.Hình tượng nhân vật anh hùng nặng vai trò thế sự

Khai thác một nhân vật lịch sử đầy màu sắc truyền thuyết, huyền thoại như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ… các nhà văn đã mang lại cho người đọc một cái nhìn mới mẻ và rất tinh tế chứa đầy những suy tư về lịch sử và thời đại.

Bằng cách để cho nhân vật tự do bộc lộ chiều sâu thế giới nội tâm, phơi bày ra những ý nghĩ thầm kín trong tâm hồn, các nhà văn đã làm sống dậy những vùng ký ức đẹp đẽ còn khuất mờ về hình tượng những người anh hùng áo vải cờ đào. Nhân vật người anh hùng lúc này được soi chiếu từ góc nhìn đời tư, gần gũi, mộc mạc, chân thật và dung dị. Từ cử chỉ lấy tay nhón bánh ăn ngấu nghiến sau khi vụng về để bánh rơi xuống sàn gỗ, cái cảm giác nao nao khi ngửi thấy mùi rơm mới thoảng trên người Thị Lộ, đến cái nhìn “xé gà” mang chút dục vọng bản năng của người đàn ông của Lê Lợi. Từ cái cái rụt rè, bẽn lẽn trong lần đầu yêu đến cái say mê của một bậc anh hùng với vẻ đẹp mong manh của nàng công chúa trong con người Nguyễn Huệ… tất cả những nét hư cấu đậm chất đời thường đó

đều nhằm mục đích mang đến cho người đọc một thông điệp: Con người anh hùng dù sinh ra trong bối cảnh lịch sử anh hùng thì vẫn là người theo đúng nghĩa của nó. Họ cũng có những khát vọng đời thường bé nhỏ bên cạnh khát vọng lịch sử to lớn.

Điều thứ hai các nhà văn muốn gửi thông điệp đến với chúng ta là sự lí giải của họ về hình tượng nhân vật anh hùng lịch sử. Nhân vật anh hùng lịch sử trước khi họ là kẻ đáng ngưỡng vọng thì họ là kẻ đáng thương bởi cuộc sống đầy bi kịch của mình. Đó là một Lê Lợi cô độc và khao khát được trở lại với chính mình trong suy nghĩ: “Trong thâm tâm ông biết mình cũng chỉ là một con người như ai, khi cao cả, khi thấp hèn, một con người từng quen được sống “tự nhiên như nhiên”… Còn bây giờ, khi đã là Bình Định Vương ông muốn “tự nhiên như nhiên” cũng không được nữa. Ông buộc lòng phải cao cả, phải anh hùng mà thôi”[10,125]. Cuộc chinh chiến đã để lại quá nhiều dấu ấn mệt mỏi trên nét mặt người anh hùng áo vải này. Ông thèm cái cảm giác gia đình, đôi khi ghen tuông với hạnh phúc của Nguyễn Trãi khi vị quân sư này luôn có người vợ đẹp, quyến rũ và thông làu kinh sử bên cạnh. Cũng có khi ngực ông đau nhói trước một mùi thơm đồng nội quá quen thuộc với ông, luôn gắn chặt với cuộc đời tráng niên rực rỡ mà ông vừa phát hiện ra là nó đã biến mất với bao lạc thú tuyệt vời. Đó là một Nguyễn Huệ với những đêm thao thức, mất ngủ, cả cuộc đời chìm trong bi kịch tình yêu, bi kịch gia đình và bi kịch chính trong tư tưởng của mình. Lúc nào cũng khao khát được Lãng sẽ chia, soi thấy. Bằng hư cấu, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Quang Thân đã xây dựng thành công hình tượng Nguyễn Huệ, Lê Lợi trong những suy tư, chiêm nghiệm. Nhờ đó, nhân vật được nhìn nhận ở chiều sâu tâm hồn và mang ý vị triết học, nhân sinh sâu sắc: Con người có thể trở thành nạn nhân của quyền lực, lịch sử và vướng vào bi kịch của chính đời mình trên đỉnh cao tột bậc của sự quyền uy.

