- Dự kiến quy mô phát triển các loại vật nuôi đến năm 2020:
3.5.7 Giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật
Hiện đại hóa sản xuất là yêu cầu và cũng là điều kiện quyết định thành công trong cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Trước mắt, nên khuyến cáo các trang trại chọn các công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, theo mô hình chuồng kín, chuồng lạnh, ... đã hình thành và đem lại hiệu quả trên địa bàn huyện.
Về kỹ thuật nuôi, các cơ sở phải có chuồng trại được quy hoạch khoa học, thiết kế phù hợp với các điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi; nhất thiết phải có hệ thống vệ sinh phòng dịch thú y và xử lý môi trường. Đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại, công nghiệp, cần áp dụng công nghệ tự động hoá từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất; các cơ sở chăn nuôi phải có sổ sách theo dõi quản lý, lưu giữ số liệu về giống, thuốc thú y và dịch bệnh; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý; cơ sở giống nhất thiết phải có sổ theo dõi.
Hiện đại hóa khâu nuôi lợn đực giống, cung cấp con nái chất lượng cao cho các hộ nuôi thương phẩm, kết hợp tổ chức lai tạo tốt để nâng cao tỷ lệ thụ tinh so với hiện nay, giảm số lần thụ tinh và chi phí thụ tinh.
Cần ứng dụng nhanh các công nghệ quản lý và giám sát dịch bệnh. Kết hợp giữa phòng trừ dịch bệnh một cách nghiêm ngặt trên địa bàn với kiểm dịch một cách thường xuyên và xử lý thật nghiêm các nguồn lây bệnh từ bên ngoài.
Ứng dụng linh hoạt công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng tốt nguồn chất thải từ chăn nuôi (làm khí Biogas, sản xuất phân hữu cơ vi sinh).
Tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao, các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, giết mổ gia súc có quy mô lớn ở Trảng Bom, Biên Hoà, Tp. Hồ Chí Minh và đặc biệt là Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai để ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật.
Nếu làm được như vậy, ngành chăn nuôi lợn của huyện sẽ tránh được dịch bệnh và hướng đến phát triển bền vững.