Hệ thống đánh giá CAMELS do Cục Quản lý các tổ hợp tín dụng Hoa Kỳ (National Credit Union Administration - NCUA) xây dựng, song không chỉ có Hoa Kỳ mà còn có nhiều nước trên thế giới áp dụng. Sau khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, hệ thống đánh giá CAMELS được Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Nhóm Ngân hàng Thế giới khuyến nghị áp dụng ở các nước bị khủng hoảng như một trong các biện pháp để tái thiết khu vực tài chính. Và phương pháp CAMELS này đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng trong Quy chế “Xếp loại các tổ chức tín dụng Việt Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 292/1998-QĐ NHNN ngày 27/08/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước
CAMELS là viết tắt chữ cái đầu tiên của các cụm từ sau: - Capital Adequacy: Mức độ an toàn vốn,
- Asset Quality: Chất lượng tài sản,
- Management competence: Trình độ Ban quản lý, - Earnings strength: Lợi nhuận,
- Liquidity risk: Rủi ro thanh khoản, và
- Sensitivity to market risk: Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường. * Capital Adequacy (Mức độ an toàn vốn)
Mức độ an toàn vốn thể hiện khả năng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bù đắp các tổn thất tiềm năng liên quan đến các rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động...
Mức độ an toàn vốn của NHTM được thể hiện qua tỷ lệ an toàn vốn Capital Adequacy Ratio (CAR), được tính theo công thức sau:
CAR = [(Vốn tự có cấp I + Vốn tự có cấp II) / (Tài sản “Có” điều chỉnh rủi ro)] * 100% Theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ này đối với các ngân hàng Việt Nam được quy định tối thiểu phải đạt 9%.
Tỷ lệ CAR về bản chất cũng tương tự như tỷ lệ đòn bẩy (leverage) của các doanh nghiệp bình thường. Tuy vậy, ở đây Tổng tài sản được điều chỉnh theo hệ số rủi ro phù hợp với từng loại tài sản.
Asset Quality (Chất lượng tài sản “Có”)
Tài sản “Có” của các ngân hàng thương mại chủ yếu nằm ở các khoản cho vay khách hàng (tín dụng) và các khoản đầu tư.
Chất lượng tài sản thấp là hệ quả của việc giảm sút chất lượng các khoản tín dụng khách hàng hay thua lỗ trong đầu tư. Điều này được biểu hiện thông qua các khoản trích lập dự phòng thua lỗ hay các khoản thu lỗ thực sự.
Một khi ngân hàng phát sinh các khoản lỗ, dòng tiền sẽ bị ảnh hưởng, ngân hàng có khả năng đối mặt với rủi ro thanh khoản, và đặc biệt là sự sụt giảm uy tín, và có thể tạo ra hệ lụy đổ vỡ một cách hệ thống.
Management (Trình độ Quản lý)
Do bản chất khá phức tạp của hoạt động tài chính ngân hàng, hệ thống quản trị đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đánh giá một ngân hàng. Nó có thể quyết định sự thành công hay thất bại của chính ngân hàng.
Nhiều nhà phân tích coi quản lý là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống phân tích CAMELS, cả ở khía cạnh tạo lợi nhuận, tăng trưởng hay quản trị để đảm bảo ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro.
Earnings (Lợi nhuận)
Thu nhập chính của ngân hàng thương mại đến từ các nguồn: (1) Thu nhập từ lãi (hoạt động tín dụng), (2) Thu nhập từ lệ phí, hoa hồng (hoạt động dịch vụ), (3) Thu nhập từ đầu tư kinh doanh chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), (4) Thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ, vàng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí như lãi suất huy động vốn, giá vốn chứng khoán, chi phí quản lý, dự phòng rủi ro… sẽ hình thành nên lợi nhuận của ngân hàng.
Lợi nhuận là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của hoạt động, công tác quản lý. Đây là nguồn tiền để duy trì và tăng cường hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Tuy vậy, lợi nhuận có thể bị diễn giải sai do các thủ thuật kế toán và không phản ánh đúng bản chất rủi ro trong hoạt động của từng ngân hàng.
Liquidity (Thanh khoản)
Rủi ro thanh khoản là rủi ro ảnh hưởng đến lợi nhuận, nguồn vốn khi ngân hàng không đủ khả năng trả các khoản nợ/nghĩa vụ đến hạn và chịu tổn thất ngoài mong muốn.
Nó cũng bao gồm cả việc không lường trước được các thay đổi trong các nguồn vốn huy động, hay không lường trước được các điều kiện cần thiết để chuyển các dạng tài sản thành tiền ít tổn thất nhất.
Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của rủi ro thanh khoản ở ngân hàng là sự “lệch pha” giữa huy động và cho vay.
Ngân hàng thường huy động một lượng tiền gửi ngắn hạn với lãi suất thấp, và dùng với một tỷ lệ nhất định để cho vay với lãi suất cao hơn. Ngân hàng sẽ gặp rủi ro thanh khoản nếu không quản lý đúng đắn và đáp ứng nhu cầu rút tiền khi các khoản tiền gửi ngắn hạn đáo hạn.
Sensitivity to Market Risk (Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường)
Phân tích Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng của thay đổi về lãi suất, tỷ giá, giá hàng hàng hóa, chứng khoán đến lợi nhuận hay vốn tự có của ngân hàng.
Ví dụ về rủi ro lãi suất, ban lãnh đạo ngân hàng có trình độ sẽ nhìn nhận rủi ro lãi suất dưới góc độ lợi nhuận cũng như các lợi ích kinh tế khác của ngân hàng.
Một sự biến động lãi suất sẽ tức thời ảnh hưởng đến thu nhập từ lãi, cũng như các mảng khác và chi phí hoạt động có mức độ nhảy cảm cao với lãi suất.
Ngoài ra, sự thay đổi về lãi suất cũng sẽ tác động đến giá trị kinh tế của dòng tiền tương lai, giá trị các tài sản… của ngân hàng.