Không gian lịch sử và không gian đời thường

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 92)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.1.1. Không gian lịch sử và không gian đời thường

Không gian lịch sử là không gian gắn với các sự kiện lịch sử, với các nhân vật lịch sử, nó là không gian của đời sống chính trị - xã hội. Không gian này bao trùm cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc (năm 1765 - 1792), gắn với sự sinh thành và huy hoàng của một triều đại, một gia đình, một gốc gác Quy Nhơn. Nhưng không gian của Sông Côn mùa lũ muốn làm sống lại lịch sử với chủ ý, chủ quan hơn những tiểu thuyết lịch sử trước đó bởi nhà văn đã biến không gian này thành một “mùa lũ”, một “trận bão”. Con người ở đây cũng không phải là những con người “đã sống” mà là những con người “đang sống” (Milan Kundera ), đang chịu đựng và vượt qua một mùa bão lũ điên cuồng. Mùa bão lũ đang đến, một không gian Quy Nhơn đang nổi sóng: “từ trạm dưới chân đèo An Khê, nghĩa quân ùa xuống đồng bằng theo hai cánh (…), họ tiến nhanh quá, đến nỗi bọn hào lí vừa choàng thức dậy đã thấy nghĩa quân kéo đến đông chật cả sân trước...” [8,282]. Một không gian Gia Định ngập ngụa trong bùn lầy với “từng đống xác bê bết máu, mặt mũi biến dạng vì lấm bùn hoặc sững lại ở những nét đau đớn kinh hãi tột độ”. Một không gian Phú Xuân đang bồng bềnh, “đường phố lúc nào cũng toả bụi mù mịt. Gần như mọi người đều lên cơn say. Không thể ngồi yên ở nhà, họ chạy ra đường, đi lên đi xuống... Mạch máu đập mạnh hơn, trí não căng thẳng, chân tay bứt rứt" [8, 932]. Và một không gian Thăng Long đang ngả nghiêng chao đảo: “cảnh hối hả tấp nập, chen chúc rộn rã gần như mất hết trật tự, cảnh ba quân tuôn chảy như nước lũ dưới bóng cờ đào phất phới, cảnh voi ngựa gươm giáo, đêm trừ tịch, nghe tiếng quân reo tở mở vang động khắp vách núi,

…”[9,1371]. Tâm bão và rốn lũ ấy bắt nguồn từ Quy Nhơn rồi sau đó lan tràn ra cả một nước, hoành hành cả một cõi.

Có thể nhận thấy rằng, không gian trên trong tiểu thuyết là không gian lịch sử hư cấu. Nó đã đem lại cho người đọc một bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam những thập niên cuối thế kỷ 18 với những biến động dữ dội, nhiễu nhương, kinh thiên động địa. Bằng cách viết hư cấu kết hợp sự thật lịch sử tác phẩm thực sự đã dựng được bối cảnh lịch sử rất chân thật về thời đại Tây Sơn, lí giải được những biến đổi đầy bất ngờ của lịch sử. Một thành Gia Định tấp nập buôn bán nhưng lại thiếu vắng sự đoàn kết, sự tin tưởng và ngập chìm trong nỗi dửng dưng trước kết cục của chiến tranh. Một không gian Quy Nhơn, Thuận Hóa nằm giữa vùng tranh chấp của lịch sử gần hai trăm năm nơi con người luôn có xu hướng sống tự do đã đầy hứng khởi trước biến cố lịch sử do nhà Tây Sơn tạo ra. Một Bắc Hà đầy nghi kỵ, hiềm khích và nghèo nàn cả vật chất lẫn tư tưởng nhưng lại bảo thủ, trì trệ khi Nguyễn Huệ phò Lê diệt Trịnh… Tất cả đã vẽ nên được một không gian lịch sử hư cấu đầy màu sắc, đầy sự bất trắc và cũng lí giải được vì sao Nguyễn Huệ luôn toàn thắng với đạo quân có xuất xứ từ Quy Nhơn, Thuận Hóa.

Chúng tôi xin bàn riêng về hai không gian lịch sử khác rất giàu ý nghĩa nghệ thuật là không gian An Thái và không gian bến Ván trong Sông Côn mùa lũ. Cả hai không gian này đều biểu thị sự căng thẳng của lịch sử, hệ quả từ những biến động chiến tranh ảnh hưởng đến số phận con người cá nhân. Nhưng nếu ở không gian An Thái, người đọc còn tìm được những nét nên thơ trong mối tình Huệ và An thì đến không gian Bến Ván, những bi kịch của dân tộc, bi kịch gia đình, bi kịch tình yêu… đều được thể hiện ở đây. Trên một vùng đất gần như trống trơn cát sỏi, con người bị bi kịch gia đình Tây Sơn cũng là bi kịch dân tộc dồn về đây. Khi bi kịch đó chưa đến đỉnh điểm thì họ có cơ may có một cuộc sống ngoài lề chiến tranh an toàn và thậm chí là tự do vì đây là vùng đất chia đôi hai phía, không thuộc của Nguyễn Nhạc hay Nguyễn Huệ. Nhưng nếu bi kịch đến đỉnh điểm, những người sống ở bến Ván cũng sẽ là những người chịu thảm kịch của cuộc chiến nồi da nấu thịt nặng nề nhất. Nếu không gian An Thái vẽ nên

một hình tượng Nguyễn Huệ đầy tư tưởng: nhân nghĩa, dũng cảm, thủy chung… thì không gian Bến Ván lại vẽ nên một Nguyễn Huệ quyết liệt thậm chí tuyệt tình. Sự vận động từ không gian An Thái với vai trò là mở đầu cuộc khởi nghĩa và đến không gian Bến Ván với vai trò kết thúc lịch sử (khi Quang Trung mất, Nguyễn Nhạc ra viếng em nhưng bị chặn ở đó) để bắt đầu một chu trình lịch sử mới (như chu kỳ của người phụ nữ với tất cả những lo lắng, khổ sở mới) đã xây dựng được quá trình hình thành, lớn lên và đạt đến chín muồi trong tư tưởng của nhân vật Nguyễn Huệ.

