Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam hội nhập với thị trường quốc tế đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức về điều chỉnh cơ cấu kinh tế và pháp luật. Kinh tế đối ngoại thể hiện sự giao thoa của mỗi quốc gia với nền kinh tế quốc tế. Pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu nói chung và gia công xuất khẩu nói riêng đang chịu sự tác động trực tiếp hết sức to lớn của quá trình này.
Với việc gia nhập WTO (tháng 11/2006), Việt Nam đã chính thức hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới, mở rộng các quan hệ quốc tế song phương và đa phương, các hoạt động giao lưu thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá tăng lên nhanh chóng. Sản xuất trong nước phát triển ở mức độ cao vẫn tiếp tục cần nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu, hàng hoá xuất khẩu tiếp tục gia tăng. Theo các báo cáo tổng hợp, đánh giá số liệu thống kê hàng năm của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan – Tổng cục Hải quan cho thấy cụ thể như sau:
- Xuất khẩu hàng hoá tăng bình quân trong thời kỳ 2001-2010 là 22,74%/năm; năm 2009 kim ngạch xuất khẩu đạt 57,1 tỷ USD; năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 72,2 tỷ USD và năm 2011 kim ngạch xuất khẩu đạt 96,9 tỷ USD.
- Nhập khẩu hàng hoá tăng bình quân trong thời kỳ 2001-2010 là 21,66%/năm;
năm 2009 kim ngạch nhập khẩu là 69,9 tỷ USD; năm 2010 kim ngạch nhập khẩu 84,8 tỷ USD và năm 2011 kim ngạch nhập khẩu 106,7 tỷ USD.
Trong lĩnh vực gia công xuất khẩu thời gian tới vẫn tiếp tục phát triển hết sức mạnh mẽ. Việt Nam tiếp tục là một địa chỉ đáng tin cậy trong lĩnh vực gia công đặc biệt là 3 lĩnh vực truyền thống là dệt may, da giày, thuỷ sản tiếp tục đạt kim ngạch lớn trong thời gian tới.
Bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động tích cực, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật sẽ phát sinh các doanh nghiệp lợi dụng các ưu đãi đối với hoạt động gia công để buôn lậu và gian lận thương mại. Ngoài ra các tổ chức tội phạm quốc tế cũng sẽ tận dụng các cơ hội về những hạn chế trong công tác quản lý ở các nước chậm phát triển như Việt Nam để thực hiện các hành vi phạm pháp.
Sự phát triển của thương mại quốc tế ngày một tăng mạnh mẽ, giữa các quốc gia luôn có sự hợp tác với nhau xuất phát từ ưu thế cạnh tranh riêng biệt của từng nước. Xu thế toàn cầu hoá và các hiệp định tự do thương mại làm cho kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của các quốc gia tăng lên nhanh chóng bao gồm cả xuất nhập khẩu thương mại và gia công quốc tế. Bên cạnh đó là sự xuất hiện thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến. Trong tiến trình này pháp luật về gia công xuất khẩu phải tạo cơ sở pháp lý để đưa hoạt động gia công đi đúng quỹ đạo và đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.