Mục tiêu của mỗi chuỗi cung ứng là tối đa hóa giá trị tạo ra của toàn hệ thống. Để tối đa hóa giá trị tạo ra trên toàn hệ thống này, đòi hỏi các nhà quản trị phải tối thiểu hóa tổng chi phí của toàn hệ thống từ khâu vận chuyển, phân phối đến tồn kho nguyên vật liệu, tồn kho trong sản xuất và thành phẩm. Giá trị tạo ra của chuỗi cung ứng là sự khác biệt giữa giá trị của sản phẩm cuối cùng đối với khách hàng và nổ lực mà chuỗi cung ứng dùng vào việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đối với đa số các
chuỗi cung ứng thương mại, giá trị liên quan mật thiết đến lợi ích của chuỗi cung ứng, sự khác biệt giữa doanh thu mà khách phải trả cho công ty đối với việc sử dụng sản phẩm và tổng chi phí của cả chuỗi cung ứng. Lợi nhuận của chuỗi cung ứng là tổng lợi nhuận được chia sẽ xuyên suốt chuỗi. Lợi nhuận của chuỗi cung ứng càng cao chứng tỏ sự thành công của chuỗi cung ứng càng lớn. Chuỗi cung ứng bao gồm các công ty liên kết lại với nhau nhằm đưa sản phẩm dịch vụ tới người tiêu dùng, thỏa mãn tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng. Do đó thành công của chuỗi cung ứng nên được đo lường dưới góc độ lợi nhuận của chuỗi chứ không phải đo lường lợi nhuận ở mỗi giai đoạn riêng lẻ. Vì vậy, trọng tâm không chỉ đơn giản là việc giảm thiểu đến mức thấp nhất chi phí vận chuyển hoặc cắt giảm tồn kho mà còn hơn thế nữa chính là vận dụng cách tiếp cận hệ thống vào chuỗi cung ứng.