Khái niệm kỹ năng sống và khái niệm GDKNS

Một phần của tài liệu Quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS tỉnh tuyên quang (Trang 30)

8. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Khái niệm kỹ năng sống và khái niệm GDKNS

1.3.1.1. Khái niệm về kỹ năng sống

Có nhiều quan niệm khác nhau về KNS

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), KNS là khả năng để có hành vi thích ứng và tích cực, giúp các cá nhân có thể ứng xử hiệu quả trước các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày.

Theo UNICEF, KNS là cách tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới. Cách tiếp cận này lưu ý đến sự cân bằng về tiếp thu kiến thức, hình thành thái độ và kỹ năng.

Theo tổ chức Giáo dục, Khoa học văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cho rằng KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Có thể thấy quan niệm về KNS của (UNESCO), KNS gắn với 4 trụ cột giáo dục đó là:

Học để biết bao gồm các kỹ năng tư duy: phê phán, sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả.

Học để làm bao gồm các kỹ năng thực hiện công và làm nhiệm vụ như: Đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm.

Học để cùng chung sống bao gồm kỹ năng xã hội như giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông.

Học để tự khẳng định mình bao gồm các kỹ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin... Bốn trụ cột này chính là cách tiếp cận KNS dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa các nhóm kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực tiễn (làm việc), kỹ năng xã hội và kỹ năng cá nhân.

Các quan niệm về KNS nêu trên, có thể thấy các KNS nhằm giúp chúng ta chuyển dịch kiến thức “cái chúng ta biết” và thái độ, giá trị “cái chúng ta nghĩ, cảm thấy, tin tưởng” thành hành động thực tế “làm gì và làm cách nào”

là tích cực nhất và mang tính xây dựng [3, tr. 15].

Phân tích các quan niệm trên cho thấy: quan niệm của WHO nhấn mạnh đến khả năng các nhân có thể duy trì được trạng thái tinh thần và biết thích nghi tích cực khi tương tác với người khác và với môi trường của mình. Quan niệm này mang tính khái quát, nhưng chưa thể hiện rõ những kỹ năng cụ thể, song quan niệm này tương đối gần với nội hàm KNS theo quan điểm của (UNESCO), đây là quan niệm rất chi tiết, cụ thể, có nhấn mạnh thêm kỹ năng thực hiện công việc và nhiệm vụ. Còn quan niệm của UNICEF nhấn mạnh rằng kỹ năng không hình thành, tồn tại một cách độc lập mà hình thành, tồn tại trong một mới tương tác mật thiết có sự cân bằng với kiến thức và thái độ.

Từ những quan niệm trên, có thể thấy: KNS bao gồm một loạt các kỹ năng cụ thể, cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của con người. Bản chất của KNS là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả. Nói cách khác KNS là kỹ năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước những tình huống của cuộc sống [6, tr. 8].

Tóm lại: KNS là khả năng làm cho hành vi và sự thay đổi của mình phù hợp với cách ứng xử tích cực, giúp con người có thể kiểm soát quản lý có hiệu quả các nhu cầu và những thách thức trong cuộc sống hàng ngày.

1.3.1.2. Khái niệm giáo dục KNS

Theo tác giả Lục Thị Nga, quan niệm: Giáo dục KNS là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, xây dựng những hành vi lành mạnh, thay đổi những hành vi thói quen tiêu cực dựa trên nền tảng các giá trị sống, nghĩa là người học không chỉ hướng đến những hiểu biết mà còn phải làm được những điều mình hiểu, biết ứng xử linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, công việc, nhằm làm cho cuộc sống bản thân và cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn [22, tr. 83].

Giáo dục KNS là quá trình hình thành, rèn luyện và phát triển cho người học những khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người xung quanh trong cộng đồng xã hội và ứng phó tích cực các tình huống của cuộc sống.

Tạp chí dạy và học ngày nay số ra ngày 27/9/2013 đặt vấn đề như sau: Giáo dục KNS là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến học sinh nhằm giúp học sinh có những kiến thức về cuộc sống, có những thao tác, hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội như quan hệ của cá nhân với xã hội, của cá nhân với lao động, của cá nhân với mọi người và của cá nhân với chính mình, giúp cho nhân cách mỗi học sinh được phát triển đúng đắn đồng thời thích ứng tốt nhất với môi trường sống [29].

Tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng quan niệm: Giáo dục KNS là trang bị cho học sinh những kiến thức, thái độ, giá trị và tạo cơ hội cho họ rèn luyện, trải nghiệm trong cuộc sống thực tiễn từ đó giúp họ có thể làm chủ bản thân, ứng xử tích cực với mọi người xung quanh và ứng phó, giải quyết có hiệu quả các tình huống, vấn đề trong cuộc sống [17].

Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đồng ý với quan niệm của tác giả Nguyễn Thanh Bình: “GDKNS là hình thành cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, là xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi hành vi, thói quen tiêu cực trên cơ sở giúp người học có cả kiến thức, giá trị, thái độ và các kỹ năng thích hợp” [3, tr. 32].

Một phần của tài liệu Quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS tỉnh tuyên quang (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)