Quản lý việc lập kế hoạch cho hoạt động dạy học

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học ở trường Trung học phổ thông Na Dương, tỉnh Lạng Sơn (Trang 29 - 30)

Căn cứ nội dung, chương trình THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; Căn cứ chỉ thị nhiệm vụ năm học và những văn bản chỉ đạo của cấp trên; Căn cứ vào thực tế về số lượng, trình độ giáo viên, cơ cấu giáo viên các bộ môn; Căn cứ vào số lượng, năng lực của học sinh; Căn cứ vào điều kiện về cơ sở vật chất; Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Hiệu trưởng dự thảo kế hoạch dạy học cho từng năm học. Sau khi lấy ý kiến tham khảo của các phó hiệu trưởng, TTCM, hiệu trưởng hoàn thiện kế hoạch và triển khai thực hiện trong toàn nhà trường.

Căn cứ kế hoạch nhà trường, Hiệu trưởng chỉ đạo Tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch của tổ để cụ thể hóa nhiệm vụ của nhà trường thành các hoạt động cụ thể của tổ. Kế hoạch thể hiện rõ mục tiêu phải hoàn thành, nội dung phải thực hiện, phương tiện và cơ sở vật chất để thực hiện, có cá nhân thực hiện cụ thể và lịch trình hoàn thành nhiệm vụ. Hiệu trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch của tổ chuyên môn, kịp thời hỗ trợ các tổ chuyên môn (kể cả việc điều chỉnh kế hoạch) để tổ chuyên môn hoàn thành kế hoạch có kết quả cao nhất.

Mỗi cá nhân trong tổ cũng căn cứ kế hoạch của tổ để xây dựng kế hoạch cá nhân. Hiệu trưởng chỉ đạo TTCM hướng dẫn tổ viên xây dựng kế hoạch phù hợp với năng lực của cá nhân, tình hình nhà trường và ký duyệt kế

hoạch của giáo viên. Hiệu trưởng giao nhiệm vụ cho TTCM đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch của giáo viên, là cầu nối giữa nhà trường với giáo viên để giúp đỡ giáo viên thực hiện kế hoạch cá nhân của họ.

Quản lý lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch thực chất là thiết kế chương trình dạy học chi tiết. Công đoạn này cần phải dựa trên kết quả đánh giá đầu vào về khả năng/năng lực, nhu cầu, cách học và điều kiện học tập của học sinh. Việc thực hiện chương trình phải dựa vào sự lựa chọn của học sinh và của giáo viên qua các mức độ khó, nhịp độ và hình thức học tập của học sinh một cách phù hợp. Các em học sinh giỏi phải được học ngang tầm với khả năng để có thể phát triển tối đa những tiềm năng sẵn có và nhu cầu/ham muốn của mình. Ngược lại, những học sinh yếu/kém phải được học phù hợp với khả năng sao cho có thể nâng cao trình độ, không có cảm giác sợ hoặc chán nản với việc học tập.

Sau khi có kết quả đánh giá đầu vào của học sinh, nội dung, quá trình, sản phẩm có thể được thay đổi để học sinh có cơ hội phát triển đến trình độ cao hơn, tức là tối ưu hóa sự phát triển và thành công của mỗi cá nhân.

Nhiệm vụ chủ yếu của hiệu trưởng là làm sao cho mọi thành viên biết và nghiêm túc thực hiện kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học ở trường Trung học phổ thông Na Dương, tỉnh Lạng Sơn (Trang 29 - 30)