Tiếp đến là loại không gian có giới hạn hẹp như không gian cung đình, không gian nhà ở… đầy sự khác biệt, hư cấu so với một không gian cung đình quen thuộc trong văn hóa sử. Ở đó, các nhân vật anh hùng và không phải anh hùng giao tiếp với nhau, hoạch định với nhau, dè dặt nhau, oán hận nhau, thương xót nhau. Họ thực hiện chức năng lịch sử, chức năng văn học trong chính không gian đó. Một cảnh anh em nhà Tây Sơn trò chuyện thân mật, cởi mở cho đến cảnh họ e dè, nghi kỵ, mâu thuẫn với nhau để lột tả hết những phong phú nội tâm của từng người; cảnh Nguyễn Huệ gặp gỡ An trong điện; cảnh hoàng hậu gặp Ngọc Hân trong tẩm cung; cảnh Lãng gặp An… Tất cả tạo nên một không gian cung đình bức bối của sự pha trộn giữa cái chân thực và cái giả tạo. Chúng ta cũng tìm thấy loại không gian này trong Bão táp cung đình và Hội thề. Đặc biệt trong Hội thề, không gian cung đình mà ở đây là không gian được gói trong khu vực Lê Lợi đóng, đã thể hiện được những mâu thuẫn chủ đạo nhất trong lịch sử khởi nghĩa Lam Sơn. Những mâu thuẫn đó diễn ra trong một không gian chật hẹp, phòng Lê Lợi, không một chút e dè. Đồng thời trong không gian đó, chúng ta cũng thấy một Lê Lợi bộc lộ đầy đủ bản chất, tính cách và tài năng của một người lãnh đạo khôn khéo, tài trí và gian hùng.

Bên cạnh không gian lịch sử như đã nói ở trên, trong tiểu thuyết lịch sử còn tồn tại song hành một không gian đời thường cũng đầy tính hư cấu. Trong Sông Côn mùa lũ, nhà văn Nguyễn Mộng Giác quan tâm đến không gian đời thường hơn là không gian lịch sử. Không gian đời thường là không gian gắn với đời sống

sinh hoạt thường nhật. Bên cạnh không gian lịch sử gắn với những trận đánh, những cuộc hội kiến lịch sử thì không gian đời thường mở ra những cảnh đời, những vùng đất, những vùng văn hoá sinh động và đa dạng. Cho nên bên dòng chính của lịch sử, có lúc câu chuyện dừng lại ở cảnh sống trong một ngôi chùa với chuyện cây cảnh, nhân tình thế thái; có lúc là cảnh dân thường tò mò đi xem và luận anh hùng, cảnh đôi vợ chồng già lâu ngày gặp nhau, cảnh đôi vợ chồng trẻ chia tay nhau, cảnh một bến tắm ngựa, một bến đò chở cả trí thức lẫn con buôn, đàn ông và đàn bà, cảnh sinh hoạt của một gia đình nhà nho trí thức. Ngay cả trong không gian lịch sử - không gian cung đình, nhà văn lồng vào không gian sinh hoạt đời thường của một ông vua với viên thư ký, với người vợ, với người tình cũ; cảnh hoàng hậu và người yêu cũ của nhà vua gặp mặt nhau - những người đàn bà với câu chuyện rất đàn bà… Chính không gian đời thường đã mang đến cho chúng ta “nhiều tài liệu phong phú về vùng đất phía Nam cuối thế kỷ XVIII.

Không gian đời thường trong Hội thề của Nguyễn Quang Thân là không gian đầy dục vọng, nơi đó con người vừa được giải phóng nhưng đồng thời cũng bị chôn chặt trong những suy tư lịch sử. Đó là không gian buồng ngủ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Không gian phòng làm việc của Lê Lợi. Không gian trên thuyền của Thái Phúc, Vương Thông…

Không gian đời thường trong Huyết chiến Bạch Đằng là không gian nơi Trần Hưng Đạo nằm dằn vặt, khổ sở trong mối tình đầu của mình. Là không gian Trần Hưng Đạo ngồi uống một bát nước vối, ăn một miếng trầu bên sông Rằng. Là không gian ổ rơm ổ chuối ấm áp nơi vua và Trần Khánh Dư nằm nói chuyện.

Những miếng ghép không gian đời thường ở các tiểu thuyết lịch sử không hề thừa thãi. Nó đã mang đến sự vận động mềm mại cho tiểu thuyết, miêu tả sinh động và chi tiết những nét rất đời thường nhằm làm giàu thêm hình ảnh toàn diện của nhân vật anh hùng lịch sử.

Đồng thời, cặp không gian lịch sử và không gian đời thường đan kết vào nhau cho ta một bức tranh toàn cảnh về đời sống con người Việt nửa cuối thế kỷ

XVIII, giữa một thời điểm lịch sử biến động dữ dội, giữa các cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu, cuộc sống vẫn hiện ra quen thuộc, giản dị với những nỗi vui buồn muôn thuở của kiếp người, của nhân tình thế thái.

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử hiện đại Việt Nam (Trang 92)