a. Đưa ra quyết định cho vay
Việc phân tích các yêu cầu xin vay đều nhằm mục đích chính là đưa ra một quyết định cho vay đúng. Khi cán bộ đã tập hợp đầy đủ thông tin sẵn có thì bước tiếp theo trong quá trình cho vay là tổ chức thông tin theo một phương thức khoa học để các thông tin này có thể được phân tích nhanh chóng và đưa ra kết luận chính xác. Một cán bộ tín dụng thiếu kinh nghiệm có thể thấy khó khăn trong việc đưa ra quyết định cho vay khi xác định điểm mạnh hoặc điểm yếu của hộ vay. Do đó chính sách tín dụng của ngân hàng cần phải cung cấp một vài hướng dẫn về việc đánh giá này cho hộ vay.
Quyết định tín dụng là quyết định cho vay hoặc từ chối đối với một hồ sơ vay vốn của khách hàng. Đây là khâu cực kỳ quan trọng trong quy trình tín dụng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến các khâu sau và ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng. Một điều không may là khâu quan trọng này lại là khâu khó xử lý nhất và thường dễ phạm phải sai lầm nhất. Nếu sai lầm vì quyết định cho vay đối với một khách hàng không tốt thì dẫn đến thiệt hại do nợ quá hạn hoặc nợ không thể thu hồi, tức là thiệt hại về tài chính. Nếu sai lầm vì từ chối cho vay đối với một khách hàng không tốt thì dẫn đến thiệt hại về uy tín và mất cơ hội cho vay.
̵ Cơ sở để ra quyết định tín dụng: Trước hết dựa vào thông tin thu thập và xử lý từ hồ sơ tín dụng, do giai đoạn trước chuyển sang. Tiếp theo, dựa vào những thông tin khác hoặc thông tin cập nhật từ tình hình thị trường, chính sách tín dụng của ngân hàng, nguồn vốn cho vay của ngân hàng, kết quả thẩm định của các hình thức bảo đảm nợ vay, các quy định về hoạt động tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, chính sách tín dụng của từng ngân hàng thương mại.
̵ Quyền phán quyết tín dụng: Tùy theo quy mô vốn vay lớn hay nhỏ quyền phán quyết thường được trao cho một hội đồng tín dụng hay một cá nhân phụ trách. Hội đồng tín dụng, bao gồm những người có quyền hạn và trách nhiệm quan trọng trong
ngân hàng, họ thường phán quyết những hồ sơ vay vốn có quy mô lớn. Các hồ sơ vay vốn có quy mô nhỏ quyền phán quyết được trao cho cá nhân phụ trách.
Sau khi ra quyết định tín dụng, kết quả có thể là chấp thuận hoặc từ chối cho vay, tùy vào kết quả phân tích và thẩm định ở khâu trước. Nếu chấp thuận cho vay, cán bộ tín dụng sẽ hướng dẫn khách hàng ký kết hợp đồng tín dụng và làm các bước tiếp theo. Nếu từ chối cho vay, ngân hàng sẽ có văn bản trả lời và giải thích lý do cho khách hàng được rõ.
b. Ký hợp đồng tín dụng
Trước khi ký hợp đồng tín dụng, các điều kiện của các khoản vay phải được xem xét lại chi tiết giữa ngân hàng và hộ vay. Ngân hàng phải cùng với hộ vay kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ vay vốn, phải giải thích ý nghĩa của mỗi chứng từ. Chú ý là tất cả các giấy tờ của văn bản tài trợ hoặc hợp đồng tín dụng đều phải được ký vào ngày ký kết.
c. Giải ngân
Giải ngân là khâu tiếp theo sau khi hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Giải ngân là phát tiền vay trực tiếp cho khách hàng hoặc chuyển khoản cho bên thừ ba trên cơ sở mức tín dụng đã cam kết trong hợp đồng. Tuy là khâu tiếp sau của quyết định tín dụng nhưng giải ngân là khâu quan trọng vì nó có thể góp phần phát hiện và chấn chỉnh kịp thời nếu có sai sót ở các khâu trước. Ngoài ra, giải ngân còn góp phần kiểm tra và kiểm soát xem vốn tín dụng có được sử dụng đúng mục đích cam kết hay không, khách hàng sử dụng dòng tiền như thế nào, ai là người thụ hưởng? Nguyên tắc giải ngân là luôn luôn gắn liền vận động tiền tệ với vận động hàng hóa hoặc dịch vụ đối ứng nhằm đảm bảo khả năng thu hồi nợ sau này. Tuy vậy, giải ngân cũng phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo thuận lợi tránh gây khó khăn và phiền hà cho khách hàng.