- Nguyên nhân chủ quan
4.2.7.3. Thực hiện phát triển mô hình hợp tác kinh tế trong nông thôn
Trên cơ sở khảo sát thực nghiệm một số mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ khu vực nông thôn đã có trong thực tế ở nước ta, có thể định hướng một số mô hình sau cho huyện Kim Sơn:
- Mô hình liên kết hợp đồng (trang trại liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp) đây là mô hình mang tính cạnh tranh hiệu quả nhất trong nền nông nghiệp hàng hoá, chủ yếu để xuất khẩu áp dụng đối với các trang trại lớn, hiện đại, chuyên canh. Mô hình này phải mang tính chuyên nghiệp cao nhất trong tiếp cận thị trường thế giới, tạo ra những thương hiệu mạnh cho nông nghiệp Việt Nam.
- Mô hình hộ nông dân quy mô nhỏ và trang trại liên kết thành HTX, liên hiệp HTX: Những mô hình này tạo ra tính cạnh tranh cao nhờ việc nông dân liên kết với nhau để tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường (đây là mô hình ở những vùng mà các doanh nghiệp rất khó liên kết với nông dân do quy mô không lớn). Liên kết này sẽ giúp nông dân được hưởng nhiều sự phân chia giá trị gia tăng hơn, tạo nhiều công ăn việc làm hơn từ ngành hàng (tăng quy mô theo chiều dọc), điều này sẽ bù đắp cho quy mô sản xuất nhỏ theo chiều ngang. Với các mô hình này, vai trò bà đỡ của nhà nước đối với các HTX rất quan trọng, các HTX phải trở thành nơi mà thông qua đó nhà nước hỗ trợ nông dân của mình.
- Mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái - du lịch: Cần quy hoạch một mạng lưới những trang trại này xung quanh các đô thị Phát Diệm, Bình Minh. Đây chính là một trong những nội dung phát triển KTNT bền vững, những trang trại này chính là các mô hình để chuyển nghề cho nông dân ven đô thị, nông dân vừa sản xuất, làm dịch vụ. Nhà nước nên đào tạo cung cấp tín dụng giúp nông dân tiếp cận xây dựng mô hình nàỵ
- Mô hình trang trại nông nghiệp - bảo tồn tài nguyên: mô hình nông nghiệp này có thể phát triển ở vùng bãi bồi ven biển, mục đích bảo tồn tài nguyên, bảo tồn sự đa dạng sinh học ở vùng biển Kim Sơn (khu dự trữ sinh quyển đã được công nhận). Thu nhập của các trang trại này chính là thu từ lâm nghiệp, tận thu hải sản.
- Đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút thương nhân hoạt động ở địa bàn nông thôn, tiếp tục khuyến khích thành lập doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, kinh doanh thương mại ổn định, lâu dài và có hiệu quả ở các khu vực nông thôn. Khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) dịch vụ thương mại đa chức năng hoặc HTX dịch vụ tổng hợp phục vụ sản xuất nông
nghiệp và tiêu thụ nông sản. Định hướng các hộ kinh doanh tham gia vào hệ thống kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tự phát triển hoặc liên kết, hợp nhất với nhau thành công ty hoặc HTX bán lẻ. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề và tiêu thụ hàng Việt Nam ở khu vực nông thôn.
Tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX có dự án đẩu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về quy định và hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư, được vay tín dụng đầu tư nhà nước theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP; tích cực tổ chức xúc tiến đầu tư tranh thủ nguồn vốn vay ODA và của Ngân hàng Phát triển châu Á.
- Tăng cường hỗ trợ dự án đầu tư phát triển chợ nông thôn và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh với nông dân trong đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Xác định chợ nông thôn là loại hình tổ chức phân phối hàng hóa chủ yếu, là hạt nhân để quy tụ, tập trung các hoạt động trao đổi, mua bán, tiêu thu nông sản hàng hóa ở khu vực nông thôn. Để hỗ trợ sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng chợ nông thôn, bên cạnh các chính sách khuyến khích hỗ trợ của trung ương như: Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ theo chính sách do UBND tỉnh đã ban hành thực hiện riêng trong phạm vi của tỉnh và kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách danh cho đầu tư chợ từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo với vốn của doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh.
Phát triển kinh tế vùng đặc thù (vùng có đông đồng bào công giáo) phải trên cơ sở khai thác các lợi thế so sánh, bên cạnh đó cần khẩn trương nghiên cứu phương thức tổ chức sản xuất có hiệu quả nhất đến hộ. Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở nông thôn Kim Sơn hoặc dịch vụ nghề nông tạo thành các “đầu kéo” phát triển kinh tế nông thôn của huyện đặc thù.
Nhà nước cần xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách thích hợp để phát triển các yếu tố hấp dẫn doanh nghiệp về nông thôn như: đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trục chính đến hàng rào các cụm công nghiệp, trong đó quan trọng nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc. Có quy hoạch và kêu gọi các thành phần kinh tế khác đầu tư hệ thống hạ tầng gián tiếp nhưng rất quan trọng để hấp dẫn doanh nghiệp như đô thị, chợ, trường học, vui chơi giải trí…
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới để doanh nghiệp có chỗ dựa mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, đó là đòn bẩy quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời lựa chọn công nghệ sạch, coi trọng xử lý chất thải, nước thải bảo vệ môi trường ở các cụm công nghiệp, các làng nghề ở nông thôn.