Thứ ba, thông qua những sự kiện lịch sử, nhà văn đã lí giải được nguyên nhân phát triển của lịch sử dựa trên những mối quan hệ mâu thuẫn. Đó là mối quan hệ mâu thuẫn giữa một bên là lớp trí thức mặt trắng và một bên là những kẻ

ít học, phàm phu tục tử như trong Hội thề. Mối quan hệ đó được điều khiển bằng một nhân vật anh hùng lịch sử trụ cột là Lê Lợi. Nguyễn Trãi là một vị quân sư tài ba, suốt một đời tranh đấu cho tư tưởng nhân nghĩa, thân dân, lấy dân làm gốc… nhưng lại luôn hiện diện đơn độc giữa cái triều đình đậm chất quân sự, như nốt nhạc lạc nhịp trong một bản hòa tấu. Mối quan hệ giữa Nguyễn Trãi và Phạm Vấn, Lê Sát là mối quan hệ đối lập, mâu thuẫn và nó được kìm chế bởi Lê Lợi. Lê Lợi là người kìm chế nhưng không phải người làm tiêu biến những mâu thuẫn đó. Đồng thời, chính Lê Lợi đôi lúc cũng có, những mâu thuẫn kịch liệt với tư tưởng của Nguyễn Trãi. Nhưng cuối cùng, Lê Lợi đã giúp Nguyễn Trãi thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, đưa những tư tưởng của Nguyễn Trãi tồn tại cùng với những chiến công của mình, đẩy lịch sử phát triển đến đỉnh cao chói lọi.

Khác với mâu thuẫn giữa trí thức và võ biền được khai thác khá gay gắt trong Hội thề, mâu thuẫn trong Sông Côn mùa lũ là mâu thuẫn phát triển từ chỗ dung hòa lên đến chỗ tách biệt của hai nhân vật Nguyễn Huệ và Lãng. Ban đầu và cả sau này, trước khi Huệ lên ngôi vua, Lãng và Huệ gần như là hai thực thể bổ sung cho nhau, cùng tồn tại. Kẻ mặt trắng, không tài sản, không quyền lực, vì một mối ân nghĩa xưa mà bỗng chốc đứng giữa cơn cuồng phong lịch sử, thẩm thấu nó, ghi nhận nó để bổ sung cho những thiếu hụt nhân cách trong con người Huệ. Giữ Lãng bên mình, người anh hùng áo vải Tây Sơn gắng giữ lấy cái phần người thường của chính mình. Lãng như là lương tâm một thời, giúp Nguyễn Huệ tự cân bằng giữa cơn bão mình tự dấy. Nhưng khi đã phát triển đến mức độ đỉnh cao quyền lực, mâu thuẫn giữa Huệ và Lãng gần như hiện rõ. Gạt bỏ Lãng, cá nhân lịch sử Nguyễn Huệ đã bước qua lằn ranh quy định người anh hùng áo vải, thành kẻ chuyên chế. Và Lãng ra đi cũng là kết thúc sứ mạng lịch sử của mình trong việc soi chiếu một mặt khác của con người đời thường Nguyễn Huệ.

Thứ tư, các nhà văn đã thông qua hình tượng người anh hùng lịch sử chuyển từ lí giải lịch sử sang khám phá bản chất con người, gửi vào đó những suy ngẫm về con người, quan niệm về con người cuả nhà văn. Trong Sông Côn mùa lũ, tình yêu cũng tạo nên một mạch chảy âm thầm mà bất diệt song song với những mạch

ngầm quyền lực, tình nghĩa anh em, tình nghĩa thầy trò... Nguyễn Huệ hào hùng đánh Nam dẹp Bắc, đập tan quyền lực chúa Trịnh vua Lê rồi cưới nàng công chúa cành vàng lá ngọc của nhà Lê để lập làm Hoàng hậu. Nhưng suốt đời ông phải ân hận day dứt về mối tình đầu trong trẻo với An. Huệ yêu An tha thiết nhưng vì những toan tính chính trị, ông không thể cưới cô. Có điều ông cũng không bao giờ quên nổi cô. Ngay cả khi đã thành Bắc Bình vương, trong đêm hợp cẩn với công chúa Ngọc Hân, ông vẫn vương vấn hình bóng An, ông phát hiện Ngọc Hân có “chiếc cổ cao và trắng y như cổ người con gái thời xưa, thời An Thái”. Đấy là hạnh phúc hay là niềm tiếc xót không sao nguôi ngoai nổi? Rồi những khi khó xử trong cuộc sống gia đình, ông lại tìm đến nhờ cậy người phụ nữ ấy. Ông nhờ An làm chiếc cầu nối giữa cô công chúa Bắc Hà với bà Hoàng hậu Quy Nhơn. An làm được bởi An hiểu ông và bởi tình yêu cô dành cho ông tràn đầy thương xót và vị tha. Nguyễn Mộng Giác đặt Quang Trung – Nguyễn Huệ vào một cuộc tình không trọn vẹn để khám phá người anh hùng này ở khía cạnh đời thường, để thấy ông là con người nặng ơn nghĩa và cũng bị nhiều giới hạn thường tình.

