Nông thôn theo nghĩa truyền thống, là một khái niệm chỉ một bộ phận của đất nước dùng để phân biệt với khái niệm thành thị. Đó là một địa bàn không gian rộng lớn mà đại bộ phận dân cư là những người nông dân, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; quan hệ xã hội chủ yếu trong lũy tre làng với cây đa, giếng nước, sân đình, trên cơ sở huyết thống, dòng họ… Tuy nhiên ngày nay cùng với quá trình phát triển của xã hội những yếu tố truyền thống có sự biến động. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất về nông thôn cũng có sự thay đổị
Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học và Bách khoa Việt Nam: “nông thôn là phần lãnh thổ của một nước hay một đơn vị hành chính nằm ngoài lãnh thổ đô thị, có môi trường tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, điều kiện sống khác biệt với đô thị và dân cư chủ yếu làm nghề nông”. Như vậy, chúng ta có thể hiểu: Nông thôn là một địa bàn mà ở đó sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thu nhập của dân cư từ sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Tên gọi của địa bàn nông thôn thường là xã, thôn, làng, ấp, bản... Nông thôn có thể được xem xét trên nhiều góc độ: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội … Về mặt kinh tế - xã hội, dân cư nông thôn có mức sống, trình độ dân trí, điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học - công nghệ trên thế giới thấp hơn dân cư đô thị; tỷ lệ hộ nghèo cao hơn đô thị. Trên phương diện ngành, lĩnh vực và vùng, để phân biệt với kinh tế thành thị, KTNT được quan niệm là tổng thể các hoạt động KT - XH diễn ra trên địa bàn nông thôn, bao gồm các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn đó.
Theo Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác - Lê nin:
Kinh tế nông thôn là một phức hợp những nhân tố cấu thành của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông - lâm - ngư nghiệp, cùng với các ngành như công nghiệp truyền thống, các ngành tiểu - thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và phục vụ nông nghiệp, các ngành thương nghiệp và dịch vụ... tất cả có quan hệ hữu cơ với nhau trong kinh tế vùng và lãnh thổ và trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân [52, tr.484].
Trước đây, khi nói tới nông thôn, ta thường nghĩ đến địa bàn mà ở đó hoạt động sản xuất nông nghiệp được coi là bao trùm. Nhưng ngày nay, với sự phát triển cao của LLSX và phân công lao động thì khu vực nông thôn không đơn thuần chỉ có hoạt động nông nghiệp mà còn có cả công nghiệp và dịch vụ. KTNT là khu vực kinh tế quan trọng, là khu vực sản xuất vật chất cung cấp tư liệu tiêu dùng thiết yếu để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của con người, để tái sản xuất ra sức lao động cho xã hội, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp… Quá trình phát triển của mỗi quốc gia luôn gắn liền với quá trình đô thị hoá, nhưng không vì vậy mà khu vực KTNT mất đi, mà trái lại nó luôn tồn tại và phát triển.
Như vậy, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm kinh tế nông thôn, nhưng dù hiểu thế nào thì Kinh tế nông thôn là một khu vực của nền kinh tế gắn liền với địa bàn nông thôn. Nó là tổng thể các quan hệ kinh tế diễn ra trên địa bàn nông thôn, có quan hệ chặt chẽ với nông nghiệp, nông dân.