Cũng như thế, Nguyễn Quang Thân đặt Lê Lợi trong bi kịch tình yêu với hoàng hậu Ngọc Trần, trong đối sánh tình yêu với Thái Phúc và Vương Thông để lột tả được giới hạn nhân cách, sức căng tình cảm trong hình tượng người anh hùng. Thật khó khăn và đau xót biết bao khi nhìn người vợ đầu gối tay ấp, người mẹ của đứa con mình trầm mình dưới dòng sông để đổi lấy một lời hứa cho ngôi vua sau này trong thời cuộc lắm đổi thay và để khích động lòng quân sĩ. Niềm đau xót này không thể đặt ngang với nỗi xót xa của Thái Phúc, Vương Thông trước hai nàng hầu và nàng kỹ nữ. Một bên Vương Thông, Thái Phúc là giặc, không có gì mất ngoài tính mạng của mình, chỉ sống hết mình cho tình yêu. Và một bên là con người phải đặt lên bàn cân sự an nguy của cả một dân tộc với tình yêu vợ chồng. Sự so sánh bấy lâu của các nhà phê bình chỉ là khập khiễng. Bởi xét cho cùng, hình tượng người anh hùng Lê Lợi không hề xấu đi trong cách Nguyễn Quang Thân đặt ba tình yêu này gần với nhau, thậm chí nó còn làm cho

nội tâm con người Lê Lợi trở nên rõ hơn, sáng hơn. Như vậy, thông qua chủ đề tình yêu, các nhà tiểu thuyết đã chuyển mối quan tâm từ lý giải lịch sử sang khám phá bản chất người muôn thuở đồng thời thể hiện những quan niệm của mình về hình tượng con người lịch sử.

Suy cho cùng, sự kiện lịch sử, độ chân thực hay hư cấu lịch sử chỉ như một thứ thẻ căn cước để các nhà văn đi vào thế giới nhân tính thâm u, khuất khúc, thăm thẳm trong từng nhân vật mà thăm dò những ấn tượng tâm lý, những xáo động nhân bản, những nhức nhối nhân văn, những khắc khoải văn hoá vừa dữ dội vừa tinh tế của nhân vật anh hùng và qua đó xây dựng lên những hình tượn người anh hùng đầy nhân bản, đầy mặc cảm thân phận, nặng tình, trọng nghĩa, ân oán rạch ròi và ngôn thứ phân minh như Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ…

Tiểu kết

Qua bốn tác phẩm tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần, Huyết chiến Bạch Đằng, Hội thề, Sông Côn mùa lũ, hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện lên phong phú và sinh động về mọi mặt. Đó là những con người mang trong mình khát vọng muốn thay đổi lịch sử. Và bằng với tài năng, trí tuệ, phẩm chất của mình, họ đã trở thành người tiên phong tạo bước ngoặt lịch sử mới. Qua tiểu thuyết lịch sử, họ được xây dựng trong một cảm hứng ngưỡng vọng đầy chất sử thi của các nhà văn viết tiểu thuyết mang lại cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về lịch sử cha ông.

Tuy nhiên, hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử còn được miêu tả dưới cái nhìn của những nhà tiểu thuyết. Người anh hùng lịch sử được xây dựng với những cảm xúc, hành động, những phút nội tâm, những thao thức, trăn trở rất đời thường. Chưa bao giờ, nhân vật anh hùng trong lịch sử lại được lí giải ở khía cạnh thân phận, số phận như vậy. Họ cũng như bao người khác cũng bị lịch sử kéo đi trong những bước dài vĩ đại. Và đôi khi, làm nên những khúc quanh lịch sử lại bắt nguồn từ những lí do rất giản đơn. Nhà văn thông qua những hư cấu, sáng tạo nghệ thuật đã làm các nhân vật lịch sử sống lại và qua đó cũng

gửi gắm cảm hứng thế sự của mình. Tất cả đã mang đến cho người đọc những xúc cảm mới lạ, những ấn tượng, suy tưởng đậm nét về những nhân vật anh hùng mà họ đã thuộc lòng qua những trang sách sử.

Chương 3. THI PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG XÂY DỰNG HÌNH

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 70)